Đây là tư tưởng chỉ đạo được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh quán triệt tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc về công tác phê chuẩn và chuẩn bị thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tổ chức tại Hà Nội ngày 4/3/2020. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp trong vòng 1 tuần qua của Bộ trưởng với các đơn vị trực thuộc liên quan đến Hiệp định EVFTA.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho biết, phía Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ngày 12/3/2020 sẽ hoàn thành thủ tục ở khâu Hội đồng châu Âu sẵn sàng cho khâu thực hiện.

EU cũng đã chủ động dự thảo các văn bản để thực thi trước khi trình Nghị viện châu Âu, chỉ còn chờ Việt Nam phê chuẩn cũng như xác nhận một số nội dung như: Xác định thời điểm đưa Hiệp định vào hiệu lực; xác nhận về chương trình hành động của Chính phủ để EU có thể bảo đảm Việt Nam thực hiện được cam kết của Hiệp định; xác nhận của Bộ Công Thương về kế hoạch lập Nhóm tư vấn trong nước về phát triển bền vững; xác nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận EU là một thực thể trong các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA).

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ quan điểm liên quan đến công tác phê chuẩn và thực thi EVFTA, theo đó cần phải tạo chuyển biến ngay từ bên trong Bộ Công Thương. Với tinh thần đó Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện công việc của mình một cách hết sức cụ thể, chi tiết, tránh chung chung. Đi cùng đó, các đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm của mình tránh sa vào trùng lắp trong các công tác liên quan đến thực thi Hiệp định EVFTA.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu có kịch bản khai thác các thị trường tại châu Âu mà Việt Nam có ưu thế và điều kiện khai thác. Phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổ chức làm việc thực hiện việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường.

Cục Phòng vệ thương mại cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để khai mở tại thị trường châu Âu, cũng như các thông tin liên quan đến tập quán, quy định trong tự vệ, phòng vệ thương mại để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững tại châu Âu

Vụ Thị trường trong nước chủ động rà soát, phối hợp cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước, đại diện người tiêu dùng để tính toán các áp lực trong cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như cân đối cung cầu, bình ổn thị trường nội địa trong bối cảnh mở cửa.

Trường đào tạo cán bộ Công Thương, Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng lực thể chế trong hội nhập ngay từ năm 2020. Văn phòng Bộ cùng Vụ Chính sách Thương mại đa biên xây dựng kế hoạch truyền thông, xây dựng website và cơ sở dữ liệu về EVFTA.

“Các công việc trên cần được triển khai ngay mà không chờ đến khi Quốc hội thông qua Hiệp định để ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các cơ quan quản lý, chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân cùng vào cuộc”- Bộ trưởng chỉ đạo.

Một nội dung được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt quan tâm là đổi mới công tác phổ biến các nội dung cam kết của EVFTA theo hướng phải thực chất hơn, hiệu quả hơn, đúng hơn, trúng hơn. “Trúng hơn là đưa ra được cái cần phổ biến. Đúng hơn là đầy đủ đối tượng, là chủ thể thực thi hiệp định”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần xây dựng được những cẩm nang thị trường để nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp. Nội dung cũng cần hướng tới doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm rõ cơ hội, áp lực từ EVFTA là gì.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một thuận lợi lớn cho việc phê chuẩn và thực thi EVFTA là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nhất trí tạo điều kiện đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ và phê chuẩn, do vậy các vụ chức năng của Bộ cần nỗ lực hơn, khẩn trương hơn để hoàn tất các công việc phục vụ cho việc phê chuẩn Hiệp định.

Liên quan đến việc thực thi Hiệp định, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gợi ý, cần xây dựng kế hoạch truyền thông ngay tại EU. Bên cạnh đó nghiên cứu tổ chức “Diễn đàn EVFTA - Cơ hội và triển vọng” để tổ chức tại châu Âu và Hà Nội với những mục tiêu cụ thể.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng, là bước đi mới trong tiến trình hội nhập của đất nước và là giải pháp quan trọng để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi.

Báo cáo của Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho thấy, Việt Nam đã hoàn thành nhiều bước cơ bản về Hiệp định. Trong đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA; Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để thực thi Hiệp định EVFTA, hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Tờ trình này của Bộ Công Thương.

Để đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định, đáp ứng các quy định về trình tự, thủ tục của luật, Vụ Chính sách Thương mại đa biên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai một số công việc cụ thể như làm việc với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - thống nhất các nội dung của hồ sơ trình Quốc hội cũng như việc phục vụ cho các Ủy ban và đại biểu Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét việc phê chuẩn Hiệp định.

Cùng với đó, ông Lương Hoàng Thái cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận EU là một thực thể trong các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), trong trường hợp cần thiết thì có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Công Thương làm việc với các Bộ, ngành thống nhất kế hoạch thành lập nhóm tư vấn trong nước về phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Công Thương