Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 1/8 tới, nhưng dường như doanh nghiệp Việt vẫn chưa mặn mà để đi trên “đường cao tốc nối liền Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)” này.

Cơ quan chức năng ‘nóng ruột’

Tại hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?” mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhắc lại, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Với những cam kết sâu rộng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam-EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung.

Cơ hội rõ ràng nhất là cánh cửa thị trường EU sẽ rộng mở cho hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân, GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD, với 85% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế, chiếm 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được xóa bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU hiện là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu cũng như người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi, khi 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, triển khai EVFTA cũng tạo những lợi thế cạnh tranh cao hơn cho Việt Nam trong tận dụng các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất trong giai đoạn hiện nay, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng.

Để tận dụng lợi thế từ Hiệp định, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ kết quả rà soát đối với các cam kết về thuế xuất nhập khẩu, Bộ đã xây dựng Nghị định về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2022. Hiện Nghị định đã được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét thông qua. Dự kiến có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Hiệp định.

Cùng với đó, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng cơ hội ngay khi EVFTA có hiệu lực, hiện cơ quan hải quan đang phối hợp với Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong hoạt động đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp để trên cơ sở đó, rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, với những điều kiện thuận lợi trên, các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu Việt Nam đều có cơ hội, nếu có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng đón đầu, nắm bắt các cơ hội kinh tế to lớn ở cả hai chiều mà EVFTA mang lại.

Nhưng sao doanh nghiệp vẫn… dửng dưng?

Tuy nhiên, khác với kỳ vọng, các doanh nghiệp lại tỏ ra khá dửng dưng với EVFTA.

Tại tọa đàm Hiệp định EVFTA và vai trò của truyền thông mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết bộ đã sớm thay đổi cách thức tuyên truyền EVFTA so với các FTA khác. Dù EVFTA chưa có hiệu lực, khi chưa được Quốc hội phê chuẩn, bộ đã xây dựng chương trình hành động và có các hoạt động tuyên truyền phổ biến rộng rãi. Mặt khác, Bộ Công Thương còn chủ động mời lãnh đạo các bộ ngành để cùng chủ trì các hội nghị phổ biến cho các doanh nghiệp, người dân và cho cả chính cán bộ của bộ ngành, cơ quan quản lý đó.

Tuy vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, vẫn xuất hiện nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội, và trên các diễn đàn về việc có hơn 70%, thậm chí đến 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết gì về các thông tin cơ bản trong Hiệp định này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết, đến cuối tháng 6, Hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm rồi nhưng có rất ít câu hỏi của doanh nghiệp gửi về Bộ. "Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít", ông Khánh khẳng định.

Việc không tìm hiểu về EVFTA, theo các chuyên gia, phần nào cũng thể hiện năng lực doanh nghiệp còn yếu, và chưa tự tin hội nhập ở một sân chơi lớn và khó tính như thị trường EU. Tuy vậy, cũng cần phải công bằng nhìn nhận, việc tiếp cận thành công thị trường EU cũng không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt bởi đây là một thị trường khó tính, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với các mặt hàng nhập khẩu.

Cùng quan điểm, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cũng cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn cao tại châu Âu.

Trao đổi với TG&VN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, tuy rất muốn được thử sức với một thị trường mới, nhưng lại không chủ động cập nhật thông tin, kiến thức về các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và nhu cầu tiêu thụ của nước sở tại liên quan đến Hiệp định. Và chính vì thiếu thông tin, đa phần các doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho cuộc chơi khi EVFTA có hiệu lực.

Đại diện các hiệp hội ngành nghề cho rằng việc thông tin về EVFTA còn ở mức vĩ mô, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, các doanh nghiệp mong các cơ quan chức năng phổ biến những vấn đề, lợi ích và hướng dẫn cụ thể hơn từ hiệp định.

Mặt khác, các nhà quản lý nhận định, chỉ có gần 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chủ yếu là ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng ấy là ai. Với kiểu bán hàng và nhập khẩu kiểu ấy, nhiều doanh nghiệp không quan tâm thuế bên ngoài thế nào nên cũng không cần nghiên cứu Hiệp định!

Cần chuẩn bị tâm thế mới

Và để hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Chính phủ và các doanh nghiệp còn nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU. 

Đại diện phí doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, đầu tiên phải làm sao tiếp tục cải cách thể chế, để hội nhập không chỉ là tuân thủ, mà còn phải vận dụng có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp tận dụng các lợi thế, ưu đãi thuế quan và khả năng thâm nhập thị trường.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc về quản trị, công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, vệ sinh, kỹ thuật, phát triển bền vững... Cơ hội đang mở ra, nhưng rủi ro cũng rất lớn, nên doanh nghiệp cần có tầm nhìn toàn diện hơn, hành động cụ thể hơn, kèm theo các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thương mại thế giới đang thay đổi.

Bộ Công Thương khẳng định, với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp tận dụng tối đa nhất những cơ hội từ EVFTA.

EVFTA được Thủ tướng Chính phủ ví như “đường cao tốc” kết nối Việt Nam với EU. Nếu ra đường cao tốc mà không trang bị tốt, khả năng tai nạn sẽ rất cao. Vì vậy, cả các nhà quản lý và doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia "chơi" mới là điều buộc phải làm.

Nguồn: Báo Quốc Tế