Tin tức

Hàng rào phi thuế quan- thách thức cho doanh nghiệp tại thị trường EU

02/01/2020    452

Theo nhận định của các chuyên gia, khi thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) nhưng các thách thức về hàng rào phi thuế quan từ thị trường này sau khi hàng rào thuế quan bị bãi bỏ sẽ là trở ngại không nhỏ đối với DN Việt Nam tiếp cận thị trường EU.  

Yêu cầu khắt khe

Theo Bộ Công Thương, EU hiện là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong năm 2019, kim ngạch XK vào EU sẽ đạt khoảng 41,8 tỷ USD. Với EVFTA dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2020, có 85% dòng thuế XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ tương đương 70,3% kim ngạch XK. Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm hiệp định này có hiệu lực là hơn 99%, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lớn để các DN XK của  Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mức độ an toàn cao, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xu hướng tiêu dùng của thị trường EU cũng chuộng các sản phẩm có thương hiệu, các dòng sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, người tiêu dùng EU rất coi trọng yếu tố trách nhiệm xã hội của các sản phẩm hàng hóa.

“Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì hàng rào phi thuế quan sẽ là vấn đề chính tại thị trường EU. Không chỉ phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe về môi trường, chất lượng, kỹ thuật, các DN còn có khả năng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đem lại nguy cơ thương mại mất cân bằng. Trong đó các biện pháp phòng vệ được áp dụng phổ biển là chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Đây sẽ là xu hướng song hành với xu hướng tự do hoá thương mại”, bà Hiền nhấn mạnh

Tại một hội thảo tổ chức gần đây tại TPHCM, ông Vũ Xuân Phong, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, với phạm vi cam kết rộng, mức độ ưu đãi cao EVFTA có nhiều ưu đãi về thuế XK sang châu Âu tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, cơ chế thị trường có nguyên tắc và chuẩn mực cao và khắt khe, đòi hỏi DN XK phải nắm được yêu cầu của các DN EU. Đây cũng là thị trường có hệ thống pháp lý quy củ chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, do vậy hàng hóa XK cũng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường mới tiếp cận được người tiêu dùng.

Một ví dụ điển hình, trong năm 2019 kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam đã giảm 500 triệu USD so với kế hoạch  ban đầu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một nguyên nhân quan trong là do ngành thủy sản chịu tác động của việc bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các quy định của EC về việc đánh bắt cá trái phép...

Hỗ trợ DN tiếp cận thị trường

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, việc chuẩn bị cho EVFTA đã được Bộ Công Thương triển khai ngay từ khi đàm phán. Để tạo thuận lợi cho DN đẩy mạnh XK, bên cạnh việc cung cấp các thông tin thị trường, Bộ Công Thương còn tuyên truyền, phổ biến cho DN các vấn đề về pháp lý, vì nếu không nắm vững quy định NK vào EU sẽ không thể có mặt tại thị trường này. Bên cạnh đó, các thương vụ tại nước ngoài cũng thường xuyên theo dõi biến động của thị trường, các cảnh báo từ EU trong hoàn cảnh xung đột thương mại, hàng rào thuế quan dỡ bỏ, hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.

Ông Võ Chiến thắng, Tham tán thương mại tại Tây Ban Nha cũng cho biết, các tham tán thương mại thường xuyên có báo cáo cập nhật về Vụ thị trường Âu- Mỹ về xu thế, thị hiếu, đặc biệt là các yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU. Từ đó có cảnh báo và đề nghị các giải pháp tiếp cận cho các hiệp hội, ngành hàng để thông tin đến DN làm sao để DN đáp ứng được yêu cầu chung đối với từng bạn hàng, từng trường hợp cụ thể và đáp ứng các yêu cầu riêng lẻ của các nước EU.

Ngoài ra, để hỗ trợ DN mở rộng thị trường, thương vụ cũng thường xuyên có các hoạt động tiếp cận các tập đoàn, chuỗi phân phối lớn ở các nước để sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin liên hệ với các đầu mối hoặc nhà NK trung gian khi các DN trong nước có nhu cầu.

“Để XK tốt vào thị trường EU, các DN cần kiên trì liên hệ với các thương vụ để các thương vụ có cơ sở dữ liệu về nhu cầu hợp tác kinh doanh của các DN trong nước. Sắp tới các thương vụ sẽ có hoạt động tập hợp nhu cầu về XK hàng hóa theo thời gian và địa phương để khi có sự kiện đối ngoại hoặc yêu cầu cụ thể từ DN sở tại sẽ trực tiếp hỗ trợ kết nối cho DN khai thác thị trường tốt. Bên cạnh các kênh thương vụ, các DN cần kết nối với các nhà cung ứng vì các nhà cung ứng sẽ đặt ra tiêu chuẩn và điều kiện tuân thủ cho mỗi thị trường. Do vậy, các nhà mua hàng sẽ là kênh quan trọng giúp DN nắm bắt thông tin và đáp ứng các yêu cầu để hàng hoá có thể tiếp cận thị trường”, ông Thắng cho biết.

Nguồn Báo Hải quan online