Dự luật cải cách tài chính mới được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ cho phép chính phủ có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ túi tiền của người tiêu dùng, những người không phải lúc nào cũng hiểu họ đang tham gia vào hoạt động tài chính nào. 

 

Cho tới nay, việc bảo vệ người tiêu dùng được chia cho các cơ quan riêng lẻ. Điều đó khiến cho các biện pháp hỗ trợ khó đạt được hiệu quả vì quyền hạn nhỏ. Dự luật lần này sẽ cho phép thành lập Cục bảo hộ tài chính người tiêu dùng với quyền lực tập trung và trách nhiệm duy nhất là chăm lo cho người tiêu dùng trong các hoạt động tài chính.

 

Dưới đây là một số vấn đề lớn nhất về người tiêu dùng đã được thông qua tại buổi điều trần 19 tiếng liên tục.

 

Cục bảo hộ người tiêu dùng

 

Cục bảo vệ người tiêu dùng sẽ được đặt dưới quyền quản lý của Fed và được điều hành bởi một giám đốc do tổng thống chỉ định và Thượng viện thông qua.

 

Cục có nhiệm vụ soạn thảo và thực thi các quy định đối với hầu hết các ngân hàng, tổ chức cho vay thế chấp và hội tín dụng. Những tổ chức tài chính dưới 10 tỷ USD tài sản sẽ phải tuân thủ các quy định do cục đưa ra. 

 

Tuy nhiên, các tổ chức nhỏ hơn vẫn chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý hiện tại. Các đại lý ôtô mặc dù không bị cục người tiêu dùng “sờ gáy” nhưng bị Hội đồng thương mại liên bang giám sát chặt chẽ hơn. 

 

Một điều khoản khác bị những người ủng hộ người tiêu dùng phản đối là yêu cầu cục mới tổ chức một nhóm đại diện của các doanh nghiệp nhỏ nhằm đảm bảo rằng các quy định do cục đưa ra không có những hệ quả ngoài mong đợi. 

 

Điểm tín dụng

 

Mỗi năm, người tiêu dùng có thể nhận được một bản copy miễn phí báo cáo tín dụng của mình tại website AnnualCreditReport.com từ một trong 3 cục tín dụng là Equifax, Experian và TransUnion. Báo cáo tín dụng chứa thông tin do các ngân hàng và tổ chức tin dụng cung cấp về dư nợ và khả năng thanh toán đúng hạn của khách hàng. 

 

Tuy nhiên, khách hàng không nhận được báo cáo miễn phí về điểm tín dụng của họ, tức là các chỉ số tín dụng rút ra từ báo cáo tín dụng. Điểm tín dụng là công cụ quan trọng đối với các tổ chức tín dụng khi đánh giá độ tin cậy của khách hàng. Và nhiều khi khách hàng không hiểu vì sao họ lại bị từ chối các khoản vay hoặc bị đánh lãi suất cao. Vì lý do đó nên dự luật mới yêu cầu các ngân hàng và công ty tài chính phải cung cấp miễn phí điểm tín dụng cho các khách hàng (thường là điểm FICO) giúp người tiêu dùng biết được tình trạng tín dụng của mình.

 

Thế chấp

 

Dự luật mới đã đưa ra nhiều phương án bảo hộ liên quan đến vay thế chấp, nhiều trong số đó bị giới phân tích mỉa mai là “mất bò mới lo làm chuồng”. Ví dụ điển hình là việc yêu cầu bên cho vay phải kiểm tra chi tiết thu nhập và tài sản của người đi vay!

 

Các quy định khác bao gồm việc cấm tiền phạt thanh toán trước hạn đối với những người chịu lãi suất linh hoạt và các loại hình thế chấp phức tạp khác. Người môi giới thế chấp và nhân viên ngân hàng từ giờ sẽ không được nhận hoa hồng dựa trên loại hình vay áp dụng cho khách hàng. Điều này sẽ giúp loại bỏ động lực khiến các nhân viên áp lên người tiêu dùng các hình thức cho vay lãi suất cao để thu lợi cá nhân. 

 

Dự luật còn cho phép các khoản vay bắc cầu đối với những người mua nhà bị thất nghiệp nhằm giúp họ chi trả thế chấp.

 

Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ

 

Người tiêu dùng sẽ không còn bị các cửa hàng từ chối thẻ tín dụng nếu không tiêu vượt quá một số tiền nhất định. Dự luật mới sẽ giảm con số đó đến mức tối thiểu có thể, khoảng dưới 10 USD. Và chỉ có chính phủ cùng các trường đại học mới được phép quyết định. 

 

Các cửa hàng có thể chiết khấu đối với những người trả tiền mặt thay vì dùng thẻ, hoặc dùng thẻ ghi nợ thay vì thẻ tín dụng. Tuy nhiên, hiện tượng phân biệt đối xử về giá bán hàng đối với từng loại thẻ sẽ không còn, nên người sử dụng thẻ American Express có thể yên tâm rằng mình mua hàng rẻ như dùng Visa hay Master. Chiết khấu mua hàng cũng sẽ không còn sự phân biệt đối với thẻ do các ngân hàng khác nhau phát hành.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam