Hoa Kỳ, EU bất đồng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong TTIP

04/09/2014    58

Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Hoa Kỳ và EU là vấn đề Chỉ dẫn địa lý (GI) bởi hai nước này có cơ chế và quan điểm bảo hộ chỉ dẫn địa lý tương đối khác nhau.

Trong một phiên điều trần trước tiểu ban thương mại của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hoa Kỳ, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Punke đã cho biết vấn đề Chỉ dẫn địa lý hiện đang là một vấn đề “khó khăn lớn” giữa Hoa Kỳ và EU bởi quan điểm “rất khác biệt” giữa hai bên.

Ông Punke nhấn mạnh rằng “Hoa Kỳ sẽ không bê hệ thống chỉ dẫn địa lý của EU về Hoa Kỳ” thông qua TTIP, đồng thời sẽ tiếp tục “thúc ép mạnh mẽ EU mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản của Hoa Kỳ đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở EU

Trước đó, trong một cuộc trả lời báo giới sau cuộc gặp với các Bộ trưởng Nông nghiệp của các nước EU tại Luxembourg ngày 16/06/2014, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ, ông Tom Vilsack, cũng cho biết EU đang yêu cầu Hoa Kỳ chấp nhận bảo hộ GI cho một số nhãn hiệu sản phẩm mà Hoa Kỳ cho là tên gọi thông thường như “phomat feta”, và điều này không phù hợp với hệ thống bảo hộ nhãn hiệu của Hoa Kỳ. Ông Vilsack khẳng định Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các yêu cầu này của phía EU, nhưng sẽ vẫn sẵn lòng tìm một giải pháp thông qua đối thoại song phương để bảo vệ cho các nhãn hiệu tên tuổi đó.

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất cho các sản phẩm GI của EU, chiếm đến 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thực phẩm và đồ uống của Hoa Kỳ từ EU. Tuy nhiên, các sản phẩm GI của EU chỉ tập trung ở một số ít mặt hàng là: rượu sâm-panh và cô-nhắc của Pháp, rượu wít-ky từ Scotland của Anh, và phô-mai Grana Padano và Parmigiano Reggiano của Italia.

Điểm khác biệt giữa hệ thống bảo hộ GI của Hoa Kỳ và EU

Hoa Kỳ cũng ghi nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng phương pháp tiếp cận khác với của EU. Hoa Kỳ bảo hộ GI thông qua cơ chế nhãn hiệu, theo đó GI có thể được bảo hộ như là nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận mà nguyên tắc cơ bản là “ai đăng ký trước thì được trước”. Trong khi đó GI của EU lại đi theo hướng riêng, coi GI là một hình thức bảo hộ đặc thù, gắn với các đặc điểm địa lý và cộng đồng cụ thể, không phải nhãn hiệu của riêng ai và tất nhiên không phải “ai đăng ký trước thì được trước”.

Sự khác biệt này thì đã tồn tại từ lâu. Trong đàm phán TTIP, mâu thuẫn chính giữa Hoa Kỳ và EU nằm ở chỗ khác: các tên gọi thông dụng (generic). Hoa Kỳ thì cho rằng EU bảo hộ GI cho nhiều tên gọi sản phẩm thông thường, được sử dụng rộng rãi và người tiêu dùng đã coi đó là tên gọi đại diện cho một nhóm tất cả các hàng hóa và dịch vụ cùng loại. Còn EU thì cho rằng các tên gọi liên quan xuất phát từ một khu vực địa lý cụ thể của EU và phải được xem là GI chứ không phải tên gọi thông dụng của sản phẩm. Câu chuyện này có nguồn gốc từ một thời rất xa xưa trong quá khứ, khi những người di cư từ châu Âu sang Hoa Kỳ đã đem theo những cái tên sản phẩm từ châu Âu và sử dụng để quảng bá cho những sản phẩm của riêng họ trên đất Hoa Kỳ. Vì vậy, nhiều tên gọi sản phẩm được đăng ký GI ở châu Âu nhưng ở Hoa Kỳ nó chỉ là các danh từ chung chỉ một loại sản phẩm nào đó.

Mục tiêu bảo hộ GI của EU trong các FTA

Các quy định bảo hộ GI trong pháp luật của EU cao hơn so với WTO. Trong vòng đàm phán Doha, EU cũng đã đặt vấn đề bảo hộ cao hơn đối với rượu nhưng đã bị các thành viên WTO, trong đó có Hoa Kỳ, phản đối mạnh mẽ.

Không đạt được mục tiêu từ vòng đàm phán đa phương, EU xem các FTA song phương là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu nâng cao bảo hộ GI cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm của mình. Điều này thể hiện rất rõ trong các FTA mà EU đã ký, đặc biệt là các FTA gần đây với Hàn Quốc (đã ký), và Canada (đã hoàn thành đàm phán, chưa thông qua).

Trong đàm phán FTA giữa EU và Canada, GI là một trong những vấn đề nhiều tranh cãi nhất. Cuối cùng, Canada cũng phải đồng ý với EU hạn chế sử dụng tên 5 loại sản phẩm pho mát mà vốn được cho là tên phổ biến ở Bắc Mỹ là asiago, gorgonzola, feta, fontina, munster. Mặc dù FTA này vẫn chưa được hai bên thông qua, nhưng Hoa Kỳ thậm chí đã phản ứng mạnh đối với những cam kết về GI trong FTA này, cho rằng chúng “không thể chấp nhận được” trong trường hợp của Hoa Kỳ như theo lời của ông Tom Vilsack.

Ông Vilsack cũng cảnh bảo nếu không đạt được những điều khoản về nông nghiệp “có ý nghĩa”cho các nhà sản xuất của nước này thì TTIP dù có đàm phán xong cũng khó có thể được thông qua bởi quốc hội nước này.

Còn phía EU cũng lập luận rằng họ phải có được sự đồng thuận của cả 28 nước thành viên nếu muốn thông qua TTIP, và do đó không thể không đạt được những cam kết bảo hộ GI đối với một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng của một số thành viên mong muốn.

Và nếu hai bên vẫn tiếp tục cương quyết với những mục tiêu đó của mình, thì chắc chắn rằng vấn đề GI sẽ tiếp tục là một nút thắt cản trở tiến trình đàm phán TTIP – một trong những đàm phán thương mại lớn nhất hành tinh hiện nay.

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI