Hy vọng TPP sẽ hồi sinh

24/07/2017    58

Khi Donald Trump tuyên bố, trong sắc lệnh đầu tiên của ông với tư cách tổng thống Mỹ, rằng Mỹ không còn tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP), nhiều người đã cho rằng, thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới này đã chết. Nhưng hãy còn quá sớm để đọc lời ai điếu cho TPP.

Mặc dù không mong đợi ông Trump sẽ đổi ý nhưng 11 thành viên còn lại của TPP không cam tâm để cho công sức đàm phán gay go suốt năm năm trời bị đổ sông đổ biển chỉ vì quyết định của một tổng thống Mỹ - người mà theo nhận xét của nhà báo Thomas Friedman, dường như chưa đọc và chưa hiểu gì về TPP.

Thứ Năm tuần trước, tại khu nghỉ dưỡng Hakone gần thủ đô Tokyo, Nhật Bản, các nhà đàm phán chính của 11 thành viên còn lại đã tổ chức hội nghị để thảo luận các phương hướng thực thi hiệp định này mà không có Mỹ. Theo kế hoạch, các bên sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận về TPP (mới) trong tháng 11 để kịp trình cho các nhà lãnh đạo 11 nền kinh tế thành viên bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng cuối năm nay. Sẽ có thêm một kỳ họp nữa tổ chức tại Úc vào tháng 9 để “chốt” lại văn bản thỏa thuận cuối cùng trước ngày khai mạc APEC.

Theo hình dung ban đầu, TPP sẽ hình thành một khu vực kinh tế-thương mại vận hành theo luật lệ bao gồm 12 nền kinh tế hai bên bờ Thái Bình Dương - gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng kinh tế của thế giới. TPP cũng được cho là sẽ ràng buộc Mỹ vào Đông Á, tạo ra một liên minh kinh tế-thương mại có khả năng kiềm chế một Trung Quốc đang mạnh lên nhanh chóng. Những cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm qua được tiến hành rất cẩn thận và chu đáo; kết thúc đàm phán, hiệp định đã được 12 trưởng đoàn ký kết, chờ được quốc hội của 12 nước thành viên phê chuẩn trong vòng hai năm thì sẽ có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, khi Mỹ đơn phương rút ra khỏi TPP, Nhật - nền kinh tế lớn nhất trong các nước còn lại - vẫn quyết định phê chuẩn TPP và tìm cách thay thế vai trò đầu tàu của Mỹ, đưa hiệp định vào thực hiện. Hôm 11-5 vừa qua, Quốc hội New Zealand cũng quyết định thông qua TPP và nỗ lực duy trì hiệp định này. Những động thái “hồi sinh” TPP như vậy cho thấy, các nước Đông Á - cũng như EU bên châu Âu - đã bắt đầu tự xác định con đường đi riêng của mình, không hoàn toàn thụ động trông chờ vào sự dẫn dắt của Mỹ như trước. Thậm chí, một số quan chức kinh tế Nhật Bản còn hy vọng một ngày nào đó, chính quyền của ông Donald Trump sẽ “tỉnh ngộ” và xin quay lại với TPP vì suy cho cùng, hiệp định này mang lại cho kinh tế Mỹ và các tập đoàn kinh doanh Mỹ quá nhiều lợi ích trong cuộc cạnh tranh toàn cầu quyết liệt hiện nay.

Báo Japan News đưa tin từ hội nghị Hakone cho biết, Nhật Bản muốn triển khai thực hiện TPP đúng như hiệp định đã được ký kết, chỉ cần điều chỉnh một vài yếu tố kỹ thuật. Tomohiko Taniguchi, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe, nói rằng: “Tất nhiên hy vọng của Nhật Bản là duy trì nguyên trạng hiệp định đã ký kết, kể cả các chi tiết”. Ông Taniguchi cũng đưa ra cụm từ hiệp định “Đại dương 11” (Ocean’s 11) thay cho TPP và dự báo các cuộc đàm phán - dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản - sẽ rất gay go. Cùng với Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng muốn giữ nguyên các điều khoản quy định về cải thiện điều kiện lao động, tăng cường bảo hộ tài sản trí tuệ, mở cửa thị trường hàng hóa nông sản và dịch vụ kỹ thuật ở tất cả các nền kinh tế thành viên.

Các điều khoản khác, nhất là quy định về hiệu lực của TPP cần phải thay đổi. Điều khoản về hiệu lực của TPP chẳng hạn, quy định hiệp định chỉ có hiệu lực sau khi được ít nhất 6 thành viên phê chuẩn, sản lượng kinh tế của các thành viên đã phê chuẩn phải chiếm ít nhất 85% tổng sản lượng toàn khối và thời gian phê chuẩn không kéo dài quá hai năm - nghĩa là TPP ít nhất phải có sự phê chuẩn của Mỹ và Nhật Bản. Điều khoản này hiện nay không còn thực tế nữa và chắc chắn sẽ bị hủy bỏ.

Tại phiên họp toàn thể sáng thứ Năm 13-7, các nhà đàm phán đã thảo luận đề nghị của Nhật về một nghị định thư (protocol) - tách biệt với văn bản hiệp định - cho phép đưa TPP vào thực thi trên cơ sở tạm thời (provisional basis) trong khi tiếp tục thảo luận các điều khoản sửa đổi. Nhật Bản, Úc và New Zealand tán thành ý tưởng về một nghị định thư như vậy nhưng một số thành viên như Malaysia và Việt Nam chưa đồng ý. Đại diện Nhật Bản cho biết họ sẽ có cuộc thảo luận riêng với Việt Nam - nước đăng cai Diễn đàn APEC năm nay - và với một số quốc gia khác để vận động sự ủng hộ nghị định thư do Nhật đề xuất.

Kazuyoshi Umemoto, nhà thương thuyết chính của Nhật, nói với báo chí rằng, cả 11 đoàn đàm phán đã “đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về con đường tiến lên phía trước” mà không cần có Mỹ. “Chúng ta cần một thỏa thuận quốc tế mới. Tôi nghĩ chúng tôi đã nhìn thấy bức tranh tổng thể về một hiệp định mới sẽ như thế nào”, ông Umemoto nói.

Hôm 18-7, Datuk Seri Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế của Malaysia, cũng khẳng định với báo chí: “Sẽ có quyết định” vào thời điểm các nhà lãnh đạo gặp nhau tại Diễn đàn APEC Đà Nẵng cuối năm nay. Có điều quyết định như thế nào thì ông không cho biết chi tiết.

Theo giới quan sát, Malaysia và Việt Nam không tán thành ý muốn thực thi TPP đúng nguyên trạng như hiệp định đã ký kết mà muốn đàm phán lại một số điều khoản quan trọng. “Các nước như Malaysia và Việt Nam đặt vấn đề, liệu TPP còn ý nghĩa gì khi họ đã không còn quyền tiếp cận thị trường Mỹ”, ông Andrew Staples, Giám đốc Đông Nam Á của Mạng Economist Corporate, nói với hãng tin CNBC. Malaysia và Việt Nam được coi là hai nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP; giá trị xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào hai nền kinh tế này dự báo sẽ tăng mạnh; đặc biệt hàng dệt may Việt Nam và hàng điện tử Malaysia sẽ có lợi thế lớn khi xuất sang Mỹ và các nước thành viên TPP khác do không còn phải chịu thuế.

Để được lợi thế đó, Malaysia và Việt Nam đã đồng ý thực hiện nhiều yêu cầu sửa đổi liên quan tới môi trường kinh doanh, sự minh bạch của doanh nghiệp nhà nước, các tiêu chuẩn cao về môi trường sinh thái và quyền của người lao động... Nhưng giờ đây, theo ông Staples, khi quyền tiếp cận thị trường Mỹ đã không còn được bảo đảm, cả hai nước này đều muốn xét lại cam kết của mình. “Đặc biệt Malaysia đã nói họ muốn mở lại các cuộc đàm phán về những vấn đề còn tranh luận, chẳng hạn như phát triển dược phẩm”, ông nói.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu Malaysia và Việt Nam thành công trong việc yêu cầu đàm phán lại một số điều khoản của TPP thì có khả năng hiệp định sẽ mất đi tính chất “tiêu chuẩn cao” hiện hành, vốn có mục đích sâu xa là buộc Trung Quốc thay đổi cung cách làm ăn, mở cửa thị trường và tôn trọng luật chơi công bằng nếu một mai nền kinh tế này muốn làm thành viên chính thức của hiệp định. Còn nếu Malaysia và Việt Nam cũng rút ra để tiến hành đàm phán hiệp định thương mại song phương với Mỹ thì số phận của TPP có thể sẽ bấp bênh hơn nữa.

Ở một góc nhìn khác, số phận của hiệp định TPP phản ánh hai xu thế đối lập nhau trong thương mại thế giới: xu thế mở và đa phương, thể hiện ở nỗ lực phục hồi TPP và ký kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mới như FTA Nhật Bản-EU vừa được công bố bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 ở Hamburg; và xu thế đóng, song phương, thể hiện ở chính sách của chính quyền Donald Trump. Mới tuần trước, Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer đã gửi thư cho Chính phủ Hàn Quốc nêu yêu cầu xem xét lại và đàm phán lại FTA Mỹ-Hàn Quốc đã có hiệu lực thi hành từ năm 2014. Đại diện thương mại Mỹ cũng đồng thời công bố danh sách những điều khoản sẽ được đem ra đàm phán lại với Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta) đã tồn tại 23 năm qua nhằm mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với hai nước láng giềng (năm ngoái thâm hụt của Mỹ với Mexico là 63,2 tỉ đô la còn với Canada là 10,9 tỉ đô la). Đáng chú ý là nhiều điều khoản mà Mỹ muốn sửa đổi trong Nafta lại chính là những điều mà Mỹ đã đạt được trong TPP!

Như vậy, còn quá sớm để tuyên bố TPP đã chết và hãy hy vọng một cuộc hồi sinh sẽ xảy ra vào cuối năm nay. 

Nguồn: Thesaigontimes