Tin tức

Khôi phục xuất nhập khẩu qua biên giới với Campuchia trong giai đoạn mới

22/05/2020    3591

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã có những khó khăn nhất định. Trước tình hình này, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh biên giới với Campuchia đã chủ động tháo gỡ khó khăn, đồng thời đề ra giải pháp khôi phục xuất nhập khẩu, phát triển thị trường ngay sau khi dịch bệnh được khống chế ở cả Việt Nam và Campuchia.    

Ngày 21/5/2020, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với một số Sở Công Thương các tỉnh biên giới giáp Campuchia tổ chức “Hội nghị trực tuyến về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với Campuchia”.

Tham dự Hội nghị trực tuyến có Lãnh đạo và cán bộ Sở Công Thương các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Campuchia và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương gồm: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch.

Trong những năm vừa qua, quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia luôn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 12,15% trong giai đoạn 2015-2019. Năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam và Campuchia đạt 5,2 tỷ USD, tăng 10,56% so với năm 2018, đạt trước thời hạn và vượt mục tiêu kim ngạch thương mại 5 tỷ USD vào năm 2020 mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra. Tuy nhiên, bước sang tháng 3 năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả Việt Nam và Campuchia đều phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, dừng hoạt động nhập cảnh của cư dân Việt Nam vào Campuchia và xuất cảnh của cư dân Campuchia vào Việt Nam theo đường bộ, đường sông, đường hàng không (từ 20/3/2020).

Tại hội nghị trực tuyến, ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – cho biết, mặc dù vẫn được phép thực hiện theo mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới hai nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và không thể phát triển bình thường như trước khi có dịch.

Hội nghị trực tuyến lần này được tổ chức nhằm rà soát tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Campuchia, tổng hợp khó khăn vướng mắc và đề xuất các biện pháp tháo gỡ cũng như chuẩn bị kế hoạch - giải pháp chủ động phát triển thị trường ngay sau khi dịch bệnh được khống chế ở cả Việt Nam và Campuchia.”- ông Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các Sở Công Thương như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp đã trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu qua biên giới với Campuchia và các hoạt động nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia được diễn ra bình thường, liên tục đồng thời đảm bảo phòng tránh sự lây lan của dịch Covid 19. Bên cạnh đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thông thương hàng hóa của hai Bên như: đơn giản hóa thủ tục xác minh chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với trái cây nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam, nâng cấp một số lối mở tại tỉnh Kiên Giang lên cửa khẩu chính, nâng cấp một số cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế như cửa khẩu Vĩnh Bình, Vĩnh Xương, Thường Phước (đường bộ) và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại đối với Campuchia.

Bà Lê Thị Nhứt – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang – cho rằng, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh qua biên giới từ đầu năm đến nay ổn định. Trong dịch Covid-19, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động bố trí lại các khu vực xuất nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy giải pháp thông quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua Campuchia.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với trái cây nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam. Bởi giấy chứng nhận kiểm dịch này phải được xác minh giữa hai nước và phải mất thời gian. Đợi khi xác minh xong thì có thể trái cây sẽ bị hư hỏng”- bà Lê Thị Nhứt cho hay.

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cũng có bài phát biểu điểm qua về tình hình kinh tế, xã hội ở Campuchia và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Campuchia, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình trao đổi thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu với Campuchia trong bối cảnh Covid-19 hiện nay và đề ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy việc thông thương hàng hóa giữa các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia nói riêng và tăng cường hợp tác thương mại hàng hóa Việt Nam – Campuchia nói chung.

Trao đổi với các Sở Công Thương, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi ghi nhận những nỗ lực của các Sở Công Thương trong việc thông tin kịp thời cho Bộ tình hình trao đổi thương mại với Campuchia. Đồng thời, chủ động, kịp thời đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa với Campuchia ngay khi lệnh tạm dừng xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới được đưa ra. “Bộ Công Thương vui mừng nhận thấy mặc dù bị ảnh hưởng do việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng nhìn chung hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam – Campuchia ở các tỉnh vẫn diễn ra ổn định và đạt được những kết quả khá khả quan, vẫn đạt được mức tăng trưởng tương đối tốt, mặc dù không được như các năm trước.” – ông Đỗ Quốc Hưng cho hay.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, đây là hoạt động cần thiết nhằm quảng bá sản phẩm và nâng cao nhận diện các sản phẩm của Việt Nam tại Campuchia, đặc biệt đối với các mặt hàng có thế mạnh của các tỉnh biên giới.

Ông Đỗ Quốc Hưng cho biết, thời gian tới, khi các cửa khẩu biên giới vẫn chưa được mở cửa cho người xuất nhập cảnh để phòng tránh lây lan dịch Covid-19, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Cơ quan ban ngành của Campuchia và Sở Công Thương tổ chức các hội nghị giao thương, chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm của Việt Nam tới thị trường Campuchia.

Bên cạnh đó, dự kiến trong quý III và quý IV năm 2020, khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối giao thương, tham dự Hội chợ, triển lãm tại Campuchia với sự tham dự của doanh nghiệp các tỉnh biên giới Việt Nam giáp Campuchia.

Nguồn: Báo Công Thương