Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng đây là điều cần thiết giúp nông dân được bảo vệ khi có sự cố...

Trên thực tế, nếu việc đăng ký sáng chế, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm đầu tư thì chắc chắn sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên. Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp chưa mặn mà?

Dễ bị "cướp" quyền sở hữu trí tuệ

Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu, cả nước hiện có khoảng 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ.

Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu sản xuất thủ công, số lượng ít, chưa chú trọng đến tạo logo, nhãn mác, thương hiệu ảnh hưởng đến quyền lợi và kinh tế của người nông dân là một trong những "điểm yếu" của nông sản Việt. Cùng với đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, ngay cả khi đã đăng ký bảo hộ rồi thì doanh nghiệp cũng không phải dễ dàng bảo vệ quyền được bảo hộ của mình.

Điển hình như chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh Phan Minh Thông bức xúc, công ty ông đã từng phải mất 5 năm khởi kiện một công ty khác đã đánh cắp nhãn hiệu một sản phẩm nông nghiệp của công ty mình. “Đăng ký đã khó, giữ vững thương hiệu càng khó hơn. Vì vậy, phải đăng ký ngay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi xây dựng thương hiệu”, ông thổ lộ.

Câu chuyện của Phúc Sinh không phải là hiếm, từng xảy ra với cà phê Trung Nguyên và hiện nay là với bảo hộ quyền chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phú Quốc. Thực tế hiện nay, ngoài các nông sản chủ lực của Việt Nam được thế giới biết đến cần được bảo hộ thì nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, nhiều sáng tạo trí tuệ hữu ích của các cá nhân, tập thể cũng đang rất cần được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu. Sở hữu trí tuệ là quyền của các cá nhân, tổ chức đối với tài sản trí tuệ của mình. Trong nông nghiệp, đó là quyền sở hữu một giống lúa, giống cây con được tìm thấy, được lai tạo hay một sản phẩm được chế biến.

Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng phía Nam của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học- Công nghệ cho biết: Việt Nam hiện chỉ có gần 1.000 bằng độc quyền sáng chế, chưa bằng sở hữu của 1 doanh nghiệp startup của Singapore, Indonesia. Vinamilk là một doanh nghiệp lớn cũng mới chỉ có 385 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và duy nhất 1 bằng độc quyền sáng chế.

Ông Khuê nói: "Với Việt Nam, khâu tạo lập đang là khâu kém nhất trong chu trình hay là đường đi của các đơn vị sở hữu tài sản trí tuệ. Tức là chúng ta đang không tích tụ được giá trị của đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, tạo ra sản phẩm mới đi đến cuối cùng là thị trường. Vì thế chúng ta chỉ xuất thô và gắn nhãn, đôi khi không cả gắn nhãn".

Giải bài toán từ đâu?
Hiện không phải cá nhân hay doanh nghiệp làm nông nghiệp nào cũng biết về quyền sở hữu trí tuệ, các khuyến khích của ngành chức năng trong bảo hộ nông sản. Do chưa biết đến việc bảo hộ này nên nhiều nông dân chấp nhận giữ sáng chế sản xuất của mình ở tầm ứng dụng nhỏ lẻ, tránh bị sao chép sản phẩm. Trong hơn 3 triệu nông dân đạt danh hiệu sản xuất nông nghiệp giỏi đang mong muốn có được bảo hộ sản phẩm nông nghiệp về thương hiệu, nhãn mác và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, chưa có nhiều nông hộ được quyền bảo hộ.

Để giải quyết vấn đề này, theo GS Võ Tòng Xuân, một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay là xây dựng mối liên kết 4 nhà: Nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước, nhất là 2 nhà: Doanh nghiệp với nông dân. Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cũng đồng tình với ý kiến này.

Theo GS Xuân, nếu doanh nghiệp và nông dân làm đúng quy trình sản xuất sẽ cho ra sản phẩm nông nghiệp tốt, rồi xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nông sản tránh việc bị đánh cắp.

Còn theo Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, phụ trách Văn phòng phía Nam của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, riêng với giống cây trồng, việc đăng ký quyền bảo hộ là đặc biệt cần thiết khi Việt Nam đã tham gia tổ chức Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới- UPOV.

"Chúng ta đang ủng hộ tối đa cho việc bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam. Khi chúng ta thực thi đúng việc bảo hộ này thì sự cạnh tranh sòng phẳng hơn và chúng ta có nhiều lợi ích hơn cho giống cây của mình. Bảo hộ giống cây trồng góp phần cơ bản, đầu tiên trong việc sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết làm nên thương hiệu gạo Việt Nam" - Thạc sỹ Lê Thanh Tùng cho biết.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp