Tin tức

4 giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang Hàn Quốc

04/09/2019    2088

Hiện nay, dù đứng trong top 5 nước đứng đầu xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với tổng nhập khẩu của Hàn quốc và chiếm tỷ trọng nhỏ trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước.    

Tại Diễn đàn xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam – Hàn Quốc 2019, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD nông sản, nhưng hàng nông, lâm thuỷ sản của Việt Nam chỉ chiếm 5,9% thị phần. Trong đó, các sản phẩm Việt Nam xuất sang thị trường Hàn Quốc chủ yếu là đồ gỗ, thủy sản và trái cây. Riêng về trái cây, Việt Nam hiện chỉ mới được phép xuất khẩu 5 loại trái cây vào Hàn Quốc (dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long), trong khi một số loại khác như vú sữa, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn đang chờ xin phép nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nhập khẩu khá nhiều trái cây, bình quân mỗi người tiêu dùng khoảng 60 kg/năm. Các loại trái cây hay dùng có cà chua, dưa hấu. Tuy nhiên chỉ mới đáp ứng 64% nhu cầu trong nước, do đó, Hàn Quốc phải nhập khẩu thêm.Chia sẻ về tiềm năng thị trường, ông Kang Si Sung, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, trong số nhu cầu nhập khẩu nhóm nông sản của Hàn Quốc thì rau quả rất lớn, lên tới 8,44 tỉ USD. Hàn Quốc nhập chủ yếu bắp cải, xà lách, củ cải, ớt, tỏi, ớt chuông… bởi văn hóa ăn kim chi rất nhiều, mỗi năm 1 người Hàn Quốc dùng hơn 200 kg rau, trong khi bình quân thế giới chỉ 130 kg mỗi người.

Ngoài ra, Hàn Quốc ưa chuộng chuối và nhập mỗi năm đến 370 triệu USD, trong khi nhập từ Việt Nam chỉ khoảng 2,7 triệu USD. Bên cạnh đó, gạo lứt, cao su của Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để xuất sang Hàn Quốc.

Đánh giá cao lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là nước có sản lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản lớn, chủng loại đa dạng, phong phú do lợi thế về khí hậu, đất đai, nhân công và vị trí giao thương tương đối thuận lợi… Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa phát huy được thế mạnh này trong xuất khẩu nông sản tới các thị trường “khó tính”.

“Nguyên nhân của tình trạng này là do nông sản Việt còn yếu về mặt thương hiệu, giá cả, chất lượng”, ông Hong Sun phân tích. Nông sản Việt hiện nay chưa xây dựng được các thương hiệu mạnh để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, chưa được công nghiệp hoá, đồng bộ về chủng loại và chất lượng.

Về giá cả, do chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất còn thấp, chi phí sản xuất cao… nên tại thị trường Hàn Quốc, nông sản của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh giá được với các nước khác.

Đáng chú ý, hiện nhiều sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam trước khi xuất đi đều phải được chiếu xạ để bảo đảm điều kiện, tuy nhiên, hiện mới chỉ có trung tâm chiếu xạ ở miền Nam, các loại nông sản miền Bắc như chanh leo, vải thiều, nhãn… lại không có trung tâm chiếu xạ, còn nếu vận chuyến xuống phía Nam thì quá mất thời gian và tiền bạc, tăng chi phí, không còn sức cạnh tranh trên thị trường.

Chính vì thế, theo ông Hong Sun, Việt Nam cần tập trung vào 4 giải pháp để có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam ra nước ngoài là: Cần có chính sách tư vấn từ khâu sản xuất cho người nông dân về kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho người nông dân, chuẩn từng khâu, nâng cao chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm. Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng nhập khẩu. Chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề từ ban đầu, dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những điểm yếu trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nông trại trong việc kiểm soát quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Tiếp đó, cần có sự hỗ trợ về chi phí máy bay để các doanh nghiệp xuất khẩu qua đường hàng không, thay vì chỉ xuất khẩu qua đường biển, giảm bớt thời gian và thu lại hiệu quả nhiều hơn cho các doanh nghiệp cũng như người nông dân. Ngoài ra, ông Hong Sun cũng cho rằng cần phải đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ - đây sẽ là con đường tiềm năng lâu dài để nông sản Việt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra quốc tế.

Bà Kim Yae Jin, Phó Trưởng chi nhánh Tổng công ty thương mại thực phẩm và nông thủy sản Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ một số xu hướng tiêu dùng của người dân Hàn Quốc hiện nay: vấn đề đầu tiên người tiêu dùng Hàn Quốc quan tâm khi mua hàng, đó là độ an toàn của sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân bắt đầu chuyển qua mua hàng trực tuyến nhiều hơn và chú ý tới những sản phẩm có ý tưởng tiếp thị độc đáo, thu hút, thân thiện với môi trường. Đây là những xu hướng tiêu dùng quan trọng nhất mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để có chiến lược phù hợp khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, muốn biến tiềm năng thành kết quả thực tế, việc đầu tiên cần làm là xây dựng được cơ chế thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước để chia sẻ các thông tin thị trường, vùng nguyên liệu… từ đó tăng cường hợp tác, giao thương. “Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các Bộ: Công Thương, Nội vụ xem xét thành lập hiệp hội doanh nghiệp Việt - Hàn. Thông qua đó, các vướng mắc sẽ được kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng của cả hai nước để cùng tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại song phương phát triển đúng với tiềm năng” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Nguồn: Báo Công Thương