Tin tức

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: WTO đã có thể là phương thức tốt hơn?

01/04/2019    2979

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do Mỹ bắt đầu từ giữa năm 2018 thông qua việc áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ là phương thức chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng để đáp trả các hành vi thương mại “không lành mạnh” của Trung Quốc. Bên cạnh các tác động khác về kinh tế - xã hội, động thái này của chính quyền Mỹ làm dấy lên quan ngại về vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Mỹ cáo buộc những gì?

Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc phân biệt đối xử một cách có hệ thống nhằm vào các sản phẩm và nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc và không trao cho các công ty Mỹ quyền tiếp cận thị trường tương xứng. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cam kết về việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khi gia nhập WTO, tuy nhiên, những cam kết này đều chỉ được thực hiện một cách hời hợt.

Đồng thời, Mỹ cáo buộc rằng, chính quyền Trung Quốc, bằng những thoả thuận ngầm, đang buộc công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc trong liên doanh để đổi lấy cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầy tiềm năng phát triển. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc tìm mọi cách chiếm lấy công nghệ tiên tiến, phát triển của Mỹ thông qua các phương thức như nhập khẩu công nghệ hay thậm chí ăn cắp công nghệ. Một phương thức nữa được các công ty lớn của Trung Quốc sử dụng để có công nghệ cao của Mỹ là thông qua mua bán, sáp nhập với các công ty Mỹ.

Một cáo buộc khác của Mỹ, cũng liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), là tình trạng xâm phạm bản quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với bản quyền do các công ty Mỹ sở hữu, gây nên thiệt hại hàng trăm tỷ USD lợi nhuận mỗi năm cho các công ty này do việc ăn cắp bí mật thương mại từ phía Trung Quốc. Điều này xuất phát từ “khả năng” bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất yếu ớt của hệ thống pháp luật Trung Quốc.

Vì sao Mỹ không sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Chính quyền của Tổng thống Trump nhận định rằng WTO đã thất bại trong việc giải quyết các hành vi thương mại không lành mạnh của Trung Quốc trong khi vấn đề này đang trở nên ngày một trầm trọng hơn. Và rằng WTO hoàn toàn tê liệt trong việc giải quyết các tranh chấp, hạn chế trợ cấp và hướng Trung Quốc tới nền kinh tế thị trường theo như tầm nhìn khi quốc gia này gia nhập WTO vào năm 2001. Thậm chí, đã có lúc Mỹ nhìn nhận việc chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập WTO khi đó là một sai lầm. 

Các học giả quốc tế, khi nghiên cứu vấn đề này, cũng bày tỏ quan ngại rằng WTO đang gặp khó khăn để thay đổi phù hợp với một Trung Quốc đang phát triển. Các học giả cũng nhận định rằng cơ chế giải quyết tranh chấp WTO đã và sẽ giải quyết một cách có hiệu quả nhiều tranh chấp thương mại quốc tế, tuy nhiên, hệ thống nào cũng có những hạn chế nhất định. Và do vậy, nếu Trung Quốc vẫn phát triển theo con đường hiện nay, thể chế WTO sẽ dần dần bị suy yếu.

Một lập luận khác của Mỹ khi đơn phương áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc là Trung Quốc luôn gian lận và do vậy, các quy tắc hay phán quyết của WTO đều không có tác dụng gì. Trong khi đó, Mỹ muốn gây sức ép mạnh mẽ, chủ động và tức thời lên Trung Quốc, và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Các lo ngại của Mỹ là có căn cứ, nhưng hành động hiện giờ của Mỹ chưa chắc đã là cách tốt nhất

Những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa 2 siêu cường Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gay gắt trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ có dấu hiệu suy giảm trong khi Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và bộc lộ tham vọng thay thế vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Tham vọng này của Trung Quốc là hoàn toàn tự nhiên và chính đáng, khi mà Trung Quốc, cũng như tất cả các quốc gia khác đều có quyền cạnh tranh để tăng giá trị của họ trong nền kinh tế toàn cầu rộng lớn. Các chính sách của một quốc gia không nên được đưa ra nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển của một quốc gia khác, vì suy cho cùng, sẽ chẳng bên nào có lợi.

