Tin tức

RCEP: Cơ hội hay thách thức đối với xuất khẩu của ASEAN?

13/04/2020    549

Bài viết trên báo The Business Times số ra gần đây lập luận rằng, việc giảm thuế quan theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có khả năng làm giảm xuất khẩu của ASEAN, bởi thỏa thuận này có thể làm xói mòn những ưu đãi thương mại của ASEAN mà các đối tác FTA hiện dành cho khối.

RCEP là một thỏa thuận thương mại (FTA) khu vực nhằm tự do hóa thương mại và đầu tư, và để tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thỏa thuận đã trải qua một số vòng đàm phán kể từ năm 2012, giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Tháng 11/2019, sự rút lui của Ấn Độ đã làm giảm số lượng các nước tham gia đàm phán RCEP từ 16 xuống còn 15 nước. Tuy nhiên, RCEP vẫn là FTA lớn nhất trên thế giới bởi nó có một thị trường khổng lồ 24.800 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ dân. Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2020.

Trong khi RCEP đem lại cơ hội để tiếp cận quy mô thị trường lớn hơn, thỏa thuận này có khả năng tạo ra ảnh hưởng bất lợi cho xuất khẩu của ASEAN. Một trong những công cụ chính sách thương mại then chốt của một thỏa thuận thương mại là loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu giữa các nước thành viên của thỏa thuận.

Thông thường, việc loại bỏ thuế quan được cho là sẽ làm gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh ASEAN, việc loại bỏ thuế quan theo RCEP có thể sẽ làm xói mòn những ưu đãi thương mại của ASEAN bởi RCEP sẽ chồng lấn với nhiều FTA khác của ASEAN.

Tất cả các nước ASEAN đều đã có FTA với tất cả các đối tác thương mại chủ chốt của khối, một phần do tư cách thành viên trong Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), các FTA trong khuôn khổ ASEAN+1 với từng nước đối tác đối thoại và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng cũng bởi một số nước trong nhóm RCEP có các FTA song phương với nhau như FTA Nhật Bản-Singapore, FTA Malaysia-Australia, FTA Nhật Bản-Thái Lan, cùng với nhiều FTA khác.

Bởi vậy, tầm quan trọng của RCEP với tư cách là điểm đến xuất khẩu cho các nước ASEAN bị hạn chế.

Các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với sự suy giảm lợi thế cạnh tranh mà một số nhà xuất khẩu được hưởng ở các thị trường nước ngoài do các FTA mang lại giữa các nước thành viên ASEAN với nhau và giữa ASEAN với tư cách là một khối với các đối tác đối thoại của họ.

Các nhà xuất khẩu ASEAN sẽ nhận thấy lợi ích của các FTA này giảm sút bởi việc mở rộng những ưu đãi để bao gồm cả những nước bổ sung của RCEP. Việc loại bỏ thuế quan lớn hơn theo RCEP sẽ dẫn đến sự xói mòn ưu đãi rộng hơn và bởi vậy làm giảm xuất khẩu trong ASEAN.

Phân tích 5 điểm đến xuất khẩu hàng đầu của 10 nước ASEAN sử dụng dữ liệu xuất khẩu năm 2018 của Trung tâm thương mại quốc tế cho thấy, các nước ASEAN sẽ có những mức độ thiệt hại về xuất khẩu khác nhau.

Các nước có thiệt hại về xuất khẩu tương đối lớn bao gồm Brunei, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Ngược lại, Campuchia, Philippines và Việt Nam có khả năng phải đối mặt với ít thiệt hại về xuất khẩu hơn bởi các quốc gia này chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, nước không tham gia RCEP.

Nguồn: Báo Quốc tế