Ngày 31/3, lãnh đạo một số nước thuộc Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) đã kêu gọi G-20 tiếp tục phối hợp hành động để củng cố hệ thống tài chính quốc tế và đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại con đường phát triển.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bức thư gửi các nhà lãnh đạo G-20, do Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Thủ tướng Canada Stephen Harper, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ký.

Bức thư được công bố trước thời điểm diễn ra các hội nghị cấp cao của G-20 tại Toronto (Canada) vào tháng 7 và tại Seoul vào tháng 11 tới.

Trong bức thư, các nhà lãnh đạo nói trên cho biết họ ghi nhận tiến bộ đạt được trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song cảnh báo về sự phục hồi mong manh kéo dài của nền kinh tế thế giới.

Các nhà lãnh đạo cho rằng sự phục hồi thời gian qua của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn và những căng thẳng hiện nay chứng tỏ vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế và tài chính toàn cầu.

Họ cho rằng mục tiêu của G-20 là phải tăng cường hệ thống tài chính và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng bền vững và phồn vinh cho tất cả.

Tình trạng mất cân bằng về thương mại, tài chính và cơ cấu hiện nay không thể tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh và bền vững. Các nước này cho rằng nếu không có những hành động phối hợp, điều chỉnh kịp thời để đạt được kết quả đó, thì nguy cơ tái diễn các cuộc khủng hoảng trong tương lai và tốc độ tăng trưởng thấp sẽ vẫn còn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cũng gửi thư tới bộ trưởng tài chính các nước G-20, trong đó cho rằng G-20 nên nhất trí về một loại thuế chung toàn cầu đánh vào các ngân hàng và số tiền thuế thu được này nên chuyển thẳng vào ngân sách các quốc gia, chứ không nên biến thành các quỹ cứu trợ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trong thư, ông Darling cũng cho rằng các biện pháp bảo vệ hệ thống tài chính chống lại các cuộc khủng hoảng tương lai cần có sự phối hợp trên toàn cầu để tránh tạo ra những quy định trái ngược nhau giữa các nước.

G-20 bao gồm 8 nước công nghiệp hàng đầu (Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Nga) cùng các nước mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ...

Nguồn: Vietnam Plus