Cập nhật tình hình đàm phán TPP về Lao động đến tháng 5/2015

12/06/2015    46

Chương lao động là một Chương hoàn toàn mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều đối tác trong đàm phán TPP bởi vấn đề lao động là vấn đề phi thương mại, hầu như chưa từng xuất hiện trong các đàm phán thương mại trước đây (bao gồm cả WTO và các FTA thế hệ trước).

Theo thông tin từ các nguồn thì đàm phán về lao động trong TPP chủ yếu tập trung xung quanh các cam kết liên quan tới các quyền lao động cơ bản. Đây không phải là những nội dung mới (bởi hầu hết đã có trong các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO) nhưng lại đặt ra những thách thức lớn cho hầu hết các nước tham gia đàm phán TPP (bởi nhiều nước trong số này chưa gia nhập/chưa phải thành viên của tất cả các Công ước liên quan của ILO).

Đối với Việt Nam, một số nội dung đàm phán về lao động trong TPP được cho là khá khó khăn để chấp nhận:

-         Các nguyên tắc về điều kiện lao động: Là một nền kinh tế đang phát triển ở mức độ thấp, việc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì các điều kiện lao động ở cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong TPP là điều không dễ dàng và có thể là tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp;

-         Về quyền tự do nghiệp đoàn: Quyền tự do nghiệp đoàn (freedom of association) thực chất là quyền tự do công đoàn. Trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì một hệ thống công đoàn thống nhất và duy nhất (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), yêu cầu về quyền tự do nghiệp đoàn nếu được hiểu theo nghĩa rộng (đa công đoàn) sẽ làm thay đổi hệ thống hiện tại của Việt Nam;

-         Về thực thi: Theo cách tiếp cận chung trong TPP, việc chấp nhận các cam kết về lao động không chỉ đơn thuần bao gồm việc điều chỉnh pháp luật nội địa cho phù hợp mà còn phải đảm bảo việc thực thi nghiêm túc trong thực tế với các biện pháp trừng phạt khi không đảm bảo thực thi. Trong khi đó, ở Việt Nam luôn có một khoảng cách nhất định giữa pháp luật và thực tiễn, đặc biệt trong vấn đề lao động.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định trong đàm phán về vấn đề này:

-         Việt Nam là thành viên ILO và đã tham gia nhiều Công ước quan trọng của tổ chức này, trong đó có những Công ước hàm chứa các nguyên tắc trong Chương lao động đang đàm phán trong TPP (bao gồm Công ước số 100 về công bằng trong tiền công/tiền lương; Công ước số 111 về Phân biệt đối xử về lao động và việc làm; Công ước 182 về các Hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em; Công ước 138 về tuổi lao động tối thiểu; Công ước 29 về Lao động cưỡng bức; Công ước 144 về Cơ chế tham vấn ba bên). Do đó, một phần trong số những cam kết về lao động trong TPP cũng đồng thời là nghĩa vụ của Việt Nam trong ILO;

-         Việt Nam vừa qua đã tiến hành những sửa đổi tổng thể pháp luật gốc về lao động, trong đó đáng kể là hai văn bản Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Những thảo luận, trao đổi theo xu hướng mới, kết hợp những yếu tố tiến bộ trong pháp luật và chính sách về lao động, thậm chí cả các định hướng trong các đàm phán FTA liên quan tới lao động như TPP được suy đoán là đã đưa vào các văn bản này;

-         Đối với một số vấn đề lao động (đặc biệt là các tiêu chuẩn trong sản xuất, sử dụng lao động trẻ em/cưỡng bức, điều kiện lao động), trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất hàng xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực gia công (dệt may, giầy dép…), từ lâu đã phải đáp ứng các điều kiện lao động này. Nói cách khác, nếu đây là những điều kiện mới trong TPP thì doanh nghiệp Việt Nam được suy đoán là vẫn có thể tuân thủ được;

-         Về một số vấn đề nhạy cảm trong đàm phán về lao động, ví dụ như quyền nghiệp đoàn, không phải chỉ có một cách hiểu duy nhất và thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ, hiện đang chưa ngã ngũ được nội hàm của “quyền tự do nghiệp đoàn” là gì – đó có thể là “quyền tham gia hoặc không tham gia công đoàn” mà không nhất thiết phải là “quyền thành lập công đoàn mới”; hoặc đó có thể là “khả năng thành lập công đoàn” chứ không phải “phải duy trì đa công đoàn”.

Cho đến nay Lao động vẫn được xem là một Chương đàm phán khó khăn và chưa đạt được đồng thuận trong TPP. 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI