Tin tức

Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ như thế nào?

05/08/2019    146

Đưa các công ty Mỹ vào danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy, cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và tăng thuế với hàng hóa Mỹ là những biện pháp mà Bắc Kinh có thể triển khai để trả đũa vòng áp thuế mới của Washington nhằm vào 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp thuế 10% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ này 1-9 tới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích đây là biện pháp không mang tính xây dựng để giúp giải quyết các xung đột thương mại và kinh tế song phương.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 2-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Nếu Mỹ thực sự áp thuế mới, Trung Quốc sẽ phải tiến hành các biện pháp đá trả cần thiết để gìn giữ các lợi ích cơ bản và cốt lõi của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ sức ép tối đa và đe dọa nào”. Người phát ngôn nhận mạnh Trung Quốc sẽ “không lùi bước dù chỉ một tấc trong các vấn đề liên quan đến nguyên tắc”.

Tuy nhiên, người phát ngôn không đề cập đến các biện pháp trả đũa cụ thể.

Trong báo cáo công bố hôm 2-8, nhà kinh tế Iris Pang ở Ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định Trung Quốc có một vài biện pháp để trả đũa vòng áp thuế mới của Mỹ.

Bắc Kinh có thể công bố danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy (danh sách đen) nhằm trừng hạt và hạn chế thương mại với các công ty này. Các công ty Mỹ sẽ là những cái tên đầu tiên bị đưa vào danh sách.

Trung Quốc cũng có thể cấm xuất khẩu đất hiếm (tập hợp 17 kim loại  đất hiếm) sang Mỹ và các công ty liên quan đang sử dụng chúng để sản xuất các sản phẩm điện tử và công nghệ cao cho Mỹ. Trung Quốc đang kiểm soát 8% nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Do vậy, động thái này có thể làm đình trệ hoạt động sản xuất trong ngành công nghệ Mỹ. Để ứng phó, Mỹ chắc chắn phải tìm các nguồn cung thay thế nhưng sẽ mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, Trung Quốc có khả năng tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ. Dù Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ với tổng trị giá kém xa hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ, Trung Quốc vẫn có thể nâng thuế cao hơn, tức vượt quá mức thuế 25% đang áp vào nhiều mặt hàng của Mỹ.

Iris Pang cho rằng Trung Quốc sẽ triển khai tất cả các biện pháp trả đũa trên nhưng không phải cùng một lúc, mà sẽ sử dụng lần lượt từng biện pháp dựa trên các tính toán kỹ càng.

Bà lưu ý Trung Quốc có thể muốn kéo rê cuộc chiến thuế với Mỹ vì cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện khó có khả năng mang lại cơ hội tái đắc cử cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. 

“Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại này là tiếp tục kéo rê đàm phán và các biện pháp trả đũa qua về. Điều này có thể làm kéo dài tiến trình trả đũa cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới”, Iris Pang viết.

Timothy Moe, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Á ở Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, Trung Quốc có thể đẩy mạnh các biện pháp kích thích nền kinh tế để bảo đảm nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.

“Môi trường bên ngoài đang rất yếu và rõ ràng, cuộc xung đột thương mại với Mỹ càng làm môi trường này xấu hơn. Vậy nên, để bù đắp cho tác động tiêu của của môi trường kinh tế bên ngoài, Trung Quốc cần phải triển khai các chương trình đầu tư hoặc các hoạt động phù hợp để hỗ trợ nhu cầu trong nước”, ông nói.

Trong năm qua, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm thuế để nâng đỡ nền kinh tế. Timothy Moe cho rằng sắp tới, Bắc Kinh có thể xem xét kích thích tài chính và nới lỏng các biện pháp siết chặt quản lý thị trường bất động sản.

Trong khi đó, các nhà phân tích ở Ngân hàng Citigroup nhận định vòng áp thuế mới của Mỹ có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,7% và GDP của nước này thiệt hại khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Dù vậy, họ cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chiến lược kiên nhẫn chờ đợi các khó khăn qua đi hơn là “đầu hàng” trước các yêu cầu của Mỹ. Họ dự báo Bắc Kinh có thể đưa ra các chính sách tài chính khuyến khích đầu tư hạ tầng và nâng sức mua ở khu vực nông thôn để hỗ trợ tăng trưởng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn