Tăng trưởng GDP năm nay khả năng khó đạt mục tiêu do hoạt động XNK, kinh doanh sản xuất nhiều ngành nghề bị tác động trực tiếp từ dịch Corona.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, chúng ta cũng nên coi đây là cơ hội để một lần nữa cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sản xuất.

Du lịch, xuất khẩu nông sản ảnh hưởng nặng nề

“Việt Nam có nhiều cơ hội, chúng ta nên nghiên cứu phát hiện “lỗ hổng” của thị trường, xem mặt hàng nào của Trung Quốc giảm sút xuất khẩu vào Tây Âu, Nhật Bản… từ đó hành động, tìm cách thay thế, lấp chỗ trống. Chẳng hạn như khách du lịch Trung Quốc giảm thì ta tìm cách thu hút khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Nga…" - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Trong một tháng dịch Corona hoành hành, đã có thể thấy rõ tác động của nó với nền kinh tế, thậm chí có những tác động gián tiếp chưa thể đo đếm ngay được, đặc biệt là những ngành phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị từ Trung Quốc. Theo ông thì mức độ ảnh hưởng này sẽ tới đâu nếu như dịch không sớm được khống chế?

Theo đánh giá sơ bộ và dự báo của Bộ KH&ĐT, dịch virus Corona sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng.

Về tăng trưởng kinh tế, cơ quan này dự kiến có 2 kịch bản. Theo kịch bản 1, nếu dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Với kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Rõ ràng là rất khó đạt được.

Với tình hình hiện nay, các dự báo đều có phương án tối đa và phương án tối thiểu. Bộ Y tế cũng có tới 4 phương án khác nhau về dịch bệnh nên phải tiếp tục theo dõi.

Theo ông, đến nay những ngành nào đã và đang phải chịu tác động nặng nề nhất?

Những ngày qua vấn đề xuất khẩu sang Trung Quốc được bàn thảo rất nhiều. Toàn bộ số rau quả, nông sản định xuất khẩu qua hai cửa khẩu sang Trung Quốc đều bị tạm dừng và một số mặt hàng đã buộc phải quay đầu tiêu thụ trong nước. Hiện, việc thông thương bình thường trở lại chưa được thực hiện. Tuy nhiên, điều này cũng lại phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực du lịch. Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình chiếm khoảng 30%. Khách sụt giảm sẽ giảm sút nguồn thu từ du lịch.

Cũng phải nói thêm, thị trường chứng khoán Việt Nam vài phiên vừa qua sụt giảm rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia…

Theo ông thì ở đây có vấn đề về tâm lý lo ngại thái quá không?

Ngày đầu thị trường giảm sút rất nhiều, sau đó giảm sút ít hơn và có dấu hiệu hồi phục. Ở đây đúng là có vấn đề tâm lý hoảng loạn. Các cơ quan có thẩm quyền cần thông tin để ổn định tâm lý thị trường.

Nếu cứ duy trì tâm lý đó là luồng vốn đầu tư FDI có thể sụt giảm. Với tình hình như thế, cần xem có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài muốn rời Việt Nam. Nhưng ngược lại, với tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc kéo dài, cũng nên tìm hiểu xem có bao nhiêu nhà đầu tư muốn rời Trung Quốc để tới Việt Nam.

Mấy ngày qua, do yếu tố dịch bệnh mà đồng nhân dân tệ mất giá mạnh. Điều này sẽ tác động ra sao đến thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

Đồng nhân dân tệ mất giá mạnh sẽ khiến giá hàng Trung Quốc giảm và tuồn sang Việt Nam mạnh hơn. Đáng chú ý là đến nay phía Mỹ không có phản ứng gì đối với việc đồng nhân dân tệ mất giá và Ngân hàng T.Ư Trung Quốc cũng không có biện pháp gì để ổn định đồng nhân dân tệ cả. Đó là thách thức lớn với thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp thiệt hại vì chỉ chọn “cái gì dễ thì làm”

Trước tác động của dịch virus Corona, một số doanh nghiệp không phải không nhìn ra cơ hội nhưng nhìn chung còn khá loay hoay. Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì trong thời điểm hiện nay?

Cách tốt nhất đối với Việt Nam lúc này là cố gắng duy trì sản xuất. Với doanh nghiệp, trong cái khó phải ló cái khôn, phải nhìn ra các cơ hội nhỏ, chẳng hạn như Vinatex chớp lấy cơ hội xuất khẩu khẩu trang. Còn nhìn rộng hơn, khi sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bênh, nguồn hàng xuất khẩu của họ vào các nước giảm cũng mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam lấp chỗ trống, qua đó tăng cường xuất khẩu.

Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh nhạy nắm cơ hội điều chỉnh để tăng sản lượng, tăng xuất khẩu. Nếu làm tốt, về lâu dài có thể thay thế được một số mặt hàng của Trung Quốc chứ không chỉ lấp chỗ trống nữa. Đó là cơ hội cũng là thách thức với chúng ta.

Như dệt may, nông sản vốn đang xuất khẩu vào Trung Quốc thì nay thị trường này trở nên rất khó khăn. Do đó, phải đa dạng hóa thị trường, tìm thị trường mới như Trung Đông, châu Phi hay các thị trường khó tính hơn như: Canada, Nhật Bản, Mexico, Úc, Newzealand… xem chúng ta có thể làm được gì. Điều này cũng đã nói nhiều lần rồi nhưng chúng ta chưa làm được.

Chúng ta có nên coi đây là cơ hội để một lần nữa cơ cấu lại thị trường, cơ cấu sản xuất, cũng là tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia không, thưa ông?

Đúng là như vậy. Mới nhất là CPTPP. Các doanh nghiệp phải xem lại một lần nữa để khai thác các ưu đãi và tận dụng. Đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, không phản ứng kịp thời.

Có thể nhận thấy doanh nghiệp của ta tính chuyên nghiệp chưa cao, còn đối với bộ máy quản lý thì việc dự báo chưa hiệu quả. Thứ hai là từ trước tới nay thị trường Trung Quốc dễ dãi và gần, vận tải thuận tiện nên doanh nghiệp hay chọn phương án “cái gì dễ thì làm”, nên bây giờ thiệt hại với người nông dân, nhất là nông dân sản xuất nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hậu quả rất rõ.

Về thu hút đầu tư, theo ông liệu có làn sóng đầu tư di chuyển từ Trung Quốc sang các nước? Và như ông nói ở trên, liệu đây có phải là cơ hội cho Việt Nam, quan trọng là chúng ta tận dụng thế nào?

Bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội chúng ta có thể tận dụng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, làn sóng đầu tư đổ sang Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia nhiều thì đến lần này chúng ta phải hết sức lưu tâm. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận lại thực tế, xem liệu chúng ta có những gì để hấp dẫn nhà đầu tư. Chỉ nói riêng chuyện tăng lương cho công nhân trong khối doanh nghiệp FDI. Muốn tăng lương thì phải tăng năng suất lao động. Nếu chỉ tăng lương mà không tăng năng suất lao động, bán được hàng thì doanh nghiệp chỉ có nước phá sản.

Theo ông, Chính phủ và các bộ, ngành cần làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

Chính phủ đã có chương trình hành động. Quan trọng là thực hiện chương trình hành động đã đề ra là cắt giảm chi phí, thực hiện Chính phủ điện tử để giảm bớt thủ tục. Các quan chức cũng cần năng động hơn nữa, phải hợp tác, sát cánh cùng với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải năng động hơn, chính quyền địa phương một mặt tập trung ngăn chặn dịch nhưng mặt khác phải làm sao thúc đẩy sản xuất. Đây là cơ hội đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Càng khó khăn càng phải nỗ lực, quyết tâm.

Cảm ơn ông!

TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách - VEPR): GDP 2020 có thể đạt dưới 6%

Dịch nCoV trước mắt sẽ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, trên cơ sở đó sẽ lan ra ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước khác. Do đó, sẽ gây sự xáo trộn nền kinh tế nội địa của Việt Nam do nhiều hoạt động phải tạm dừng, tạo ra chi phí lớn hơn trong quá trình sản xuất và đời sống của người dân. Tới nay, đã có thể lên danh sách hàng chục ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như: Du lịch, nông nghiệp, khai thác khoáng sản, kho bãi vận chuyển, dịch vụ bán lẻ…

Riêng đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% trong năm 2020, trước khi dịch bệnh bùng nổ, VEPR đã dự báo không đạt, chỉ có thể ở ngưỡng 6,4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tình hình kinh tế bị xáo trộn, chúng tôi đang xem xét điều chỉnh mức dự báo, GDP có thể không đạt 6%.

Chúng ta phải xác định dịch bệnh là rủi ro bất khả kháng, do đó, để giảm thiểu thiệt hại các ngành, lĩnh vực phải chấp nhận và có biện pháp cho riêng mình, sau đó mới tính đến hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Nhà nước về việc giảm chi phí, tăng cơ hội chuyển đổi.

Về mặt kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần cân nhắc chính sách nới rộng giảm chi phí trong đó có chính sách về tiền tệ,. Tuy nhiên, cần rất thận trọng bởi kênh truyền dẫn tiền tệ của chúng ta khi bị nới nỏng rất dễ bị chuyển vào thị trường bất động sản tạo ra bong bóng.

Nguồn: Báo Giao Thông