Năm 2018 được đánh giá là năm khởi sắc của xuất khẩu gạo nước ta, nhưng vẫn còn đó những điều đáng suy ngẫm.

Không có bất ngờ lớn

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng gạo xuất khẩu cả năm 2018 đạt gần 6,1 triệu tấn, chỉ tăng khoảng 270.000 tấn, tương đương 4,6%, so với cùng kỳ. Đây rõ ràng là mức tăng thấp so với hai con số tương ứng là hơn 1 triệu tấn và 21% của năm 2017.

Tuy số lượng xuất khẩu tăng ít nhưng giá xuất lại cao. Đây là thành công lớn nhất trong xuất khẩu gạo 2018, với giá xuất bình quân khoảng 502 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 10,8% so với cùng kỳ. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt ngưỡng 3 tỉ đô la, tăng 16%.

Chưa kể giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bằng, có lúc cao hơn, đối thủ cạnh tranh Thái Lan là điều cũng cần được phân tích.

Các kết quả tính toán từ số liệu thống kê của nước ta và của Thái Lan cho thấy, hai năm 2016-2017 giá gạo bình quân của nước ta đã cao hơn của Thái Lan 7 và 9 đô la Mỹ/tấn. Riêng năm 2018, mức chênh lệch này sẽ không còn, mà cân bằng ở mức 502 đô la Mỹ/tấn.
Nguyên nhân “kép” dẫn đến kết quả này là do Việt Nam tăng mạnh tỷ trọng gạo nếp và gạo thơm có giá tốt hơn hẳn (năm 2017 đã vượt qua ngưỡng 3 triệu tấn và đạt tỷ trọng 46,4%), đồng thời giảm rất mạnh tỷ trọng gạo trắng. Ngược lại, Thái Lan giảm tỷ trọng của loại gạo thơm Thai Hom Mali (từ 31,7% xuống còn 20,1%), đồng thời tập trung thanh lý, với giá rất thấp, kho gạo dự trữ khổng lồ do chính sách sai lầm trước đây.

Băn khoăn trước thềm 2019

Cho dù vậy, xuất khẩu gạo năm 2019 của nước ta sẽ phải đối diện với cả những vấn đề cũ và mới sau đây:

- Thứ nhất, có vẻ như do chúng ta “thích bán giá cao”, cho nên không thể xuất khẩu hết lượng gạo đã được sản xuất. Việc đẩy giá bán lên cao để thu lợi nhiều nhất là điều có thể làm, nhưng vì vậy mà để giảm sức cạnh tranh thì cần cân nhắc. Do vậy, điều tiết giá gạo xuất khẩu để chiếm lĩnh thị trường vẫn còn là câu chuyện nóng của nước ta hiện nay.
Các số liệu thống kê cho thấy lượng gạo xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam là 6,1 triệu tấn, trong khi sản lượng quy gạo của nước ta năm qua tăng cao gần gấp ba lần. Như vậy đã có khoảng nửa triệu tấn gạo chưa thể đẩy ra thị trường thế giới. Đây cũng là tình trạng trong ít nhất hai năm trước đó.

Năm 2018, Thái Lan đã khai thác tốt hơn hẳn các thị trường Đông Nam Á truyền thống của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng lượng gạo nước này xuất khẩu cho Indonesia, Philippines và Malaysia đạt 2,12 triệu tấn, cao hơn của chúng ta 100.000 tấn.

- Thứ hai, nếu như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là đúng và những động thái gần đây của Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu gạo của nước ta rơi vào tình thế rất khó khăn.
Trước hết, theo dự báo gần đây nhất của USDA, tuy tổng sản lượng gạo thế giới năm 2019 giảm gần 4 triệu tấn, nhưng dự trữ đầu năm lại tăng mạnh và đạt kỷ lục chưa từng có, với gần 162 triệu tấn, tương ứng hơn bốn tháng tiêu dùng, còn nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn chỉ dừng lại ở mức hơn 45 triệu tấn như năm 2018.

Thế nhưng, điều đặc biệt quan trọng đối với chúng ta là nhập khẩu gạo của bạn hàng lớn thứ hai trong năm 2018 là Indonesia sẽ giảm mạnh từ 2,15 triệu tấn xuống chỉ còn 800.000 tấn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có những động thái thắt chặt nhập khẩu gạo để hạn chế tình trạng kho gạo dự trữ của nước này phình to quá nhanh (dự trữ của Trung Quốc đầu năm 2019 là 109 triệu tấn, tương ứng với 279 ngày tiêu dùng của nước này, còn cuối năm sẽ tiếp tục tăng lên 113 triệu tấn).

Rõ ràng, việc cả hai thị trường lớn nhất nhì này đều giảm nhập khẩu trong năm 2019 sẽ tạo ra áp lực rất lớn.

- Thứ ba, cho dù gạo nếp và gạo thơm mang lại những kết quả ấn tượng về giá trong những năm gần đây, nhưng gạo thơm “Made in Vietnam” dường như vẫn có giá “bèo” nhất thế giới.
Thông tin hiện tại của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, trong khi gạo Thai Hom Mali đang được chào giá 1.127 đô la Mỹ/tấn, còn Basmati của Ấn Độ là 1.450 đô la Mỹ/tấn, thì Jasmine của Việt Nam chỉ có 488- 492 đô la/tấn.

Do vậy, tìm ra những giống lúa mới cho gạo thơm với giá cao hơn hẳn chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra diện mạo mới cho gạo Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn