Xuất khẩu qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến và trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Tiết giảm thời gian, kinh phí

Thương mại điện tử là một phương thức kinh doanh mang lại hiệu quả trong những năm gần đây. Thương mại điện tử giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người bán rất nhanh chóng. Thay vì doanh nghiệp tham gia các cuộc triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kênh tiêu thụ, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí, thì nay với thương mại điện tử, sản phẩm của doanh nghiệp được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm từ tất cả các quốc gia trên thế giới.

Với lợi thế của thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp đang từng bước đưa sản phẩm, thương hiệu của mình tới nhiều thị trường hơn.

Ông Dương Như Đức, Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất lân nung chảy và các sản phẩm NPK phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm phân lân của doanh nghiệp đã xuất đi nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và một số nước Đông Nam Á. Năm 2024, doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 15-20%, đến thời điểm này đơn hàng đã đạt 70%.

Ông Dương Như Đức cho biết thêm, tiềm năng để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu là rất lớn. Hiện nay doanh nghiệp đang tích cực thông qua các sàn thương mại điện tử để có cơ hội tiếp xúc rộng hơn nữa với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên để đưa sản phẩm đi xa hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, doanh nghiệp xác định cần nâng cao về chất lượng sản phẩm, cũng như hàm lượng dinh dưỡng của các chủng loại sản phẩm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Đồng thời tìm các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm như: đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến hơn; sản phẩm chất lượng cao hơn.

Năm 2024, sản xuất nông nghiệp có nhiều khả quan, có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023 và các năm trước. Giá nông sản xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng tốt; bà con nông dân cũng quan tâm nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Do đó, năm 2024 và những năm tới ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh phân bón, sẽ có những thuận lợi.

Cùng chung quan điểm, ông Dương Phụ Hàn, Giám đốc Công ty TNHH VIETIMEX cho biết, từ thương mại điện tử, nhiều đối tác quốc tế đã liên hệ và tìm đến doanh nghiệp để kết nối kinh doanh. “Chúng tôi đã tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba đươc hai năm. Đây là kênh các doanh nghiệp, đối tác mua, bán buôn rất nhiều. Khi doanh nghiệp niêm yết thông tin trên sàn nhiều đối tác đã chủ động tìm đến. Do đó, sàn thương mại điện tử là kênh rất lợi thế để doanh nghiệp đến gần với các đối tác mua hàng trên thế giới. Tuy nhiên, với những nhà bán buôn lượng hàng hóa, trị giá lớn thì việc giao dịch qua sàn thương mại điện tử chưa thuận tiện, bởi những hạn chế trong việc thu phí cao và giới hạn giá trị giao dịch”, ông Dương Phụ Hàn chia sẻ.

Thích ứng với điều kiện mới từ thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Tính, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hòa cho biết, do sản xuất dòng hàng thuộc phân khúc trung và cao cấp, nên trong năm 2023, hoạt động kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, doanh thu còn tăng trưởng nhờ có thêm nhiều khách hàng mới bù đắp cho sự sụt giảm của các khách cũ. Có được điều này là nhờ công ty đã tích cực tham gia các hội chợ quốc tế như High Point, Spoga, Hawa Expo… Ngoài ra, công ty còn tìm kiếm được nhiều khách hàng mới qua các kênh online như website của doanh nghiệp. “Những năm trước, đơn hàng nhiều, công ty không phải lo tìm khách hàng. Nhưng từ năm ngoái, khi tình hình khó khăn, công ty đã đẩy mạnh các giải pháp tìm kiếm khách hàng, nhờ đó giúp giảm đáng kể những tác động tiêu cực của thị trường quốc tế” – ông Tính cho biết.

Hiện tại, Tân Hòa đang hoạt động hết 100% công suất để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ nay đến hết tháng 6, ngoài ra công ty cũng đã ký đơn hàng lai rai cho tới cuối năm. Điểm khác biệt hiện nay là các khách hàng đều yêu cầu thời gian giao hàng gấp hơn, thay vì đặt hàng trước 3-6 tháng như trước đây, thì nay rút xuống chỉ còn 2-3 tháng, thậm chí có đơn hàng yêu cầu giao chỉ sau 1 tháng. Do đó, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu và đưa ra dự báo cho khách hàng về những mẫu mã bán chạy để có kế hoạch dự trữ. Điểm tích cực là Tân Hòa hiện đã chủ động thiết kế cho khoảng 80% lượng hàng xuất khẩu, nên công ty sẽ làm sẵn một số công đoạn, khi có khách đặt hàng thì chỉ cần hoàn thiện là có thể giao nhanh.

Ông Tính đánh giá, tình hình thị trường năm khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023. Nhiều khách hàng cũ đã tái cấu trúc và bắt đầu mua hàng trở lại. Tuy nhiên cách thức mua hàng cũng có điểm khác biệt. Trước đây các nhà mua hàng đều mua số lượng lớn về trữ trong kho tại Mỹ, sau đó tự phân hàng và chở về các cửa hàng bán lẻ. Nhưng năm nay, các khách hàng này yêu cầu doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đóng container gồm nhiều mã hàng khác nhau và vận chuyển trực tiếp tới các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ. Do đó, doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị nhà kho lớn để chứa hàng.

Nguồn: Báo Hải Quan