Đối với Trung Quốc vấn đề an ninh lương thực được coi là một trong những thách thức và nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ.

Theo tờ The Diplomat, những thay đổi trong chính sách sản xuất lương thực và thương mại nông nghiệp trong nước của Trung Quốc - nhà sản xuất và nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới - có thể tác động đáng kể đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Ngày nay các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng chú trọng đến an ninh lương thực, coi đây là ưu tiên quốc gia hàng đầu.

Thúc đẩy sản lượng nông nghiệp trong nước

Để nâng cao sản lượng nông nghiệp trong nước như một phần của nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực lớn hơn, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách.

Thứ nhất, Trung Quốc đã khởi xướng nhiều nỗ lực khác nhau nhằm nâng cao sản lượng lương thực trong nước và khả năng tự cung tự cấp. Mặc dù nguyên tắc tự cung tự cấp trong sản xuất nông nghiệp vẫn là trụ cột của chiến lược an ninh lương thực tổng thể của Trung Quốc, nhưng trọng tâm đã được chuyển từ đạt được khả năng tự cung tự cấp về ngũ cốc sang đảm bảo khả năng tự cung cấp cơ bản về ngũ cốc (lúa mì, gạo và ngô) và đảm bảo an ninh tuyệt đối về cây lương thực (lúa và lúa mì). Để hỗ trợ những biện pháp này, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách then chốt và dành nguồn tài chính đáng kể để hỗ trợ.

Thứ hai, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp giúp giải quyết những lo ngại về sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc phát triển các loại cây trồng có khả năng chịu hạn, kháng côn trùng và chịu mặn, “thực phẩm trong tương lai”, các hệ thống nông nghiệp tự động và trí tuệ nhân tạo, Bắc Kinh còn rất quan tâm đến công nghệ hạt giống.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng chú ý đến tầm quan trọng của hạt giống, yếu tố then chốt đảm bảo an ninh lương thực và năng suất nông nghiệp.

Với chủ trương kết nối công nghệ sinh học với các biện pháp nhằm nâng cao sản lượng nông nghiệp, chính quyền trung ương gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô trồng thí điểm ngô và đậu nành biến đổi gen (GM) giúp nâng cao sản lượng hai loại cây trồng này trong nước.

Thứ ba, Bắc Kinh đang giải quyết những lo ngại về chất lượng đất và nước. Trong nước, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề trong bối cảnh nguồn tài nguyên đất, nước có hạn và thiếu lao động. Mặc dù nước này là nơi sinh sống của gần 1/5 dân số thế giới, nhưng chỉ chiếm 7% diện tích đất canh tác toàn cầu. Diện tích đất canh tác trên thực tế cũng nhỏ hơn nhiều khi xét đến tình trạng ô nhiễm đất và nước ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc do tình trạng sử dụng nhiều phân bón.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chật vật tìm cách giải quyết những lo ngại về nguồn nước. Mặc dù là 1 trong 5 quốc gia có nguồn tài nguyên nước ngọt dồi dào nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng và số lượng nước do sự phân bố không đồng đều.

Là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hỗ trợ các biện pháp tăng năng suất nông nghiệp và khả năng tự lực, Bắc Kinh đã phát động các chiến dịch toàn quốc giảm lãng phí thực phẩm, đảm bảo nguồn ngũ cốc trong nước và giảm nhu cầu lương thực. Mặc dù Trung Quốc liên tục có những vụ mùa bội thu, nhưng các nhà lãnh đạo nước này vẫn thường xuyên chỉ ra sự cần thiết của việc ngăn chặn lãng phí thực phẩm, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, cũng như mang lại lợi ích cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Nhiều thách thức đón đợi

Một trong những thách thức lớn nhất đối với tham vọng sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của Trung Quốc là biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, những cú sốc khí hậu (lũ lụt và hạn hán) ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước, gây thiệt hại về cây trồng cũng như làm gia tăng sâu bệnh hại cây trồng.

Trong 70 năm qua, nhiệt độ trung bình của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Nhiệt độ được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao, khiến nước này càng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hạn hán và mưa bão.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo sẽ xảy ra với tần suất ngày càng tăng ở Trung Quốc, thách thức các kế hoạch an ninh lương thực của nước này và làm tăng áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách. Mặc dù vậy Bắc Kinh đang khuyến khích áp dụng các biện pháp tăng sản lượng nông nghiệp địa phương và hướng tới mục tiêu phát triển các tập đoàn nông nghiệp khổng lồ của riêng mình, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất định.

Ngoài những lo ngại trên, tình trạng thiếu lao động ở nông thôn do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số già và tỷ lệ sinh giảm cũng đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ là lực lượng lao động ở nông thôn trong tương lai?”.

Hơn nữa, thu nhập khả dụng tăng dẫn đến sự thay đổi về sở thích và khẩu vị ăn uống, được thể hiện qua cơ cấu tiêu dùng thực phẩm ở Trung Quốc đang thay đổi với việc người tiêu dùng có nhu cầu lớn hơn về protein động vật, các sản phẩm sữa, đường, dầu ăn và thực phẩm chế biến sẵn đắt đỏ hơn.

Trung Quốc và dòng chảy thương mại lương thực toàn cầu

Sản lượng địa phương gia tăng tác động đến dòng chảy thương mại khu vực và toàn cầu. Có thể thấy rõ điều này ở các loại ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi như đậu nành và ngô. Vì đây là những mặt hàng chiếm phần lớn lượng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc, nên việc giảm nhập khẩu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi và nhu cầu tổng thể, cùng với sự gia tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp địa phương, có thể giúp nước này giảm thiểu khả năng bị ảnh hưởng trước những biến động trên thị trường thực phẩm toàn cầu, chưa kể còn tránh được các lệnh phong tỏa mà các cường quốc có thể áp dụng đối với các tuyến thương mại then chốt.

Điều này đặc biệt đúng với đậu nành, với 88% lượng tiêu thụ được nhập khẩu từ Brazil, Mỹ và Argentina. Là thành phần quan trọng trong thức ăn chăn nuôi, thực phẩm cho con người và các sản phẩm công nghiệp trên toàn cầu, đậu nành có tầm quan trọng to lớn ở Trung Quốc. Tuy đứng thứ 4 về sản lượng đậu nành toàn cầu với 20 triệu tấn, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% thương mại đậu nành toàn cầu.

Đồng thời, Bắc Kinh đặt mục tiêu giảm sử dụng đậu nành và ngô trong thức ăn chăn nuôi nhằm giảm nhu cầu về cả lương thực lẫn ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi. Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc đã công bố kế hoạch 3 năm nhằm giảm tỷ lệ đậu nành trong thức ăn chăn nuôi xuống dưới 13% cho tới năm 2025 trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu mặt hàng này. Các ước tính cho thấy, cho đến năm 2030, tỷ lệ này có thể giảm xuống 12%, khiến lượng đậu nành nhập khẩu giảm từ khoảng 91 triệu tấn (năm 2022) xuống còn 84 triệu tấn.

Hiện tại, sản lượng đậu nành của Trung Quốc đạt khoảng 20 triệu tấn trong khi sản lượng ngô ước tính khoảng 277 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu tới 91,08 triệu tấn đậu nành và 20,62 triệu tấn ngô dưới dạng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi.

Dù số liệu thống kê nói trên cho thấy chênh lệch đáng kể giữa lượng nhập khẩu và sản lượng đậu nành hiện tại của Trung Quốc, nhưng nhập khẩu đậu nành của nước này đã giảm trong 2 năm qua, một phần nhờ nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm bớt nhu cầu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi, một phần do giá cả tăng vọt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại.

Trung Quốc có thể tiếp tục giảm nhập khẩu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là đậu nành, nhờ đặt mục tiêu cho sản xuất nông nghiệp và quyết tâm dựa vào sản xuất nông nghiệp địa phương thay vì nhập khẩu.

Những chính sách này cũng tác động đến các nhà xuất khẩu nông sản/ngũ cốc lớn. Đồng thời, những thay đổi trong sản xuất thực phẩm trong nước và trong chính sách thương mại nông nghiệp của Trung Quốc, có thể tác động đáng kể đến dòng chảy thương mại lương thực toàn cầu và khu vực.

Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra một số hiện tượng thời tiết cực đoan lớn ảnh hưởng đến vựa lúa mì và sản xuất lương thực địa phương, Trung Quốc có thể phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu và bị giảm khả năng xuất khẩu nông sản.

Mặt khác, việc Trung Quốc giảm nhập khẩu ngũ cốc (ngô hoặc đậu nành) hoặc thịt có nghĩa là sẽ có thêm hàng triệu tấn lương thực được cung cấp cho các nước nhập khẩu khác và Trung Quốc thậm chí có thể xuất khẩu nhiều loại nông sản với số lượng lớn hơn. Hai kịch bản này có thể tác động đến giá ngũ cốc và thịt, buộc các nước xuất khẩu phải điều chỉnh, tạo cơ hội cho các nước khác nhập khẩu lượng nông sản dư thừa và ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.

Tình huống này cũng có thể khiến nông dân ở các nước xuất khẩu nông sản, chẳng hạn như Mỹ - nơi khoảng 1/2 sản lượng đậu nành được xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm sản xuất để tránh rớt giá hoặc tiếp tục tìm thị trường mới cho những mặt hàng xuất khẩu này.

Nguồn: Báo Công Thương