Đối mặt với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thay đổi cách nghĩ, cách làm thì mới có thể hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. TS Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh như vậy trong buổi gặp mặt mới đây với lãnh đạo các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Phú Yên.

Trao đổi với Báo Phú Yên về một số nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, TS Lê Đăng Doanh cho biết:

- Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, chủ trương của Chính phủ là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục đưa mối quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu. Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, các FTA thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước.

Đối với việc hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 FTA; trong đó có 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết và chờ phê chuẩn, 2 FTA đã kết thúc đàm phán, 3 FTA đang đàm phán với 15 nước trong khuôn khổ 6 FTA khu vực ký kết với ASEAN với nhiều nội dung cam kết về thương mại, dịch vụ, đầu tư khác nhau.

Việt Nam đã dành nguồn lực và ưu tiên cho việc thực thi các FTA, hỗ trợ các bên liên quan khai thác hiệu quả các FTA trong lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách; đồng thời đơn giản hóa thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa. Nước ta đang kỳ vọng rất nhiều vào việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định có 11 nước thành viên tham gia, trừ Mỹ.

* Thưa ông, Hiệp định CPTPP có những điểm gì khác so với Hiệp định TPP đã ký kết trước đây? CPTPP mở ra cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam và doanh nghiệp?

- CPTPP sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua vào tháng 10/2018 và có hiệu lực đầu năm 2019. Đây là hiệp định đầy đủ, tiến bộ nhất so với các hiệp định khác; mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. CPTPP cơ bản dựa trên TPP đã được ký kết nhưng có phần thuận lợi hơn đối với Việt Nam.

Việt Nam đã bảo lưu 22 điểm đã ký kết song phương với Mỹ và nâng được phần bảo lưu; tức là được gia hạn thời gian thực hiện, giảm được các yêu cầu về một số quy định mà TPP trước kia đòi hỏi. Điều quan trọng hơn, CPTPP là những nền kinh tế không cạnh tranh đối với Việt Nam. Các mặt hàng Việt Nam và CPTPP bổ sung cho nhau. Cụ thể, những sản phẩm nước ta làm thì các nước tham gia CPTPP như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể làm nhưng bán với giá đắt hơn, nên Việt Nam sẽ có lợi khi xuất sang các nước.

Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập của các nước thì do ta chưa làm được, hoặc làm được nhưng chất lượng kém hơn… Nhìn chung, CPTPP có nhiều điểm có lợi cho Việt Nam, nếu thực hiện được thì GDP của nước ta có thể tăng khoảng 3,6%, xuất khẩu cũng tăng và năng suất lao động có thể được cải thiện.

Tuy thuận lợi nhưng CPTPP cũng đặt ra những thách thức cho nước ta. Vì CPTPP có yêu cầu rất cao đối với hàng hóa như về tiêu chí chất lượng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu, nhãn mác. Trong khi, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, không đầu tư vào thương hiệu, nhãn mác. Chỉ tính trong ngành công nghiệp gỗ mỹ nghệ, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hơn 100 tỉ đồng nhưng vẫn cho rằng còn bé, chỉ là hộ gia đình nên không đăng ký nhãn mác, chỉ xuất khẩu qua trung gian. Như vậy, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất không hưởng lợi, mà lợi nhuận chủ yếu là của doanh nghiệp trung gian. Điều này cho thấy, muốn có lợi, doanh nghiệp nước ta phải thay đổi cách làm, cụ thể là đăng ký thương hiệu, bảo vệ sở hữu và bảo đảm các tiêu chí liên quan.

* Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta sang Mỹ chiếm trên 22%, nhưng Mỹ không tham gia vào CPTPP. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp?

- Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ thuận lợi; nhưng hiện nay, Mỹ đã bắt đầu đánh thuế 25% vào thép, 10% vào nhôm. Mỹ cũng đã thông báo, nếu Việt Nam không nỗ lực phối hợp, trợ giúp lẫn nhau, Mỹ có thể có những biện pháp tăng thêm thuế. Chính vì vậy, việc Mỹ không tham gia CPTPP có ảnh hưởng nhiều đến nước ta. Tuy lợi ích Việt - Mỹ hiện nay là bổ sung cho nhau, nhưng Việt Nam vẫn phải chú ý hợp tác với Mỹ, theo dõi các chính sách mới của Mỹ. Cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải năng động, linh hoạt để nắm bắt cơ hội và phát hiện sớm các thách thức, từ đó có đối sách phù hợp.

* Đối mặt với quá trình hội nhập và thực hiện CPTPP, chắc chắn Việt Nam phải làm việc nhiều với các đối tác nước ngoài. Vậy cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp nước ta cần chuẩn bị những điều kiện gì để tận dụng cơ hội này, thưa ông?

- CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi luật pháp; sửa đổi, bổ sung luật pháp chặt chẽ, phù hợp với tình hình mới. Thời gian gần đây, Việt Nam đã sửa đổi một số luật như Luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường hay Luật Thủy sản… để tránh vi phạm khi giao dịch thương mại với các nước khác. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu và biết cách vận dụng đúng quy định, nhằm tránh sai sót và phát sinh chi phí.

Để triển khai và thực hiện hiệu quả trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với những cam kết cụ thể của CPTPP, trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp phải kết nối công nghệ thông tin để thỏa thuận yêu cầu trước khi giao dịch hàng hóa với các nước tham gia hiệp định. Các đơn vị cũng phải khắc phục những rào cản kỹ thuật; đảm bảo các tiêu chí của kinh tế thị trường, tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

 Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần tra cứu, tìm sự hỗ trợ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hay của các đơn vị quản lý cấp trên, các công ty tư vấn; đồng thời lưu ý những cam kết về bảo vệ môi trường, vì nếu không đáp ứng được tiêu chí này thì sẽ khó làm việc với đối tác nước ngoài…

* Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, giải pháp và chủ trương của Chính phủ hiện nay là gì?

 - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động rất sâu sắc mà trung tâm là các doanh nghiệp và mọi con người kết nối với nhau. Công nghệ 4.0 sẽ tạo điều kiện hội nhập lớn cho Việt Nam. Chúng ta có thể tiếp cận mọi mặt qua internet nhưng trên cơ sở quy định chặt chẽ. Vậy nên, chúng ta phải đầu tư nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ. Đây cũng chính là lý do vì sao Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Chính phủ điện tử và các cơ quan Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề này.

 Để tiếp cận và nắm bắt xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành phải nỗ lực để tránh các thủ tục phiền hà đối với doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp phải kết nối công nghệ, lập trang mạng riêng để làm tất cả thủ tục qua môi trường trực tuyến. Chính phủ đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực; chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phi thuế như các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành, doanh nghiệp trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Các bộ, ngành cũng tăng cường đổi mới, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin thị trường, mở rộng các kênh phân phối, bán hàng; trong đó chú trọng các nước đối tác trong FTA hiện hành và có tiềm năng, đem lại tác động tích cực cho thương mại Việt Nam.

 Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tuổi thọ của hàng hóa sẽ rất ngắn. Nếu doanh nghiệp không tự đổi mới thì sản phẩm sẽ không đáp ứng nhu cầu và trở thành lạc hậu, không thể tiếp tục kinh doanh hiệu quả. Chính vì thế, doanh nghiệp phải tự học, chấp nhận thách thức và người lao động cũng phải biết cách nâng cao trình độ.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Phú Yên