Trước đại dịch Covid-19, ASEAN và EU khẳng định sẽ đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế, xã hội của dịch bệnh đối với các nước, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư, trong đó có tính đến các biện pháp dài hạn để khôi phục phát triển kinh tế....    

Bộ Ngoại giao vừa cho biết, ngày 20/3 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch COVID-19. Tham gia hội nghị về phía ASEAN, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, nước điều phối quan hệ ASEAN-EU cùng các đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ y tế các nước thành viên ASEAN. Về phía EU, có Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại An ninh Josep Borrell và Cao uỷ EU về Quản lý Khủng hoảng Janez Lenarcic.

Cuộc họp nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU, hai tổ chức khu vực hàng đầu, trong phối hợp ứng phó dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới.

Tại cuộc họp, trước tình hình đại dịch Covid-19, các nước ASEAN và EU bày tỏ cảm thông và khẳng định tình đoàn kết với nhau, sẽ tích cực đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong phòng ngừa dịch bệnh. Hai bên nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp chính sách, nhất là trong chẩn đoán, ngăn ngừa lây lan và điều trị các ca lây nhiễm, nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vắc-xin. Đặc biệt, ASEAN và EU khẳng định đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh đối với các nước, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư, tính đến các biện pháp dài hạn để khôi phục phát triển kinh tế....

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ASEAN trong việc phòng chống dịch Covid-19, đề nghị các nước ASEAN tạo điều kiện hồi hương cho công dân các nước EU đang du lịch tại khu vực Đông Nam Á. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh tính cấp thiết phải triển khai các biện pháp quyết liệt để củng cố năng lực của hệ thống y tế công cộng của các quốc gia, giảm tải cho các trung tâm điều trị tích cực vì nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến quá tải và tê liệt toàn bộ hệ thống.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, nỗ lực ứng phó chủ động, kịp thời của ASEAN khi dịch bệnh bùng phát theo tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của ASEAN năm 2020. Các nước ASEAN đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trợ giúp nhau về kỹ thuật, khởi động các cơ chế ứng phó khẩn cấp về y tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất nhằm đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, đã đưa ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ở Cấp cao, các Tuyên bố cấp Bộ trưởng chuyên ngành như quốc phòng, kinh tế, du lịch… đề ra các biện pháp phối hợp hành động ứng phó dịch bệnh COVID-19. Việt Nam cũng triệu tập và chủ trì cuộc họp Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN để điều phối nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN.

Các nỗ lực tích cực của Cộng đồng ASEAN đã mang lại những kết quả tích cực giúp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Tỉ lệ các bệnh nhân được chữa khỏi và tỉ lệ tử vong trên tổng số các ca nhiễm virus ở khu vực ASEAN ở mức thấp so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động cụ thể, thiết thực, tăng cường trao đổi và phối hợp ở các cấp cũng như với các Đối tác theo hướng này”- Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học trong kiểm soát và điều trị các ca nhiễm; quan tâm đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại EU; phối hợp giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị hai bên cần ưu tăng cường phối hợp chính sách, trao đổi thông tin, trợ giúp kỹ thuật và nguồn lực y tế phù hợp; EU có thể hợp tác và hỗ trợ ASEAN phát triển các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, bao gồm nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị và vắc-xin.

Với người dân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, đây là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch, điều quan trọng đối với tất cả các chính phủ là phải đảm bảo sự an toàn cho các công dân của chúng ta đang ở trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cần tăng cường các nỗ lực nhằm tạm thời hạn chế việc đi lại của người dân để giảm sự lây lan của virus thông qua các biện pháp thông tin tuyên truyền phù hợp. “ASEAN và EU cần hợp tác nhằm bảo đảm công dân của chúng ta đang sinh sống hoặc làm việc tại hai khu vực được cung cấp đầy đủ thông tin về các biện pháp an toàn y tế phù hợp và nếu họ bị nhiễm bệnh thì sẽ được điều trị”- Phó Thủ tướng khuyến nghị.

Đồng thời, EU và ASEAN là những đối tác thương mại, đầu tư và du lịch hàng đầu của nhau. Vi vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hai bên hãy cùng nhau hành động và phối hợp các biện pháp chính sách để giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng, từng bước khôi phục kinh doanh và du lịch trở lại bình thường, ngăn ngừa suy giảm sức cầu và các tác động dây chuyền đến các lĩnh vực khác trong nền kinh tế và đời sống xã hội.

Đề cập đến phòng chống dịch tại Việt Nam, Phó Thủ tướng thông tin, các biện pháp Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai và những kết quả tích cực trong phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam. Chính phủ đã luôn nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp, trước tiên là ngăn chặn sự lây lan của virus, thứ hai, là điều trị cho những người bị nhiễm, dù đó là người Việt Nam hay là người nước ngoài, giúp họ hồi phục và thứ ba, là cố gắng duy trì sự ổn định của nền kinh tế và đời sống xã hội. Cho đến nay, số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam vẫn đang được giữ ở mức thấp.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, các đối tác của ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống yên bình của người dân và phát triển ổn định của các quốc gia.

Trong số 650 triệu dân, tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh của ASEAN là dưới 0,001% (2.179 trường hợp). Trong số đó, 12% bệnh nhân mắc bệnh đã được chữa khỏi thành công. Mặc dù số ca nhiễm bệnh vẫn tăng, song tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 2,07% trong tổng số các ca nhiễm. Nhưng tình hình hiện nay vẫn đáng lo ngại và cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Nguồn: Báo Công Thương