Nhật Bản cuối cùng đã chấp nhận đàm phán song phương với Mỹ. Cuộc “mặc cả” giữa hai nền kinh tế lớn sẽ chính thức diễn ra từ đầu năm sau.

“Cái gật đầu” của Thủ tướng Shinzo Abe được ví như “món quà” mà ông mang tặng Tổng thống Mỹ D.Trump nhân chuyến công tác tại Đại hội đồng liên hiệp quốc hồi cuối tháng 9, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của Thủ tướng Nhật.

Sau hai năm nhất quán nói “không” với đàm phán song phương và kiên trì với lập trường đàm phán đa phương, mời Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (cũ), Nhật Bản đã phải lùi bước trước lời đe dọa của Tổng thống Trump, rằng sẽ đánh thuế xe hơi nhập khẩu 20%.

“Món quà” của Nhật Bản rõ ràng đã mang lại động lực quan trọng cho chiến dịch của ông Trump nhằm xây dựng lại các hiệp định thương mại với những đồng minh lâu năm từ Nhật Bản, Canada, Mexico tới Liên minh châu Âu, trong khi Mỹ mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Ông Trump đã không giấu nổi vui mừng về điều này. Ông nói với các phóng viên: “Tham gia đàm phán song phương là điều mà, vì nhiều lý do khác nhau trong những năm qua, Nhật Bản không muốn làm. Và bây giờ họ đã sẵn sàng”.

Nhật Bản có thể giành được một số ưu thế sau động thái này, chẳng hạn như tạm ngăn chặn mức thuế ô tô mà Mỹ đe dọa. Song, để giữ được những lợi ích như vậy sẽ là rất khó khăn.

Chính quyền Trump đã nhiều lần công khai rằng, họ muốn nhiều nhượng bộ hơn nữa từ ngành ô tô và nông nghiệp của Nhật Bản. Nông dân ở Mỹ đang phải chịu hậu quả từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vì vậy họ rất mong đợi được tiếp cận một cách nhanh chóng và bình đẳng đối với thị trường Nhật Bản.

Và thực tế vừa qua cho thấy Mỹ cũng không ngần ngại “tăng nhiệt” để đối phó với các đồng minh truyền thống, chẳng hạn như cách mà Washington đã làm khi yêu cầu Canada mở cửa cho các sản phẩm sữa của Mỹ.

Vì vậy, các cuộc đàm phán sắp tới dự kiến sẽ rất căng thẳng. Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Trump từ lâu đã để ý tới tình trạng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, ông nhiều khả năng sẽ không chấp nhận những thay đổi ở mức “vừa phải” như trong các thỏa thuận thương mại đã sửa đổi với Hàn Quốc, Canada hay Mexico.

“Tổng thống Trump đã có những thứ để diễn thuyết. Vì vậy giờ đây ông không cần những thỏa thuận mang tính hình thức. Ông muốn cái gì đó lớn lao hơn với Nhật Bản”, ông June Park, giáo sư tại Đại học Hanyang, Hàn Quốc nói với New York Times.

Trong khi đó, Mỹ luôn cầm một cây gậy là “thuế ô tô”. Theo phân tích của Viện nghiên cứu Daiwa, Nhật Bản xuất khẩu khoảng 1,7 triệu xe đến Mỹ mỗi năm, và nếu Mỹ đánh thuế 20% thì chi phí của nhà sản xuất sẽ tăng thêm 8,5 tỉ đô la. Công ty Chứng khoán SMBC Nikko ước tính rằng nếu các nhà sản xuất ô tô Nhật chuyển chi phí trên cho khách hàng thì xuất khẩu xe hơi của Nhật sẽ giảm 200.000 chiếc, và lợi nhuận của nhà sản xuất sẽ giảm khoảng 2,2%.

“Nếu thuế ô tô được áp dụng, nó sẽ tạo cuộc khủng hoảng ngay lập tức trong quan hệ song phương”, Tobias Harris, chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại tổ chức tư vấn Teneo Intelligence ở Washington nói với New York Times.

Ông cho biết, Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến thương mại leo thang của Mỹ với Trung Quốc. “Chúng tôi học được rằng nếu chúng không nói chuyện nghiêm túc, những gì diễn ra với Trung Quốc có thể xảy ra với kinh tế Nhật Bản. Hầu hết các bộ trưởng Nhật Bản đều thừa nhận rằng, sẽ phải chấp nhận một số đau đớn để kiềm chế Tổng thống Mỹ D.Trump”, ông Tobias nói.

“Nhật Bản đã bị dồn vào chân tường”, tờ Asahi Shimbun bình luận. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn