Tạo thuận lợi thương mại trong lúc chờ TPP

20/01/2017    60

Hiệp định TPP được dự báo trong tương lai cũng sẽ được Hoa Kỳ thông qua, tuy có thể chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Nhưng, thay vì chăm chăm chờ đợi TPP có hiệu lực, Việt Nam nên thay đổi chiến lược, nhất là tập trung vào việc tạo thuận lợi thương mại, phát triển ngành logistics và vận chuyển.

Đây là khuyến nghị mới nhất từ phía ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Tp.HCM trong buổi nhóm họp với giới doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM vào cuối tuần qua.

Ông Herb Cochran cho biết, nhiều thượng nghị sĩ và lãnh đạo đảng tại Hoa Kỳ đều lên tiếng ủng hộ TPP và tất cả cho rằng TPP rồi cũng sẽ được thông qua, tuy rằng sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Nó giống như trường hợp hiệp định thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trước đây, cũng đã bị chậm hơn 5 năm so với dự kiến.

Logistics là cốt lõi

Nói về bất cập trong vấn đề logistics, vận chuyển của Việt Nam, vị lãnh đạo AmCham tiếp tục đưa ra trường hợp điển hình như thời gian vận chuyển hàng từ cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) đi đến bờ Tây của Hoa Kỳ trước đây phải mất 15 – 16 ngày, cộng với 21 ngày để hoàn thành các thủ tục hải quan.

Như vậy, tổng thời gian chuyển hàng từ Việt Nam đến Hoa Kỳ là quá lâu. Vì vậy, phía AmCham đang nỗ lực hợp tác để khâu thủ tục hải quan ở Việt Nam phải ít hơn 48 giờ trong năm 2018.

Ngoài vấn đề logistics, kế hoạch của Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VFTA) trong năm 2017 được cho là sẽ đẩy mạnh việc xây dựng năng lực, đào tạo lĩnh vực hải quan, Hiệp định SPS (Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật trong WTO), TBT (Hiệp định về Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại của WTO), GVC (chuỗi giá trị toàn cầu).

VTFA cũng đang phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức đối thoại công, tập trung rà soát các quy định pháp luật chuyên ngành hiện đang chi phối khoảng 72% thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan.

Ông Nestor Sherbey, cố vấn cao cấp của VFTA, lưu ý, khi tham gia các FTA khác hoặc TPP, Việt Nam có rất nhiều cơ hội khi tiếp cận tự do ở thị trường rộng lớn chiếm đến 62% nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, dù với 90% dòng thuế quan được giảm, lợi ích của nó cũng không thể so sánh bằng việc triển khai đầy đủ những cam kết về thuận lợi hoá thương mại – được dự báo sẽ mang lợi ích lớn cho hàng triệu người lao động Việt Nam trong thập kỷ tới. GVC yêu cầu hiệu suất cao, vì vậy việc thuận lợi hoá thương mại là điều cực kỳ quan trọng.

Còn theo ông Norman Schenk, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách hải quan toàn cầu và Đối ngoại của UPS, với Việt Nam, càng nhiều thuận lợi thương mại thì sẽ càng tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Điều đó rất quan trọng với DN Việt Nam khi chất lượng sản phẩm xuất khẩu đã được đánh giá rất tốt. Vấn đề là ngành hải quan và các dịch vụ hải quan cần có tính ổn định và tin cậy nhiều hơn.

Phá “điểm nghẽn”?

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Phòng Giám sát quản lý thuộc Cục Hải quan Tp.HCM, cho biết gánh nặng đối với DN hiện nay là TTHC đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (hơn 35% hàng hoá nhập khẩu hiện nay là phải kiểm tra chuyên ngành).

Theo ông Thiện, trong các chi phí tuân thủ TTHC mà DN phải bỏ ra, người ta có thể thu lại bằng biên lai, nhưng DN phản ánh rằng chi phí thực sự phải trả thường lớn hơn chi phí có biên lai rất nhiều.

Mục tiêu giảm bớt các TTHC, tạo thuận lợi thương mại cho DN được cho là rất tham vọng khi dự kiến triển khai theo cơ chế hải quan một cửa 80% thủ tục trong số 280 thủ tục TTHC từ nay tới 2018 và tiến tới kết nối hết từ năm 2020.

Một thống kê cho thấy trên 70% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải dành trên 5% thời gian để tìm hiểu và thực hiện các TTHC. Ngoài TTHC phiền hà, giới chuyên gia cho rằng điểm yếu của môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nằm ở chỗ quy định thuế còn phức tạp, nguồn cung năng lượng thiếu hụt, thiếu các nhà cung cấp địa phương.

Riêng với lĩnh vực logistics và vận chuyển, như khuyến nghị của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), thương mại của Việt Nam cần được điều phối đầu tư tốt vào hai lĩnh vực là phần cứng và phần mềm. Phần cứng là cơ sở hạ tầng và logistics liên quan. Còn phần mềm là tạo thuận lợi thương mại, chính sách vận tải và logistics, điều phối liên ngành và quy hoạch chiến lược đối với cải cách và đầu tư trong tương lai.

Được biết mục tiêu đề ra đến năm 2020, chi phí logistics của Việt Nam giảm xuống tương đương 18% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI đạt thứ 55 trên thế giới, tốc độ tăng trưởng dịch vụ sẽ đạt 15 – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 40%.

So sánh giữa mục tiêu với thực tế hoạt động của dịch vụ logistics ở Việt Nam sẽ thấy rõ sự đắt đỏ trong chi phí logistics đang là “điểm nghẽn” lớn hiện nay. Tổng chi phí logistics tại Việt Nam, bao gồm chi phí vận chuyển, lưu kho, kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác, hàng năm lên đến 37 – 40 tỷ USD.

Giới chuyên gia khuyến cáo rằng vốn đầu tư cho lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn, trong khi yêu cầu chiến lược đặt ra trong ít nhất 5 năm tới cho logistics là cần phải có số vốn hàng tỷ USD.

Trong khi đó, việc phát triển kinh tế ở Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ngành logistics, vận chuyển và việc phát triển toàn diện lĩnh vực này sẽ đóng vai trò then chốt cho phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong tăng trưởng xuất khẩu.

Trong bối cảnh TPP đang chậm lại, Việt Nam không lý do gì để không tận dụng quãng thời gian chờ đợi để tập trung làm mạnh lĩnh vực trọng yếu này.

Nguồn: Thoibaokinhdoanh