Đơn cử, hành động áp thuế đơn phương của chính quyền Donald Trump có thể coi là hành động mạnh mẽ nhất cho tới nay để thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch “nước Mỹ trên hết” và “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà vị Tổng thống này đã theo đuổi từ ngày nhậm chức.

Ông Trump cũng kỳ vọng sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc phải có những chính sách để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, theo các phân tích được đưa ra gần đây, thâm hụt thương mại năm 2018 của Mỹ không những không sụt giảm mà còn gia tăng (tháng 6/2018 con số này là 33,4 tỉ USD, tháng 12/2018 thâm hụt thương mại Mỹ-Trung là 36,8 tỉ USD và cả năm 2018, mức thâm hụt đạt con số kỷ lục là 419,2 tỉ USD). Một trong các nguyên nhân được đưa ra là các nhà nhập khẩu Mỹ do quan ngại về tình hình chiến tranh thương mại không biết khi nào sẽ chấm dứt hoặc có trở nên trầm trọng hơn không nên đã tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc.

Một trong những nguyên nhân khác là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại khiến kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và do đó, khiến người Trung Quốc cũng giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu (bao gồm cả hàng Mỹ) và các dịch vụ có yếu tố nước ngoài (như du lịch, du học). Trung Quốc là một thị trường lớn, và do vậy, tác động do nhu cầu giảm là không nhỏ.

Các tác động khác đến nền kinh tế Mỹ có thể tóm lược bao gồm ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ và người tiêu dùng quốc tế muốn sử dụng hàng Mỹ. Người chịu ảnh hưởng tiêu cực, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp vẫn sẽ là người Mỹ. Và thời gian chịu tác động là bao lâu dường như thật khó đoán trước

Nhiều phân tích chỉ ra rằng thực chất mức thuế suất không có cơ sở pháp lý rõ ràng này của Mỹ chỉ nhằm gây sức ép buộc chính quyền Trung Quốc phải cải thiện những vi phạm liên quan về SHTT mà Mỹ cáo buộc, để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc và bảo toàn vị thế của Mỹ.

WTO hoặc biện pháp đa phương khác có thể là một phương thức tốt hơn

Trong phạm vi bài viết này, tác giả không xét tới các vấn đề liên quan tới việc giảm sút về hiệu quả hoạt động của cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO do thiếu hụt nhân sự.
Như đã đề cập ở trên, việc tấn công thương mại nhằm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc sẽ có thể mang tới nhiều thiệt hại khó lường trước do các tác động trực tiếp và gián tiếp lên chuỗi cung cầu thế giới. Thay vào đó, việc sử dụng các phương thức khác, mang tính định hướng và khuyến khích Trung Quốc phát triển theo hướng tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế và mở cửa thị trường sẽ mang đến tác động tích cực hơn. Cụ thể như sau:

Việc chuyển giao quyền SHTT như trong các cáo buộc của Mỹ có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty sản xuất hay nắm giữ quyền SHTT, nhưng dưới góc nhìn của người tiêu dùng, đây có thể lại là một điều có lợi, vì khi công nghệ được phổ biến hơn, mức độ cạnh tranh cũng tăng, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tốt hơn để tiếp cận sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành phải chăng. Các thành viên của WTO đã nỗ lực để cân bằng giữa phổ biến kiến thức nhằm thúc đẩy phát triển và bảo hộ quyền SHTT bằng Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS).

Tất nhiên, các hành vi như ăn cắp bí mật kinh doanh từ đối thủ cạnh tranh hay các chính phủ đưa ra các chính sách bảo hộ thường thấy như áp thuế và trợ cấp trái với quy tắc quốc tế đã được đồng thuận cần phải được chấn chỉnh nhưng bên cạnh đó, các công ty bất kể là trong nước hay nước ngoài nên có quyền mua các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh để nghiên cứu, thuê người cũ của các đối thủ và thậm chí là mua lại đối thủ một cách hợp pháp. Nếu các công ty Mỹ đang cạnh tranh theo phương thức này trong phạm vi nước Mỹ và trên khắp thế giới, các công ty Trung Quốc cũng nên được làm tương tự. Như đã nói ở trên, nhu cầu phát triển và chạy đua công nghệ của Trung Quốc là nhu cầu chính đáng và không nên bị cấm đoán hay đối xử không công bằng.

Thêm vào đó, khi Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc đua phát triển công nghệ, các quốc gia khác đều đã đi được một đoạn đường đáng kể. Vì vậy, không có lý do gì để Trung Quốc phải đi lại từng bước ban đầu, mà không phải là thừa hưởng, học tập, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến mà các quốc gia khác đã có, để tiếp tục phát triển.

Các quy tắc về thương mại quốc tế cần thúc đấy sự phát triển thông qua cạnh tranh lành mạnh và hạn chế các hành vi gây hại. Cụ thể là các quy tắc nên mở đường cho các công ty Trung Quốc nghiên cứu và xem những tiến bộ từ các quốc gia khác làm động lực và cảm hứng, đồng thời buộc cả chính quyền và các công ty Trung Quốc phải “chơi theo luật”.

Trên thực tế, các quy tắc hiện thời của WTO có thể đáp ứng được yêu cầu trên, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hiện nay số lượng các khiếu nại chống lại Trung Quốc vẫn ở mức hạn chế. Phần lớn các hành vi thương mại có vẻ gây quan ngại chưa từng được đưa ra WTO, ví dụ như các hành vi được coi là vi phạm trong lĩnh vực SHTT.

Một lý do khác để đặt niềm tin vào WTO là ở mức độ tuân thủ của Trung Quốc đối với các phán quyết WTO chống lại họ từ trước tới nay. Trung Quốc gia nhập WTO từ năm 2001. Tính từ năm 2004 tới năm 2018, có tổng cộng 41 vụ việc được đưa ra WTO với tổng cộng 27 cáo buộc vi phạm các quy định WTO như: hạn chế xuất khẩu, trợ cấp, bảo vệ quyền SHTT, phân biệt đối xử về thuế, phí, quyền hoạt động thương mại, dịch vụ và các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong số 41 vụ việc đó, 21 vụ việc đã được xử lý xong thông qua một số giải pháp như: (i) Trung Quốc tự nguyện thực thi; (ii) thông qua một thỏa thuận song phương và (iii) thực thi theo phán quyết của Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm của WTO. Trong một vài trường hợp, tuy đã có phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp, nhưng Trung Quốc trì hoãn thực thi và do đó dẫn tới những khiếu nại về việc tuân thủ phán quyết; Trung Quốc chỉ tuân thủ sau khi có phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gặp phải các khiếu nại này.

Bức tranh toàn cảnh về phản ứng của Trung Quốc đối với những vụ việc tranh chấp tại WTO như tóm tắt ở trên rất giống với các quốc gia khác trong hoàn cảnh bị khởi kiện: Trung Quốc đã nỗ lực để tuân thủ, tuy vẫn tồn tại nhiều tranh cãi. Việc Trung Quốc có thực sự tuân thủ các phán quyết của WTO vẫn còn là nghi vấn; nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là “trên giấy tờ”.

Tuy vậy, chưa từng có trường hợp nào Trung Quốc hoàn toàn “phớt lờ” các phán quyết chống lại mình, như một vài quốc gia khác. Đơn cử, Mỹ vẫn chưa tuân thủ phán quyết của WTO trong vụ kiện trợ cấp ngành bông do Bra-xin khởi xướng, và Liên minh Châu Âu cũng vẫn không chấp thuận việc bán thịt bò biến đổi gien trong phạm vi Liên minh Châu Âu ngay cả khi đã thua trong vụ kiện với Mỹ và Canada. Các phân tích trên đây cho thấy, việc khởi kiện Trung Quốc tại WTO là có kết quả. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng được như mong đợi nhưng vấn đề tương tự cũng xảy ra với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tỏ ra e ngại về mức độ phù hợp của WTO trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại với Trung Quốc do sự thiếu minh bạch trong quản lý của chính quyền quốc gia này. Sự mập mờ, rối rắm trong hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước là nguyên nhân khiến cho các quốc gia khác gặp phải rất nhiều khó khăn để nhận biết được khi nào chính quyền Trung Quốc đưa ra những biện pháp bị cấm trong khuôn khổ quy định của WTO. Cũng dường như vì lý do này, chính quyền của Tổng thống Trump nhận định rằng việc quyết định đơn phương áp thuế trừng phạt đối với Trung Quốc đơn giản hơn rất nhiều so với việc khởi xướng một vụ kiện tại WTO.

Vấn đề này, thực chất, hoàn toàn có thể được giải quyết khá đơn giản bằng cách vận dụng các quy định của WTO.

Thứ nhất, phạm vi các biện pháp có thể bị khiếu nại theo các quy định của WTO là rất rộng, không chỉ giới hạn ở luật và các quy định mà còn bao gồm cả các “hành vi và thiếu sót của các cơ quan nhà nước, bao gồm cả các cơ quan ở địa phương”. Theo đó, phạm vi khiếu nại bao gồm cả hành vi của chính quyền trung ương và địa phương, các hành vi của chính phủ đan xen với công ty nhà nước và công ty tư nhân.

Thứ hai, quy định của WTO bao gồm nhiều yêu cầu về việc báo cáo, và theo đó, chính quyền Trung Quốc phải công khai chính sách của mình. Nếu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu này, chính quyền Mỹ sẽ có căn cứ để khởi kiện khi thấy có chính sách vi phạm cam kết. Ngược lại, nếu không thực hiện, Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm quy định.
Kết luận

Hiện nay, các vấn đề gây tranh cãi đều xoay quanh Trung Quốc nhưng vấn đề sẽ không dừng lại ở đó. Việt Nam, Ấn Độ, và nhiều quốc gia khác nữa đều đang trên đà phát triển và không ai có thể khẳng định những vấn đề nêu trên sẽ không lặp lại. Do đó, việc hướng Trung Quốc phát triển trong khuôn khổ các quy tắc quốc tế đã được đặt ra sẽ tạo tiền đề cho các quốc gia khác sau này và mang lại lợi ích dài lâu cho kinh tế quốc tế. Các quy tắc sẵn có nên được tận dụng tối đa để giải quyết các vấn đề, và nếu như có những vấn đề phát sinh khác, các quốc gia nên ngồi lại với nhau, đàm phán, thoả hiệp để bổ sung các quy tắc mới. Việc giải quyết tranh chấp và định hướng phát triển như vậy sẽ giúp cho mục tiêu tự do hoá thương mại và bảo đảm phát triển kinh tế quốc tế ổn định và bền vững hơn.

Tất nhiên, Mỹ có thể tiếp tục sử dụng vị thế lớn mạnh của mình, ngang nhiên áp thuế và gây sức ép thương mại lên các quốc gia khác để đòi hỏi những gì chính quyền Mỹ coi là tốt nhất vì nước Mỹ, nhưng việc đó cũng sẽ mang đến những hậu quả khó lường trước. Suy cho cùng, chẳng quốc gia nào mặn mà với quốc gia khác, mạnh mẽ, nhưng không thích chơi theo luật. Và các quốc gia cũng có thể sẽ nhận ra rằng, nếu không có Mỹ, nhiều chuyện vẫn có thể xảy ra, như việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP/CPTPP) chẳng hạn!

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại