Các chuyên gia y tế New Zealand lo ngại TPP sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân

04/09/2014    51

Ngày 12/5 vừa qua, 5 tổ chức  đại diện cho hơn 300 chuyên gia y tế của New Zealand đã gửi Tuyên bố chung cảnh báo Thủ tướng New Zealand John Key về những nguy cơ của cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước-nhà đầu tư (ISDS) đang được đàm phán trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các tổ chức này, cơ chế ISDS có thể ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của Chính phủ New Zealand trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Cụ thể, nó có thể ảnh hưởng tới quyền ban hành các quy định quản lý thuốc lá, rượu, nhiên liệu và dược phẩm.

Quan ngại của các tổ chức này xuất phát từ bản dự thảo chương Đầu tư TPP bị tiết lộ hồi tháng 6/2012, và các chương tương tự  trong các FTA đã ký của Hoa Kỳ mà bao gồm các quy định về ISDS. Theo các tổ chức này, New Zealand đã từng cam kết về nghĩa vụ ISDS trong một số FTA khác nhưng TPP có số lượng thành viên lớn và phạm vi quy định rộng hơn rất nhiều. Đó là lý do vì sao ngay từ đầu Australia đã tuyên bố rõ ràng không chấp nhận cơ chế này và cho đến nay vẫn chưa thay đổi quan điểm.

Do đó, Tuyên bố chung đã đưa ra những lập luận và minh họa rõ ràng về các nguy cơ của cơ chế này.

Về các sản phẩm có hại cho sức khỏe, Tuyên bố chung cho rằng cơ chế ISDS sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quy định pháp lý kiểm soát việc buôn bán và quảng bá rượu và thuốc lá của Chính phủ New Zealand. Một ví dụ điển hình đó là việc Chính phủ Australia đã từng bị hãng sản xuất thuốc lá Philip Morris kiện về các quy định liên quan đến bao nhãn thuốc lá.

Đối với nhiên liệu, ISDS có thể hạn chế khả năng Chính phủ New Zealand tăng cường quản lý đối với các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch của các công tư nước ngoài mà có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Chẳng hạn theo một báo cáo của Ủy viên nghị viện về Môi trường của New Zealand thì việc khai thác khí gas (hydraulic fracturing) chỉ có thể an toàn nếu được đưa vào quy định trong luật, chứ không thể bằng hình thức khuyến khích thực tiễn tốt như hiện nay. Nhưng việc đưa vào luật các quy định như thế này rất có thể dẫn tới các vụ kiện theo cơ chế ISDS của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuyên bố lấy dẫn chứng ngày càng có nhiều vụ các công ty nhiên liệu nước ngoài kiện các chính phủ nước nhận đầu tư theo cơ chế giải quyết tranh chấp ISDS quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Còn đối với dược phẩm, ISDS đe dọa hạn chế Chính phủ New Zealand trong việc kiểm soát các hoạt động mua bán và quảng bá thuốc của các công ty đa quốc gia. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các loại thuốc kháng sinh nếu được quảng cáo trực tiếp và bán tự do cho khách hàng sử dụng không đúng cách có thể gây tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng và đã được cảnh báo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngoài ra, các công ty dược cũng có thể sử dụng cơ chế ISDS để đòi bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi các quy định/luật mới của chính phủ. Chẳng hạn như vụ kiện mới đây của công ty Eli Lilly đòi chính phủ Canada bồi thường 500 triệu Đô la Mỹ cho một phán quyết về sáng chế của Tòa Liên bang Canada.

Do đó, Tuyên bố chung của 5 tổ chức đã yêu cầu Chính phủ New Zealand phải có lập trường kiên định về vấn đề này để đảm bảo sức khỏe của người dân. Đồng thời, các tổ chức này cũng kêu gọi Chính phủ công bố nội dung đàm phán và lấy ý kiến cộng đồng trước khi đưa ra bất kỳ một “nhượng bộ không thể thay đổi” nào. Ngoài ra, theo họ cần phải có một nghiên cứu đánh giá độc lập về tác động của TPP không chỉ đến thương mại mà còn cả đến sức khỏe của người dân New Zealand.

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI