Tin tức

Nối lại đàm phán nhưng Mỹ - Trung không sốt sắng đạt thỏa thuận

30/07/2019    143

Gần ba tháng sau khi đàm phán Mỹ - Trung đổ vỡ, hai nước lại chuẩn bị gặp nhau nhưng không kỳ vọng sẽ đạt được các đột phá giúp giải quyết cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài hơn một năm.

Hôm nay, 30-7, Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, sẽ có mặt tại Thượng Hải để dự vòng đàm phán trực tiếp Mỹ-Trung lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày với phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.

Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp tại Thượng Hải, bầu không khí căng thẳng giữa hai bên vẫn còn và trong những ngày gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều phát đi những tín hiệu cho thấy họ không sốt sắng thỏa hiệp.

Trung Quốc vừa mua hàng triệu tấn đậu nành từ Mỹ và các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục mua các sản phẩm nông nghiệp bao gồm đậu nành, lúa miến, lúa mì, ngô, sữa bò, cotton, thịt heo của Mỹ, theo bản tin của Tân Hoa xã hôm 28-7.

Trong một bài bình luận đăng hôm 29-7, tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng động thái này của Trung Quốc là bước đi thiện chí và cụ thể để thực hiện sự đồng thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ tại Nhật Bản đồng thời kêu gọi Mỹ hồi đáp.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng chỉ trích Mỹ ngấm ngầm kích động các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông. Hôm 26-7, Trung Quốc cho biết cuộc điều tra về vụ hãng chuyển phát nhanh FedEx (Mỹ) chuyển nhầm một số kiện hàng của hãng thiết bị viễn thông Huawei sang Mỹ đã phát hiện thêm một số vi phạm pháp lý của hãng này.

Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với lãnh đạo các công ty công nghệ Mỹ để thảo luận về việc nới lỏng lệnh cấm bán hàng hóa Mỹ cho Huawei. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn hạ thấp khả năng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận thương mại nhanh chóng.

“Vẫn còn một khoảng cách rộng giữa hai bên về một số vấn đề gai góc. Cho đến nay, vẫn chưa thấy con đường rõ ràng hướng đến một thỏa thuận toàn diện”, Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở chi nhánh Ngân hàng Morgan Stanley tại Hồng Kông, nhận định.

Trung Quốc kiên quyết giữ ba yêu cầu quan trọng: (1) ngay lập tức dỡ bỏ mọi biện pháp áp thuế mà Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc trong hơn một năm qua; (2) một thỏa thuận thương mại cân bằng, có qua có lại; (3) các mục tiêu hiện thực cho việc Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ.

Taoran Notes, tài khoản trên mạng xã hội WeChat của tờ Kinh tế Nhật báo (Trung Quốc), đăng bài viết cảnh báo sẽ không có tiến triển nào cho thỏa thuận thương mại tại cuộc đàm phán ở Thượng Hải nếu Mỹ vẫn khăng khăng giữ lập trường hiện nay.

Bài viết cho rằng nếu muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, trước hết Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp áp thuế hàng hóa Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh rằng sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau là cách duy nhất để hai bên đạt được thỏa thuận. Bài viết khẳng định Trung Quốc sẽ không e sợ lời đe dọa áp thuế của ông Trump với thêm 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Về phần mình, Mỹ đưa ra các yêu cầu bao gồm cải cách cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc, bảo vệ nghiêm ngặt hơn tài sản sở hữu trí tuệ của nước ngoài và một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn.

Trao đổi với hãng tin Bloomberg hôm 23-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, nhấn mạnh mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là đạt được “một thỏa thuận đúng đắn” với Trung Quốc, nếu không ông sẽ tiến hành kế hoạch áp thuế với thêm 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 26-7, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, Larry Kudlow, cho biết tại Thượng Hải, Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, “sẽ đưa ra lập trường rằng chúng tôi muốn trở lại điểm đàm phán ở lần gặp cuối giữa các quan chức Mỹ-Trung hồi tháng 5 khi mà chúng tôi chưa đạt được thỏa thuận nhưng dường như đã đi được 90% chặng đường”.

Huawei vẫn là một trọng tâm trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung. Tuần trước Trung Quốc hối thúc chính phủ Mỹ chặn một dự luật ở quốc hội Mỹ ngăn cấm Huawei mua bán bản quyền sáng chế của Mỹ. Một số quan chức Nhà Trắng đang lo ngại sự xuất hiện của Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn trong phái đoàn đàm phán Trung Quốc có thể là điềm báo xấu cho các cuộc thảo luận giữa hai bên.

Ông Chung Sơn nổi tiếng là nhà đàm phán cứng rắn. Dù không nêu đích danh ông Chung Sơn nhưng trong những tuần gần đây, ông Kudlow nhiều lần cảnh báo rằng việc bổ sung những nhân vật cứng rắn vào phái đoàn đàm phán Trung Quốc có thể gây phức tạp thêm cho các nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại, dẫn đến việc ông Trump tiến hành kế hoạch đánh thuế thêm với hàng hóa Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ không đưa ra các nhượng bộ lớn, vì vậy vấn đề đối với Mỹ là nước này muốn chấp nhận một thỏa hiệp thiết thực hay là nối lại leo thang căng thẳng”, David Dollar, cựu phái viên tài chính và kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh, nay là học giả cấp cao ở Viện Brookings tại Washington, nói.

Hôm 26-7, trao đổi với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nói rằng Trung Quốc có thể đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 rồi mới ký thỏa thuận thương mại với Mỹ vì Bắc Kinh đang hy vọng phe Dân chủ sẽ thắng lợi trong cuộc bầu cử này.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn