Làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn ra nước ngoài đang đe dọa nền sản xuất của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cường, Giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá ra sao về làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang đe dọa nền sản xuất của nhiều quốc gia. Việt Nam cần có giải pháp gì để ứng phó với làn sóng này?

Với các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, làn sóng này liên quan tới chuyện cạnh tranh qua giá cả và chất lượng. Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được nhưng lại không sản xuất mà nhập từ Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là vì sao giá hàng Trung Quốc lại rẻ? Giá thành phụ thuộc vào chi phí lao động và phương thức sản xuất. Tôi không nghĩ chi phí lao động ở Việt Nam lại cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Nếu không phải thì có thể Trung Quốc đã có những phương thức sản xuất hiệu quả hơn. Vậy thì Việt Nam phải cải thiện những phương thức sản xuất của mình để tăng năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, có thể còn có những chuyện khác như trợ giá. Các cơ quan chuyên môn của Việt Nam phải tìm hiểu xem khi xuất khẩu hàng sang Việt Nam, Trung Quốc có cách gì trợ giá cho hàng xuất khẩu không? Cũng phải nghiên cứu xem những sản phẩm đó ở thị trường nội địa Trung Quốc có giá bao nhiêu? Nếu có bằng chứng rõ ràng Trung Quốc trợ giá cho hàng xuất khẩu, thì Việt Nam phải khiếu nại, ví dụ như vi phạm về luật thương mại.

- Có những bài học kinh nghiệm nào từ các quốc gia trên thế giới trong việc đối phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thưa ông?

Đây thực sự là một điều rất khó giải quyết. Châu Âu cũng là một nơi chứng kiến điều tương tự khi xe ô tô của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, đang tràn ngập thị trường châu Âu.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, Việt Nam phải đi theo một chiến lược dài hơi, đó là nâng cao chất lượng nhân lực để cải tiến kỹ thuật và tạo ra năng suất lao động tốt hơn. Nói cách khác, cần tăng tỷ lệ hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của quốc gia.

Để có được điều đó, không có cách nào khác là đi từ giáo dục. Như nói tới châu Âu, cần nhấn mạnh Đức và Pháp. Theo tôi, nền giáo dục của Pháp đang đi xuống trong khi Đức vẫn giữ chất lượng tốt. Do đó, hàng hóa Trung Quốc đi vào Đức không phải là một vấn đề lớn, trong khi Pháp lại tương đối chật vật đối phó với vấn đề này.

Ngay bản thân nước Pháp có chính sách thương mại linh hoạt với các nền kinh tế yếu hơn nên họ vẫn xuất khẩu được. Tuy nhiên, Pháp vẫn đang trong tình trạng nhập siêu, trong khi Đức không bị vấn đề này mà vẫn xuất siêu. Bởi chính sách của Đức giúp làm ra các hàng hóa chất lượng cao, nên hàng hóa của họ vẫn rất được ưa chuộng.

Do đó, Việt Nam phải xây dựng được nội lực như vậy mới có thể cạnh tranh được. Có nội lực rồi thì phải có chiến lược phù hợp.

- Để có sức cạnh tranh thì ngoài đầu tư dài hạn vào giáo dục, Việt Nam nên thực hiện thêm những giải pháp nào để cải thiện chất lượng hàng hóa, thưa ông?

Theo tôi, cần phải nhìn vào từng mặt hàng, nếu muốn đề ra một chiến lược hiệu quả. Một trong những mặt hàng mà tôi nghĩ tới có thể là thủ công mỹ nghệ. Đây là một ngành hàng mà Việt Nam mạnh không kém gì Trung Quốc. Nhưng ở thị trường châu Âu thì chủ yếu là hàng Trung Quốc mà không thấy hàng Việt Nam. Về Việt Nam hỏi thì các nhà sản xuất bảo do giá thành cao. Do đó, Việt Nam phải điều tra xem vì sao giá hàng thủ công mỹ nghệ lại cao khi mình có đầy đủ mọi yếu tố để cạnh tranh.

Trong ngành điện tử, Việt Nam đang làm tốt ở khâu gia công cho điện thoại thông minh thì hãy tiếp tục. Tuy nhiên, để thoát ra khỏi mác công xưởng thì phải có hướng đi lên trong chuỗi giá trị đó; nếu không, sẽ mãi chỉ là một mắt xích nhỏ thâm dụng lao động trong chuỗi giá trị đó.

Điều quan trọng là Việt Nam phải yêu cầu rõ ràng về việc các công ty nước ngoài phải đào tạo con người; đồng thời yêu cầu họ phải chuyển giao công nghệ. Đây là câu chuyện hết sức bình thường ở các nước khi chuyển giao công nghệ luôn là một phần thỏa thuận.

Cũng chính Nhật Bản và Hàn Quốc vươn lên được nhờ nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ Mỹ và châu Âu. Các nước này cũng tích cực gửi người đi học hoặc đào tạo kỹ sư ở nước ngoài, cho họ làm việc một thời gian và sau đó về nước để tiếp tục phát triển. Đây là điều mà Việt Nam phải xem xét nghiên cứu.

Theo tôi, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC) có một vai trò lớn trong việc giúp Việt Nam cạnh tranh với bên ngoài. Trung tâm này phải tìm ra cách đổi mới tư duy về phương pháp đào tạo, nghiên cứu, để đào tạo ra nguồn nhân lực có thể đưa ra những phương thức mới, dẫn đến những sản phẩm mới.

Hiện nay, có lẽ Việt Nam phải nhập những công nghệ mới của bên ngoài là “cái ngọn”. Nhưng đổi mới rồi sáng tạo ra “cái gốc” để tạo ra những “cái ngọn” do Việt Nam làm ra. Như thế, NIC phải cộng tác chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, cũng như các công ty ở Việt Nam để biết nhu cầu của họ, và gợi ý cho họ sản xuất những sản phấm có giá trị cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp