Tương lai gập ghềnh của một TPP không có Mỹ

17/07/2017    54

11 nước còn lại trong tổng số 12 nước ban đầu tham gia đàm phán Hiệp định Đối  tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định tiếp tục đàm phán mà không có Mỹ nhưng sự thiếu vắng của nền kinh tế số một thế giới này đã khiến tương lai của hiệp định trở nên gập ghềnh hơn.

Đàm phán thỏa thuận mới về TPP

Hãng tin Kyodo cho biết hôm 14-7, trưởng đoàn đàm phán của 11 nước còn lại trong TPP nhất trí hướng đến mục tiêu đưa hiệp định này có hiệu lực theo một khung thỏa thuận mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP vào hồi đầu năm.

TPP ban đầu được kí bởi 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% GDP nền kinh tế toàn cầu.

“TPP ban đầu được ký với 12 thành viên, vậy nên, để hiệp định có hiệu lực với 11 nước còn lại, chúng tôi cần một thỏa thuận quốc tế mới”, ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật nói với các phóng viên sau khi chủ trì hai cuộc họp kéo dài hai ngày thảo luận về tương lai TPP ở khu nghỉ dưỡng Hakone ở Tokyo.

“Giờ đây, chúng tôi đã có hình dung sơ bộ về cách thỏa thuận mới sẽ được định hình như thế nào”, Umemoto khẳng định.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các đàm phán sắp tới có diễn ra suôn sẻ hay không khi mà 11 nước còn lại vẫn chia rẽ về nhiều vấn đề, chẳng hạn như phải sửa đổi văn bản gốc của hiệp định TPP ban đầu ở mức độ nào.

Umemoto cho biết các trưởng đoàn đàm phán mới chỉ nhất trí không hạ thấp các quy tắc thương mại có tiêu chuẩn cao trong hiệp định TPP ban đầu. Ông nói 11 nước còn lại cần phải quyết định hình thức của thỏa thuận mới là "hiệp định" hay "nghị định thư". Các nước cũng phải thảo luận về việc có nên sửa đổi các quy tắc về thương mại và đầu tư trong hiệp định gốc TPP hay không.

Một nguồn tin chính phủ Nhật cho biết các quan chức cấp sự vụ của 11 nước sẽ khởi động thảo luận nội dung chính của thỏa thuận mới dựa trên các chỉ đạo của các trưởng đoàn đàm phán.

Vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới, các trưởng đoàn đàm phán sẽ gặp nhau tại Úc để thúc đẩy đàm phán về việc ký kết thỏa thuận này trước tháng 11-2017 khi các lãnh đạo của họ dự hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam.

Giữ nguyên hay sửa đổi TPP ban đầu?

Sau cuộc gặp của bộ trưởng thương mại của 11 nước còn lại trong TPP ở Hà Nội vào tháng 5-2017, các nhà đàm phán được giao nhiệm vụ vạch ra các phương án đưa TPP có hiệu lực vào thời gian sớm nhất.

Một vấn đề nan giải cần phải giải quyết là TPP ban đầu có một điều khoản nói rằng hiệp định này chỉ có hiệu lực sau khi được sáu nước chiếm ít nhất 85% GDP của 12 nước tham gia TPP ban đầu phê chuẩn. Hiện tại, mới chỉ có Nhật và New Zealand phê chuẩn TPP. Vì chỉ nước Mỹ đã chiếm 60% tổng GDP của các thành viên ban đầu, vì vậy, TPP không thể có hiệu lực theo các điều khoản hiện tại.

Nhật, nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước còn lại của TPP, hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thay đổi các điều kiện để đưa TPP có hiệu lực mà không cần phải xem xét lại phần lớn nội dung ban đầu của TPP vì thực tế, các nước đã mất nhiều năm đàm phán mới tiến đến lễ ký kết TPP vào tháng 2-2016.

Song một số nước có thể kêu gọi đàm phán lại nhiều nội dung, bao gồm các quy định về thuế quan, thương mại và đầu tư khi Mỹ không còn tham gia TPP.

Việt Nam và Malaysia đã nhất trí nới lỏng một số quy định về đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường trong nước để đổi lấy sự tiếp cận thị trường Mỹ rộng mở hơn nhưng giờ đây hai nước này được cho là cân nhắc lại sự nhất trí này khi thỏa thuận mới thiếu vắng Mỹ.

Nhật cùng với New Zealand và Úc là ba nước hăng hái thúc đẩy các nỗ lực thực hiện sớm TPP dù không có Mỹ. Triển vọng TPP trở nên u ám kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định này hồi tháng 1-2017 vì cho rằng TPP gây tổn thương cho việc làm của người Mỹ. Tổng thống Trump nói ông muốn đàm phán hiệp định song phương với từng nước trong TPP hơn.

Tuyên bố của Trump gây ra một tổn thất lớn cho Nhật, nước vốn xem TPP có ý nghĩa chiến lược quan trọng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

Hy vọng Mỹ quay trở lại

Tờ New York Times dẫn lời Tomohiko Taniguchi, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói: “Dĩ nhiên, Nhật hy vọng giữ lại nội dung chi tiết ban đầu của thỏa thuận TPP”. Dù tỏ ra lạc quan Nhật có thể dẫn dắt các nước còn lại đạt được sự đồng thuận mới về TPP nhưng Taniguchi cũng thừa nhận các cuộc đàm phán sắp tới sẽ rất khó khăn. “Một khi được khởi động, các cuộc đàm phán có thể đi theo nhiều hướng khác nhau”, ông nói.

Chẳng hạn, thỏa thuận ban đầu đòi hỏi các nước thành viên đang phát triển phải cải thiện sự minh bạch của các công ty nhà nước, cho phép các hãng dược phẩm của các nền kinh tế lớn mở rộng bảo vệ bản quyền đối với nhiều loại dược phẩm mà các nước nhỏ hơn muốn sản xuất. Một số nước thành viên đang phát triển có thể cho rằng các đòi hỏi như vậy là quá lớn khi mà họ không còn cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ.

“Vấn đề là Mỹ chiếm đến gần 2/3 GDP của các nền kinh tế trong TPP và nếu Mỹ rút lui, liệu thỏa thuận này còn ý nghĩa nữa không?”, Jeffrey Wilson, một học giả ở Đại học Tây Úc, nói.

Nhật muốn giữ lại hầu hết nội dung của TPP ban đầu với hy vọng rằng Mỹ có thể thay đổi quyết định và tái gia nhập TPP. “Chúng ta nên hoan nghênh Mỹ nếu Mỹ quyết định quay trở lại TPP vào lúc nào đó trong tương lai”,  Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật tại Mỹ, nói.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhìn nhận các hy vọng như vậy là quá ngây thơ.

“Chừng nào Donald Trump còn làm tổng thống Mỹ, tôi không cho rằng ông ấy thay đổi quyết định về TPP”, Takuji Okubo, nhà kinh tế trưởng từ công ty tư vấn Japan Macro Advisors ở Tokyo, nhận định.

Các nhà quan sát khác cho rằng Trump có thể thay đổi quyết định một khi ông thấy rằng việc đàm phán hiệp định thương mại song phương với từng nước trong TPP khó khăn hơn ông nghĩ. Trong trường hợp như vậy, các nhà quan sát nói rằng 11 nước còn lại không nên sửa đổi TPP.

“Nếu họ tìm cách tái đàm phán các quy định hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn, điều này sẽ khiến Mỹ khó tái gia nhập TPP trong tương lai”, Bruce Andrews, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và hiện nay là giám đốc ở công ty tư vấn Rock Creek Global Advisors (Mỹ), nói.

Theo Andrews, một lý do nữa để 11 nước còn lại giữ nguyên các quy tắc thương mại nghiêm ngặt trong TPP ban đầu là nhằm thúc ép buộc Trung Quốc cải cách.

“Nếu TPP có hiệu lực, cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ muốn gia nhập để được hưởng lợi. Để gia nhập, Trung Quốc phải tiến hành một số cải cách kinh tế quan trọng và mở cửa thị trường trong nước”, Andrews nói.

Nhật muốn thỏa thuận mới về TPP giữa 11 nước còn lại sẽ được ký kết vào tháng 11 trước thềm hội nghị cấp cao APEC được tổ chức ở Việt Nam. Song hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng thỏa thuận mới khó hoàn tất trước thời hạn đó. Tuy vậy, theo giáo sư Shumpei Takemori ở Đại học Keio (Nhật), việc tái đàm phán TPP cho phép Nhật và các đồng minh khác chứng tỏ với Mỹ rằng: “chúng tôi có sự lựa chọn khác” dù Mỹ rút khỏi TPP.

Nguồn: Thesaigontimes