Dự báo tăng trưởng châu Á trong năm nay được IMF nâng lên 4,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với 6 tháng trước đó, nhưng rủi ro vẫn nằm ở ngành bất động sản Trung Quốc và các yếu tố bên ngoài.

Ngày 30/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất đã nâng dự báo tăng trưởng châu Á vào năm 2024 sau khi ghi nhận sự lạc quan về động lực tăng trưởng từ Ấn Độ và triển vọng có thêm kích thích từ khu vực công của Trung Quốc. Với con số 4,5%, mức tăng trưởng của châu Á đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với nửa năm trước đây. Trong khi đó, tầm nhìn tăng trưởng của châu Á cho năm 2025 của tổ chức này vẫn không thay đổi, ở mức 4,3%.

Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết: “Triển vọng của Châu Á và Thái Bình Dương vào năm 2024 đã sáng sủa hơn. Hiện tại, chúng tôi kỳ vọng rằng nền kinh tế của khu vực sẽ chậm lại ít hơn so với dự đoán trước đây khi áp lực lạm phát tiếp tục giảm bớt”.

Chờ Trung Quốc can thiệp thêm vào bất động sản

IMF cho biết, việc điều chỉnh theo hướng tăng phản ánh những tín hiệu lạc quan hơn từ Trung Quốc, nơi cơ quan này kỳ vọng các biện pháp kích thích chính sách bổ sung sẽ mang lại sự hỗ trợ, giúp giảm bớt tình hình căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản ở nền kinh tế số 2 thế giới.

Theo đó, đây cũng là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế châu Á trong năm 2024. Nếu bất ổn lĩnh vực bất động sản không được giải quyết, điều đó sẽ làm suy yếu nhu cầu và tăng nguy cơ giảm phát kéo dài, từ đó lan rộng tới các nền kinh tế khác thông qua “sự lan tỏa thương mại trực tiếp”.

Srinivasan viết trên blog: “Điều này có nghĩa là phản ứng chính sách của Trung Quốc có vấn đề - đối với cả chính họ và toàn bộ khu vực”.

IMF cho biết Trung Quốc cần một gói chính sách nhằm đẩy nhanh việc rời bỏ thị trường của các nhà phát triển bất động sản không khả thi, thúc đẩy hoàn thành các dự án nhà ở và quản lý rủi ro nợ của chính quyền địa phương. Cơ quan này lưu ý rằng kích thích tài chính của Trung Quốc vào tháng 10/2023 và tháng 3/2024 đã giúp giảm bớt tác động của hoạt động sản xuất suy giảm và dịch vụ trì trệ.

Đầu năm nay, IMF cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% vào năm 2024. Dự báo này được đưa ra trước dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, phù hợp với mục tiêu chính thức là khoảng 5%.

Ấn Độ đóng vai trò ngày càng lớn

IMF đã gọi Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nơi đầu tư công vẫn là động lực quan trọng. Xét về tổng sản phẩm quốc nội thực tế, Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay - tốc độ nhanh nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào.

Quốc gia Nam Á hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP 3,7 nghìn tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027. Quá trình này càng ấn tượng hơn khi vào năm 2014, Ấn Độ mới là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.

Động lực kinh tế chính của quốc gia Nam Á chính là số dân đông nhất thế giới - nơi họ vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái. Với tầng lớp trung lưu cũng đang tăng nhanh, thị trường tiêu dùng nơi đây cũng ngày một gia tăng về quy mô và giá trị. Nước này hiện là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới, sau khi vượt qua Nhật Bản về doanh số ô tô nội địa vào năm 2022. 

Nhóm ASEAN-5 ( gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5%. Trong khi đó, Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội gần 6%.

Tựu chung lại, châu Á sẽ đóng góp khoảng 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Các chuyên gia của IMF nhấn mạnh rằng tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở các thị trường mới nổi khác ở châu Á. Lạm phát khu vực đã giảm bớt bất chấp nhu cầu tăng trưởng cao nhờ việc thắt chặt tiền tệ, giảm giá hàng hóa và giảm bớt sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Khác động lực, chung rủi ro

Theo IMF, một điểm khác biệt đáng kể giữa các nền kinh tế châu Á chính là hình thức của động lực tăng trưởng. Trong khi đầu tư công được cho là lực đẩy cho nhiều hoạt động ở Trung Quốc và Ấn Độ, thì tiêu dùng tư nhân lại là một thế mạnh ở các thị trường mới nổi khác ở châu Á.

Đối với một số nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản hay Hàn Quốc, xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao sẽ dẫn đầu - một điều dễ hiểu khi nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn đang bùng nổ.

Thế nhưng, rủi ro vĩ mô là mẫu số chung cần bàn tới. Theo IMF, chính sách tiền tệ khó đoán của FED vẫn là rào cản bên ngoài đối với hoạt động kinh tế trong khu vực.

Tới nay, một số tiền tệ châu Á, đặc biệt là đồng Yên, đã suy yếu mạnh so với USD trước triển vọng FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm. Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị - chẳng hạn như các cuộc tấn công vào tàu bè ở Biển Đỏ, hay các hạn chế thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ - đều gây rủi ro cho sự tăng trưởng của khu vực.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp