Bất chấp xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 500 tỉ USD, đưa cán cân thương mại ước thặng dư ở mức 9,94 tỉ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 517 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỉ USD, nhập khẩu khoảng 253,51 tỉ USD, tăng lần lượt 8,1% và 7% so với năm 2018, là "con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế VN".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói:

- Nhìn lại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030" vào tháng 12-2011, khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới vừa vượt qua mốc 260 tỉ USD, trong đó nhập siêu là gần 10 tỉ USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Chiến lược đề ra 7 nhóm giải pháp cần thực hiện và đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm, nhập khẩu 10-11%/năm và giảm dần thâm hụt thương mại, tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Đến năm 2018, Việt Nam đã vươn lên thứ 26 trên thế giới về quy mô xuất khẩu và thứ 23 thế giới về quy mô nhập khẩu. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì VN thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng được cải thiện, không chỉ hướng về chiều rộng mà còn tăng trưởng về chiều sâu.

* Khi bình chọn xuất nhập khẩu 500 tỉ USD dẫn đầu trong top 10 sự kiện tiêu biểu của ngành công thương năm 2019, Bộ cũng cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung. Theo ông, điều gì đã làm nên con số 500 tỉ USD nói trên?

- Năm 2019 đã ghi nhận thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung. 

Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Nói khái quát như thế để thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp để đạt được con số xuất khẩu gần 264 tỉ USD là không hề đơn giản, cần đáng được tôn vinh và trân trọng.

Cá nhân tôi thấy rằng chính việc đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) mà các bộ, ngành đã phối hợp tích cực thực hiện trong thời gian qua để đưa đến kết quả: Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, đã góp phần không nhỏ vào cán cân thương mại rất khởi sắc của VN.

* Theo đánh giá của ông, lợi ích của các FTA đã được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả chưa? Việc nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập có được Bộ Công thương làm tốt như đã cam kết với Chính phủ?

- Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã yêu cầu Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệp định CPTPP, sớm tuyên truyền, phổ biến về hiệp định EVFTA cũng như các hiệp định FTA đã thực thi khác nên chúng tôi cũng đã "chạy đua" với thời gian để thực hiện một cách tốt nhất trong khả năng của mình.

Kết quả ban đầu thông qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. 

Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, như xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỉ USD, tăng 28,2%, sang Mexico tăng 26,8%, tương ứng khoảng 2,84 tỉ USD.

Tới đây, công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại cũng sẽ được chúng tôi đặc biệt chú trọng, trong đó chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý.

* Với tư cách "tư lệnh ngành", ông cho rằng Bộ Công thương cần làm gì để kinh tế VN tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng của Chính phủ đặt ra?

- Truớc tiên là cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của VN với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.

Thứ đến là cần tập trung vào các động lực cho tăng trưởng bằng cải cách thể chế cũng như pháp lý để có được sự phát triển về chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đầu tư và hội nhập.

Cuối cùng, tiếp tục thực hiện một cách nhất quán và kiên định chiến lược hội nhập là điều chúng tôi lưu tâm nhất. Vì chiến lược hội nhập ở đây không chỉ là việc cắt bỏ hàng rào thuế quan, khai thác mở cửa thị trường, mà còn là cải cách trong tất cả các khía cạnh, lĩnh vực trong các cam kết hội nhập đã có.

Đây chính là những giải pháp mang lại động lực cho tăng trưởng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn cả tiến bộ xã hội. Đó chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.

Nguồn Tuổi trẻ online