Cập nhật tình hình đàm phán TPP đến tháng 7/2014

04/09/2014    57

Từ sau phiên đàm phán chính thức thứ 19 diễn ra tại Brunei tháng 8/2013, các nước TPP không tổ chức thêm một phiên đàm phán chính thức nào nữa nhưng lại tiến hành rất nhiều cuộc họp cấp bộ trưởng, trưởng đoàn đàm phán và các nhóm đàm phán về từng lĩnh vực cụ thể, dưới cả hình thức đa phương lẫn song phương, để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Các cuộc gặp gần đây nhất có thể kể đến là cuộc họp giữa các trưởng đoàn đàm phán tại Việt Nam từ ngày 12-15/5 làm tiền đề cho cuộc họp cấp bộ trưởng TPP tại Singapore từ ngày 19-20/5, và sau đó là một vòng đàm phán không chính thức tại Ottawa-Canada từ ngày 3-12/7.

Để thúc cho đàm phán đạt tiến triển, Hoa Kỳ còn lên kế hoạch cho các cuộc họp cấp kỹ thuật vào tháng 8, tiếp theo là một cuộc họp cấp trưởng đoàn vào tháng 9, và sau đó là cuộc gặp cấp bộ trưởng vào tháng 10.

Mặc dù lịch trình đàm phán dày đặc và ở đủ các cấp cao thấp, tình hình đàm phán TPP trong thời gian qua nói chung vẫn không có đột phá lớn, vẫn là các vấn đề nhiều tranh cãi nhất được bàn đi bàn lại mà vẫn tắc ở những điểm khó khăn nhất.

Bài viết dưới đây sẽ điểm lại một số diễn tiến nổi bật trong đàm phán TPP thời gian vừa qua. 

CÁC NƯỚC TPP CÓ THỂ SẼ KHÔNG XÓA BỎ TOÀN BỘ THUẾ QUAN

Khi bắt đầu đàm phán, các nước TPP cam kếthướng tới xóa bỏ 100% các dòng thuế nhập khẩu nhằm đạt được một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao. Tuy nhiên, trải qua cả chục vòng đàm phán, thực tế cho thấy muc tiêu này rất khó đạt khi mà mỗi nước dường như vẫn muốn giữ lại một số dòng thuế cho riêng mình. Và nguy cơ này càng thể hiện rõ hơn sau khi TPP có sự tham gia của Nhật Bản – nước kiên quyết không xóa bỏ thuế quan đối với 5 mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm nhất.

Trong một sự kiệnngày 19/5/2014, Bộ Trưởng Thương mại New Zealand, ông Tim Groser đã ra tín hiệu rằng chính phủ nước này có thể để mở khả năng một hiệp định TPP cuối cùng không xóa bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp mà vẫn giữ lại một số dòng thuế, miễn sao vẫn đàm bảo một kết quả tổng thể cuối cùng “có chất lượng cao”.

Còn trên trang web Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mới đây cũng đăng Bản tóm tắt về các mục tiêu của Hoa Kỳ trong TPP, trong đó không kêu gọi xóa bỏ toàn bộ thuế quan như trước kia mà chỉ mong muốn đạt được “xóa bỏ thuế quan và mở cửa thị trường đáng kể cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ”.

Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản hồi cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thể hiện một thông điệp cá nhân rằng Hoa Kỳ đã từ bỏ yêu cầu Nhật Bản phải xóa bỏ toàn bộ thuế quan cho thịt bò và thịt lợn nhập khẩu trong TPP.

NHẬT BẢN CÓ THỂ CHỈ DÀNH NHƯỢNG BỘ CHO RIÊNG HOA KỲ

Từ khi chính thức tham gia TPP vào tháng 7/2013, Nhật Bản chủ yếu tập trung đàm phán tiếp cận thị trường hàng hóa với Hoa Kỳ, nhưng cho đến giờ vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển. Mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh việc Nhật Bản không muốn mở cửa thị trường 5 sản phẩm nông sản nhạy cảm là thịt, sữa, đường, gạo và lúy mỳ cho Hoa Kỳ, và vì thế, Hoa Kỳ cũng từ chối xóa bỏ thuế quan cho ô tô của nước này.

Bế tắc trong đàm phán song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng làm chậm lại tiến trình đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa nói chung. Dường như các nước còn lại đều đang chờ đợi kết quả từ cuộc đàm phán song phương giữa hai nước này để đưa ra bản chào cuối cùng của mình. Bởi một mặt, nếu Nhật Bản chỉ dành quyền ưu tiên cho Hoa Kỳ mà không cho các nước khác, thì các nước này cũng chẳng phải rộng rãi gì với Nhật Bản. Mặt khác, nếu Nhật Bản có quyền giữ lại một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm, thì các nước khác cũng sẽ đòi hỏi điều tương tự.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 30/5/2014, Phó trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Hiroshi Oe đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ không nhất thiết phải dành những nhượng bộ của họ cho các nước khác giống như cho Hoa Kỳ trong việc mở cửa thị trường hàng nông sản của nước này. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một số thành viên TPP khác như Australia và New Zealand bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản sẽ dành những ưu đãi về tiếp cận thị trường cho các nước này tương như Hoa Kỳ.

Đó là, bên lề Hôi nghị Bộ trưởng TPP vừa diễn ra tại Singapore tháng trước, Bộ Trưởng Thương mại Australia Andrew Robb đã tự tin tuyên bố rằng họ có “thỏa thuận với Nhật Bản” để buộc nước này phải dành những ưu đãi cho họ tương tự như Hoa Kỳ.

Còn Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser thì nhấn mạnh: bất kỳ cam kết nào của Nhật bản với Hoa Kỳ phải được thiết kế sao cho các nước TPP khác cũng phải được lợi tương tự.

Theo một phái viên thương mại nông sản đặt biệt của New Zealand thì vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa củaNhật Bản sẽ là một điểm “mấu chốt” cho toàn bộ đàm phán TPP.

ĐÀM PHÁN VỀ DỆT MAY ĐẠT TIẾN TRIỂN

Liên quan tới quy tắc xuất xứ trong dệt may, đàm phán thời gian qua được cho là có tiến triển liên quan tới danh mục nguồn cung thiếu hụt – hình thức ngoại lệ của nguyên tắc “từ sợi trở đi”.

Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng TPP tại Singapore ngày 20/5/2014, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã nói rằng Mexico, Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về dệt may trong TPP. Mặc dù không giải thích rõ ràng, nhưng những bình luận của ông Guarjardo cho thấy Mexico đang tiến gần hơn với Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc lựa chọn sản phẩm nào sẽ được đưa và danh sách “nguồn cung thiếu hụt” thường xuyên hay tạm thời.

Danh mục thường xuyên - permanent: bao gồm các nguyên liệu dệt may hiện không được sản xuất trong TPP và cũng không hy vọng được sản xuất trong tương lai. Do đó, các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ luôn được áp dụng quy tắc “cắt và may”

Danh mục tạm thời – temporary: bao gồm các nguyên liệu hiện không được sản xuất trong TPP nhưng có thể sẽ được sản xuất trong tương lai, và vì thế các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ chỉ được áp dụng quy tắc “cắt và may” trong một khoảng thời gian (khoảng 3 năm).

Theo các nguồn tin, Hoa Kỳ và Việt Nam mong muốn đưa nhiều nguyên liệu vào danh mục nguồn cung thường xuyên nhưng Mexico chỉ muốn đưa các nguyên liệu này vào danh mục nguồn cung tạm thời với hy vọng rằng ngành dệt may của nước này sẽ sản xuất được các nguyên liệu đó trong tương lai.

Cũng trong ngày 20/5, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman đã phát biểu rằng đàm phán về dệt may đang đạt tiến triển. “Tôi cho rằng dệt may là vấn đề mà chúng tôi vừa đạt được tiến bộ đáng kể dựa trên quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” và “danh mục nguồn cung thiếu hụt”. Hiện tại chúng tôi đang cùng làm việc để giải quyết các vấn đề chi tiết còn lại”

Tuy nhiên, dù Hoa Kỳ, Mexico và Việt Nam đạt được thỏa thuận về danh mục nguồn cung thiếu hụt, một số nguồn tin vẫn đặt câu hỏi liệu Việt Nam có chấp nhận một hiệp định mà tất cả các sản phẩm dệt may đều phải tuân theo quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” với chỉ một ngoại lệ là danh mục “nguồn cung thiếu hụt”.Theo một nguồn tin, Việt Nam cũng vừa yêu cầu đưa vào một danh sách các sản phẩm mà được áp dụng quy tắc xuất xứ “cắt và may” ngoài “danh mục nguồn cung thiếu hụt”, nhưng Hoa Kỳ đã từ chối yêu cầu này.

Liên quan tới phạm vi mở cửa thị trường đối với dệt may, tin tức cho biết song song với đàm phán về quy tắc xuất xứ, Hoa Kỳ cũng đang tiến hành đàm phán với Việt Nam về mở cửa thị trường cho mặt hàng này.

Các nguồn thạo tin cho biết thay vì quan điểm loại bỏ thuế 100% hàng dệt may và chỉ thắt lại ở quy tắc xuất xứ, tháng 3 vừa rồi Hoa Kỳ đã đưa ra bản chào thuế quan mới đối với hàng dệt may của Việt Nam với các lộ trình mở cửa khác nhau, trong đó bảo hộ hầu hết các sản phẩm nhạy cảm  - cũng là các sản phẩm mà Việt Nam quan tâm nhất vì xuất khẩu nhiều nhất.

Cụ thể, trong bản chào mới này của Hoa Kỳ, các sản phẩm dệt may được chia vào 3 giỏ hàng:

Giỏ 1 – bao gồm những mặt hàng nhạy cảm nhất: Giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực từ 35-50% so với mức thuế hiện hành, sau đó giữ nguyên cho đến 10 năm sau đối với các sản phẩm đan và 15 năm sau đối với các sản phẩm dệt rồi mới xóa bỏ hoàn toàn thuế quan

Giỏ 2 – bao gồm những mặt hàng nhạy cảm vừa: Cắt giảm thuế trong 5 năm, mỗi năm 20% so với mức hiện hành cho đến khi xuống 0%

Giỏ 3 – bao gồm những mặt hàng còn lại: Xóa bỏ thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực

Nếu Hoa Kỳ đưa quá nhiều sản phẩm vào Giỏ 1 thì dù có đạt được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các sản phẩm dệt may có liên quan của Việt Nam cũng không được hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan.

Và theo một số nguồn tin nhận định, thì những đề xuất mới này của Hoa Kỳ trong lĩnh vực dệt may sẽ khiến nước này khó có thể nhận được sự đồng ý Việt Nam trong các lĩnh vực khác (đặc biệt là về sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước bởi Việt Nam đã thể hiện rõ ràng mối liên hệ giữa việc này với việc có đạt được tiếp cận thị trường tốt hơn cho các sản phẩm dệt may hay không.

ĐÀM PHÁN VỀ QUY TỨC XUẤT XỨ NGÀY CÀNG PHỨC TẠP

Theo một nguồn tin, cho đến tháng 4/2014, các nước TPP đã thống nhất được về quy tắc xuất xứ chi tiết cho khoảng 62%hàng hóa ở cấp độ 6 số theo phân loại HS. Những sản phẩm còn lại là những sản phẩm có mức độ nhạy cảm cao và phức tạp như dệt may và thép.

Các nước cũng đã thống nhất được về việc áp dụng quy tắc cộng gộp cho tất cả các hàng hóa, kể cả các hàng hóa nhạy cảm nhất. Theo quy tắc này một nước TPP có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ các nước TPP khác trong sản phẩm cuối cùng mà vẫn được coi là đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, bao gồm cả trường hợp một sản phẩm từ một nước TPP được gia công hoặc chế biến thêm ở một nước thứ hai, thứ ba… trong TPP. 

Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đang đàm phán tiếp cận thị trường hàng hóa trên cơ sở song phương và đưa ra bản chào hàng hóa khác nhau đối với các đối tác khác nhau. Điều đó có nghĩa là nếu hiệp định được ký kết và có hiệu lực thì nước này sẽ áp dụng các mức thuế khác nhau cho cùng một loại hàng hóa tùy thuộc vào nước xuất xứ của hàng hóa đó trong TPP. Việc này sẽ khiến cho việc áp dụng quy tắc cộng gộp trở nên khó khăn.

Chẳng hạn, nếu Hoa Kỳ áp thuế đối với sữa của New Zealand cao hơn so với Malaysia thì một sản phẩm sữa nguyên liệu từ New Zealand nhưng chế biến chủ yếu ở Malaysia thì có thể được coi là xuất xứ Malaysia và nhập khẩu vào Hoa Kỳ với thuế suất áp dụng cho sữa của Malaysia và vì vậy thấp hơn thuế áp cho sữa nếu xuất từ New Zealand.

Tuy nhiên theo một nguồn tin thì cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề cộng gộp này vẫn chưa được giải quyết dù trước đó đã có tới 4 đề xuất khác nhau của các nước về vấn đề này được đưa ra.

Một vấn đề nổi bật nữa là quy định về tỉ lệ tối thiểu của nguyên liệu không có xuất xứ nội khốiđược sử dụng trong hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Theo một số nguồn tin, các nước TPP đều đồng ý cho phép sử dụng tỉ lệ này, nhưng Hoa Kỳ thì không muốn áp dụng cho một số loại hàng hóa nhạy cảm. Một nguồn tin cho biết Chile đang đề xuất tỉ lệ này là 10%, nhưng không rõ phản ứng của các nước khác như thế nào.

Một bước tiến mới trong đàm phán về quy tắc xuất xứ đó là các nước dường như đã giải quyết xong vấn đề liệu có nên cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, hay là yêu cầu các doanh nghiệp phải xin chứng nhận xuất xứ từ một cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu. Theo một nguồn tin từ trang web của Bộ Ngoại giao Chile thì các nước TPP hiện đã thống nhất là sẽ áp dụng cả hai, tức là phương pháp doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ sẽ là phương pháp chính áp dụng phổ biến, nhưng việc xin giấy chứng nhận xuất xứ từ cơ quan có thẩm quyền sẽ vẫn được sử dụng trong một số trường hợp ngoại lệ và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi TPP có hiệu lực.

ĐÀM PHÁN VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SẼ LOẠI TRỪ LĨNH VỰC DỊCH VỤ

Tại hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Singapore diễn ra từ ngày 22-25/2/2014, các nước đã thống nhất thu hẹp phạm vi áp dụng các quy tắc đối với doanh nghiệp nhà nước(DNNN) chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà không áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ. Nói cách khác, Chính phủ các nước TPP sẽ không bị hạn chế trong việc hỗ trợ cho các DNNN khi DNNN đó cung ứng dịch vụ tại thị trường nội địa. Và các nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng mà các nước đang đàm phán để đưa vào Chương DNNN trong TPP, nếu có, sẽ chỉ áp dụng cho các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và các DNNN cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Nếu tới tận cùng mà cam kết này vẫn không đổi, những DNNN của các nước TPP hoạt động trong các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, y tế, giáo dục, phân phối, chuyển phát.... trong thị trường nội địa, nơi mà những doanh nghiệp này thường chiếm vị thế độc quyền, sẽ không bị sờ gáy.

Với giới doanh nghiệp Mỹ, đây là một tin buồn, bởi những nỗ lực vận động để DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp dân doanh vậy là đã bị hạn chế đáng kể về hiệu quả.

Với Malaysia, một trong những nước phản đối kịch liệt chương DNNN ngay từ khi Mỹ đề xuất thì theo thông tin từ giới quan sát cái khó của nước này là Hiến pháp của họ không cho các nhà đàm phán nhiều không gian để xoay xỏa với DNNN. Và nếu cam kết lớn về DNNN trong TPP, họ sẽ phải sửa Hiến pháp, điều vốn không dễ thực hiện. Hơn nữa, dường như các nhà đàm phán Malaysia cũng sợ phải đối mặt với thực tế: đổi mới DNNN sẽ đụng tới một mảng lớn của kinh tế nước này. Theo một nghị sỹ phe đối lập ở Malaysia, có tới 68% doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này là DNNN.

Còn với những người đang trông chờ vào TPP như một là động lực, là sức ép để cải tổ hệ thống DNNN ở Việt Nam, để buộc các DNNN phải thay đổi, phải được đưa vào khuôn khổ của các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, thì đây là một tin không mấy tốt lành. Nhóm các DNNN trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam là nhóm có nguồn vốn hóa rất lớn và là nhóm hiện đang được trông chờ nhất trong việc tái cơ cấu và hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp dân doanh.

Ý TƯỞNG MỚI VỀ BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI DƯỢC PHẨM

Vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với dược phẩm là một trong những vấn đề khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất trong đàm phán TPP. Cho đến thời điểm hiện tại, các nước vẫn chưa thống nhất được về phương pháp tiếp cận đối với vấn đề này.

Tại cuộc họp các trưởng đoàn đàm phán TPP vừa qua, các nước TPP đã bắt đầu xem xét một phương pháp tiếp cận mới cho vấn đề bảo hộ SHTT đối với dược phẩm, theo đó vẫn sẽ thiết lập một gói các nghĩa vụ/tiêu chuẩn chung, duy nhất cho tất cả các nước tham gia – cả phát triển và đang phát triển – nhưng cho phép lộ trình thực thi dài hơn đối với các nước đang phát triển, thu nhập thấp.

Theo một số nguồn tin, ý tưởng này là do Hoa Kỳ đưa ra, dù không phải dưới dạng một đề xuất chính thức. Một số nguồn khác lại cho rằng đó không phải là ý tưởng của Hoa Kỳ, và dự đoán là của Malaysia hoặc Mexico.

Dù sao, ý tưởng này cũng khác với đề xuất được cho là được Hoa Kỳ đưa ra năm ngoái về bảo hộ SHTT đối với dược phẩm, mà theo đó thiết lập hai tiêu chuẩn riêng biệt – một cho các nước có thu nhập thấp, một cho các nước có thu nhập cao – và các nước có thu nhập cao sẽ phải thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao hơn. Tiêu chí để phân biệt một nước là thu nhập thấp hay cao, theo nhiều người dự đoán, được xác định theo Ngân hàng Thế giới. Tổ chức này sử dụng tiêu chí Tổng Thu nhập Quốc gia (GNI) bình quân đầu người để phân loại các nước. Theo số liệu về GNI 2012 của Ngân hàng thế giới, các nước có thu nhập cao nếu có mức GNI bình quân đầu người từ 12.616 USD trở lên.

Nếu theo tiêu chí này, Chile sẽ bị phân loại là nước có thu nhập cao dù vẫn là nước đang phát triển tương đồng như Mexico – nước được phân loại là có thu nhập thấp, và vì thế Chile đã phản đối đề xuất ban đầu của Hoa Kỳ.

Còn nếu theo đề xuất mới, thì có thể Malaysia và Mexico sẽ ủng hộ vì các nước này chỉ một vài năm nữa là sẽ vượt ngưỡng GNI đó và đề xuất mới cho phép họ có thời gian chuẩn bị lâu hơn trước khi phải thực hiện các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao. Nhưng đối với Việt Nam, nước có mức thu nhập còn ở xa ngưỡng GNI trên, thì theo một nguồn tin, tỏ ra không mặn mà với ý tưởng mới này vì đề xuất cũ cho phép Việt Nam có lộ trình thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao đối với dược phẩm dài hơn.

Còn đối với Hoa Kỳ, ý tưởng mới về bảo hộ SHTT đối với dược phẩm này có thể sẽ gặp phải những ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ của nước này.

Các hãng sản xuất thuốc chắc hẳn sẽ ủng hộ việc áp dụng một tiêu chuẩn cao chung cho tất cả các nước nhưng với lộ trình khác nhau bởi phương pháp này dễ dự đoán hơn so với phương pháp áp dụng GNI.

Tuy nhiên, các thành viên quốc hội thuộc Đảng Dân chủ có thể sẽ chỉ trích ý tưởng mới này bởi nó đi ngược với Thỏa thuận “Mùng 10/5” đã đạt được giữa các Đảng viên Đảng Dân chủ và chính quyền Bush vào năm 2007. Thỏa thuận này nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thuốc giá rẻ cho các nước đang phát triển bằng cách đưa vào các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế và độc quyền dữ liệu trong các FTA giữa Hoa Kỳ với các nước đang phát triển dễ thực hiện hơn các tiêu chuẩn trong các FTA giữa Hoa Kỳ với cá nước phát triển.

VÀ MỤC TIÊU KẾT THÚC TPP VÀO THÁNG 11

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng New Zealand ông John Key hôm 20/6/2014, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thể hiện mạnh mẽ mong muốn kết thúc đàm phán TPP – hoặc ít nhất là kết thúc về cơ bản – vào cuối năm nay mà cụ thể là vào tháng 11 khi các nước TPP gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.Như vậy, một lần nữa Hoa Kỳ lại là nước đặt ra mục tiêu kết thúc TPP vào cuối năm, sau “những cuối năm” của 2011, 2012, 2013 không thành.

Để đạt được mục tiêu này, ông Obama đã lên kế hoạch một lịch trình dày đặc cho đàm phán TPP trong thời gian tới. Cụ thể, sau vòng đàm phán không chính thức tại Ottawa, ông Obama đã đề xuất tổ chứctiếp các cuộc gặp của các nhóm kỹ thuật vào tháng 8, sau đó là một cuộc họp của các trưởng đoàn đàm phán vào tháng 9, và tiếp theo là cuộc gặp các bộ trưởng vào tháng 10. Tuy nhiên đề xuất này vẫn đang được các nước TPP cân nhắc và chưa thông qua.

Và để tiếp thêm động lực cho kết thúc đàm phán, cũng tại Ottawa, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chính thức tuyên bố sẽ công khai nội dung đàm phán song phương giữa hai nước về tiếp cận thị trường vào tháng 10 tới. Tuyên bố này đã đánh dấu một bước tiến mới trong đàm phán TPP bởi nếu 10 nước còn lại có thể biết được những nhượng bộ mà Nhật Bản dành cho Hoa Kỳ đối với các sản phẩm nhạy cảm như thịt bò, thịt lợn và sữa thì họ có thể sẽ đòi Nhật Bản những nhượng bộ tương tự. Và nếu như không được đáp ứng, các nước này có thể sẽ rút lại những nhượng bộ mà họ dự định sẽ đưa ra về tiếp cận thị trường.

Mặc dù có những động thái tích cực như vậy, giới quan sát vẫn cho rằng thời hạn tháng 11 khó có thể đạt được. Thứ nhất là bởi ngay bản thân Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa chắc đã đạt được thỏa thuận về tiếp cận thị trường trường vào tháng 10. Hoa Kỳ hiện vẫn đang loay hoay trong bài toán cân bằng giữa một bên là Nhật Bản khăng khăng không xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm nhất và một bên là các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước liên tục tạo sức ép yêu cầu Hoa Kỳ phải đạt được tiếp cận thị trường nông sản Nhật Bản đáng kể cho họ.

Thứ hai, nếu kết quả đàm phán song phương được công bố trước cuộc bầu cử quốc hội ở Hoa Kỳ vào tháng 11 thì có thể dẫn đến làn sóng phản đối từ khu vực nông nghiệp, và sẽ tác động tiêu cực đến các kết quả của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử. Vì vậy, chưa chắc chính quyền của ông Obama đã muốn công bố bất kỳ kết quả gì trước giai đoạn nhạy cảm đó.

Cuối cùng, dù nội dung đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản được công bố vào tháng 10 thì đến tháng 11 cũng chỉ còn 1 tháng, không thể đủ thời gian cho các nước còn lại giải quyết hết các vấn đề còn tồn đọng để kết thúc TPP. Một số nguồn tin cho rằng cố gắng lắm thì các nước cũng chỉ có thể kết thúc được đàm phán về mở cửa thị trường vào tháng 11. Mà điều này cũng sẽ khó khăn bởi một số nước xuất khẩu nông sản như New Zealand có thể phản đối kết quả đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngoài ra, sau khi đàm phán xong với Nhật Bản, một số nước như Hoa Kỳ hay New Zealand lại muốn quay ra đàm phán tiếp với Canada về tiếp cận thị trường sản phẩm sữa hay gia cầm – và đây cũng là những vấn đề rất khó khăn.

Nói chung, đàm phán TPP càng dài thì càng dai dẳng. Các vấn đề cũ chưa được giải quyết hết thì dường như các vấn đề mới lại phát sinh. Và cũng bởi vì số lượng thành viên tới 12 nước ở đủ các trình độ phát triển cao thấp khác nhau, sự thống nhất đạt được có vẻ càng khó khăn hơn. Nhưng dù sao thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ hy vọng, rằng đàm phán càng sâu càng kỹ thì kết quả đạt được càng tốt càng có lợi. Để rồi nếu hiệp định có được ký kết, sẽ mở ra cánh cửa vào 11 thị trường xuất nhập khẩu tiềm năng cho chúng ta, và để chúng ta không phải mãi trông chờ vào cánh cửa của một vài thị trường cũ, hạn hẹp và bất ổn....

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI