Doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ sẽ không bị TPP “sờ gáy”

14/03/2014    47

Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Singapore (diễn ra từ 22-25/2/2014) vậy là đã kết thúc, với kết quả khá im lìm so với những kỳ vọng ồn ào khi nó chưa bắt đầu. Không có đột phá nào khả dĩ để TPP có thể kết thúc đàm phán vào đầu năm nay như nhiều người trông đợi.

Tuy nhiên, các Bộ trưởng cũng đã đạt được thỏa thuận ở một số vấn đề, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận về phạm vi áp dụng các quy tắc đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong Chương DNNN – một trong những Chương khó khăn nhất trong đàm phán TPP.

Theo thông tin từ nguồn đáng tin cậy thì các Bộ trưởng TPP đã thống nhất thu hẹp phạm vi áp dụng các quy tắc đối với DNNN chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà không áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ. Nói cách khác, Chính phủ các nước TPP sẽ không bị hạn chế trong việc hỗ trợ cho các DNNN khi DNNN đó cung ứng dịch vụ tại thị trường nội địa. Và các nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng mà các nước đang đàm phán để đưa vào Chương DNNN trong TPP, nếu có, sẽ chỉ áp dụng cho các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và các DNNN cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Nếu tới tận cùng mà cam kết này vẫn không đổi, những DNNN của các nước TPP hoạt động trong các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, y tế, giáo dục, phân phối, chuyển phát.... trong thị trường nội địa, nơi mà chúng thường chiếm vị thế độc quyền, sẽ không bị sờ gáy.

Vấn đề DNNN được đưa vào đàm phán trong TPP năm 2012, theo đề xuất của Mỹ. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được Mỹ đưa vào một hiệp định thương mại tự do, xuất phát từ những phàn nàn lâu nay của các doanh nghiệp nước này về việc các DNNN ở các nước nhận được quá nhiều ưu đãi từ phía các chính phủ bản địa khiến doanh nghiệp Mỹ chẳng thể cạnh tranh nổi. Theo thông tin từ nhóm này thì hiện trạng này xảy ra đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc, và vì vậy họ mong muốn đưa vào các quy tắc về DNNN trong TPP, phòng hờ trường hợp Trung Quốc tham gia TPP. Tới nay, khả năng Trung Quốc tham gia TPP là rất thấp, dù vậy nhóm ủng hộ một Chương DNNN trong TPP vẫn cho rằng các quy tắc này tốt cho việc cải cách tình trạng lũng đoạn cạnh tranh của các DNNN ở các nước TPP và trong lâu dài, các quy tắc về DNNN của TPP có thể là hình mẫu để áp dụng trong các quy tắc thương mại toàn cầu.

Vì vậy, với giới doanh nghiệp Mỹ, đây là một tin buồn, bởi những nỗ lực vận động để DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp dân doanh vậy là đã bị hạn chế đáng kể về hiệu quả.

Malaysia là một trong những nước phản đối kịch liệt chương DNNN ngay từ khi Mỹ đề xuất. Theo thông tin từ giới quan sát thì cái khó của nước này là Hiến pháp của họ không cho các nhà đàm phán nhiều không gian để xoay xỏa với DNNN. Và nếu cam kết lớn về DNNN trong TPP, họ sẽ phải sửa Hiến pháp, điều vốn không dễ thực hiện. Hơn nữa, dường như các nhà đàm phán Malaysia cũng sợ phải đối mặt với thực tế: đổi mới DNNN sẽ đụng tới một mảng lớn của kinh tế nước này. Theo một nghị sỹ phe đối lập ở Malaysia, có tới 68% doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này là DNNN.

Tại buổi họp báo cuối cùng của Hội nghị tại Singapore vừa rồi, Bộ Trưởng Thương mại và Công nghiệp của Malaysia, ông Mustapa Mohamed, mặc dù không trực tiếp đề cập đến vấn đề DNNN, đã chia sẻ:“Tôi xin vui mừng thông báo rằng một số nước TPP đã thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán và tôi muốn cảm ơn họ về sự cảm thông này”.

Còn với những người đang trông chờ vào TPP như một là động lực, là sức ép để cải tổ hệ thống DNNN ở Việt Nam, để buộc các DNNN phải thay đổi, phải được đưa vào khuôn khổ của các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, thì đây là một tin không mấy tốt lành. Nhóm các DNNN trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam là nhóm có nguồn vốn hóa rất lớn và là nhóm hiện đang được trông chờ nhất trong việc tái cơ cấu và hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp dân doanh./ 

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI