Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ngành gỗ đang nỗ lực thực hiện việc đẩy mạnh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới hoạt động xuất khẩu (XK). Đây được xem là giải pháp ứng phó hiệu quả cho ngành gỗ Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện Bình Dương được xem là trung tâm của ngành công nghiệp chế biến và XK sản phẩm gỗ của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK trung bình hàng năm đạt trên hai con số. Đơn cử, năm 2019, ngành gỗ Bình Dương chiếm gần 50% tổng kim ngạch XK gỗ cả nước.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, khiến doanh nghiệp (DN) XK gỗ Bình Dương đối mặt với nhiều khó khăn. Trong quý 1/2020, kim ngạch XK các sản phẩm gỗ của Bình Dương tuy vẫn tăng trưởng (tăng 3,5%), nhưng lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019.

Nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách hạn chế xuất nhập khẩu hoặc tăng cường kiểm soát hàng hóa, dẫn đến làm gián đoạn tiến độ thực hiện các hợp đồng XK đã ký kết trước đây. Hiện nay, nhiều đơn hàng của các DN thành viên của BIFA đang bị cắt giảm, chậm thanh toán, thậm chí là hủy đơn hàng... khiến DN lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - cho biết, trong quý 2/2020, các DN XK gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 lan rộng ra hầu hết các thị trường XK chủ lực của ngành gỗ Bình Dương, đặc biệt, thị trường Mỹ, châu Âu…

Để ứng phó với tình hình này, ngoài sự các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành, UBND Bình Dương… ngành gỗ Bình Dương đã và đang tích cực tìm hướng đi mới, để giảm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và XK. Đơn cử, BIFA chuyển đổi số hóa, đặc biệt phát triển thương mại điện tử, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Đồng thời, ký kết với một số DN cung cấp giải pháp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động quản trị và ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, showroom 3D...

Vừa qua, BIFA hợp tác với Tập đoàn Amazon và Tập đoàn Alibaba để tổ chức các chương trình giới thiệu, chuyển đổi hình thức bán hàng online trên 2 sàn thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu này cho các DN của hiệp hội. Hiện Amazon và Alibaba đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho các DN thành viên của BIFA.

Theo ông Điền Quang Hiệp, các DN khi tham gia vào loại hình kinh doanh online sẽ mang tính chủ động rất cao. DN phải bán sản phẩm do mình thiết kế tìm hiểu thị trường bán online, lâu nay DN rất yếu về thiết kế vì đa phần làm hàng gia công. Sau một thời gian DN sẽ thực hiện tốt. Sau hơn một tháng hợp tác, nhiều DN đã xây dựng được hệ thống bán hàng online giúp chủ động được thị trường XK và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử nâng cao năng lực XK, các DN gỗ cần thúc đẩy các mô hình liên kết chuỗi để tăng năng suất lao động và giảm giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh. Để làm được điều này, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chủ trương và cơ chế khuyến khích phát triển những khu công nghiệp chuyên ngành tập trung, có như vậy từng ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ đều phát triển vững mạnh.

Về phía địa phương, Sở Công Thương Bình Dương đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, nhằm đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới. Đặc biệt, Sở sẽ sớm kết nối với tham tán thương mại tại các nước để hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại các thị trường XK trọng điểm.

Với các giải pháp hỗ trợ mạnh từ Chính phủ, bộ ngành và sự quyết liệt của địa phương, kỳ vọng kim ngạch XK hàng hóa của Bình Dương nói chung và ngành gỗ nói riêng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ sau dịch bệnh.

Nguồn: Báo Công Thương