Tin tức

Hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA

22/06/2020    500

Khi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, bên cạnh những thách thức về kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ... còn nhiều rào cản 'mềm' khác, như vấn đề lao động, môi trường.

Hiệp định EVFTA - cú hích giúp Việt Nam phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

"Việt Nam có thể tận dụng sức mạnh mới từ vị thế được khẳng định sau đại dịch Covid-19 cùng hiệp định EVFTA để phục hồi kinh tế", GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) nhận định.

Nêu quan điểm về những ảnh hưởng của EVFTA đối với Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh về 4 tác động cơ bản, bao gồm:

Cơ hội mới cho xuất khẩu, thương mại và kinh doanh, EVFTA sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu, tạo cú hích lớn, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam được hưởng lợi tại thị trường EU, như ưu đãi thuế, cơ hội tiếp cận máy móc, công nghệ hiện đại và tiên tiến của EU.

Đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp EU, song hành cùng hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), EVFTA càng mang tính khuyến khích đầu tư vào Việt Nam, khi Việt Nam thiết lập những cam kết dành cho đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tạo động lực cho Việt Nam nỗ lực về mọi mặt, bao gồm hiện đại hóa khung pháp lí, củng cố môi trường thương mại và đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.

Hóa giải, biến thách thức thành cơ hội

Tuy nhiên, khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA.

Bởi vậy, không chỉ tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam, EVFTA cũng sẽ đặt các doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại "sân nhà".

Đồng thời, theo TS. Võ Trí Thành, bên cạnh những thách thức về kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ... còn nhiều rào cản "mềm" khác, như vấn đề lao động, môi trường.

Vì vậy, cùng với nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA với quan điểm xuyên suốt là luôn có thách thức bên cạnh những cơ hội đã được chúng ta chỉ ra và phân tích lâu nay.

Bên cạnh đó, ngoài cơ chế, chính sách, thông tin… các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến "nguồn lực" hỗ trợ của Nhà nước. TS. Thành nhắc lại hàng loạt cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, và cả ở cấp địa phương.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom cho rằng, để thỏa mãn khách hàng EU, Việt Nam cần chú trọng phát triển khoa học, công nghệ để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự gia tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này mang đến lợi ích to lớn cho Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam phải được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, hạn chế thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Giúp sản phẩm "made in Vietnam" cải thiện về chất lượng, tránh chủ nghĩa bảo hộ từ các quốc gia khác, không chỉ ở EU.

Nguồn: Thế giới tiếp thị