Thách thức của nông nghiệp trong TPP

12/03/2014    63

Chương trình Chính sách kinh tế và cuộc sống của VTV1: "Thách thức của nông nghiệp trong TPP"

Phát sóng: 8h30 ngày 9/3/2014

Link: http://vtv.vn/video-clip/131/VTV1/category37/Chinh-sach-kinh-te-va-cuoc-song-Thach-thuc-cua-nong-nghiep-trong-TPP/video32724.vtv

Nội dung (đổ băng):

Vòng đàm phán thứ 20 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là hiệp định TPP vừa kết thúc tại Singapore. Diễn ra gay gắt nhưng cánh cửa TPP vẫn chưa mở đối với 12 nước thành viên tham gia hiệp định này. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam gia tăng cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada. Với thuế nhập khẩu bằng 0% sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với niềm tin vào sự thịnh vượng mà TPP đem lại, sẽ là những thách thức không hề nhỏ mà đáng sợ là những sức ép cạnh tranh. Một trong những lĩnh vực mà các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ chịu tác động lớn nhất từ làn song TPP đó chính là nông nghiệp.

NÔNG NGHIỆP MỪNG VÀ LO TRƯỚC TPP

Vòng đàm phán 20 diễn ra tại Singapore trong một bầu không khí khá nóng. Dư luận và báo chí tập trung vào cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước thành viên TPP. Quan điểm của Nhật Bản, muốn bảo hộ đối với 586 sản phẩm thuộc 5 mặt hàng nông nghiệp mà khi tham gia TPP nước này coi là không thể xâm phạm. Tuy nhiên Nhật Bản đã thừa nhận, cần phải có nhượng bộ thì mới có thể đàm phán.

Ông Akia Amari (Bộ trưởng Kinh tế phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản) phát biểu: “Nếu như chúng ta không có chút nhượng bộ nào về dòng thuế của 5 mặt hàng này thì sẽ không thể tiến hành đàm phán. Theo tôi không ai là không tin rằng có thay đổi trong các dòng thuế hiện nay.

Tuy nhiên vẫn chưa có sự nhượng bộ nào đủ lớn được ghi nhận từ cả hai phía.

 Ông Michael Froman (Đại diện Thương mại Mỹ) phát biểu: “Khi mà vẫn còn sự khác biệt, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc ở cấp bộ trưởng và cấp chuyên gia để nhằm đạt được thỏa thuận toàn diện và có chất lượng cao mà có thể cần phải kết thúc.

Cho đến khi kết thúc vòng đàm phán tại Singapore, thì các bên vẫn chưa thể xác định sẽ gặp nhau khi nào và ở đâu ở vòng đàm phán tiếp theo.

Phóng viên Hữu Dũng: “Và cũng theo dự kiến thì tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 4 năm nay, và đây được kỳ vọng sẽ là dấu mốc quan trọng để có thể kết thúc đàm phán TPP. Thế nhưng đó vẫn chỉ là sự kỳ vọng. Chừng nào các bên vẫn chưa thể có được sự nhượng bộ đủ lớn để có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay.”

Phóng viên Xuân Dung: “Thưa thứ trưởng là hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP đã kết thúc 4 ngày tại Singapore mà cũng chưa đi đến được thỏa thuận, vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả này?”

Ông Trần Quốc Khánh  (Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam) : “Đầu năm 2014 đã diễn ra một số những diễn biến phức tạp;  thứ nhất là việc Nhật Bản gặp khó khăn trong việc mở cửa thị trường cho 5 sản phẩm nông nghiệp của họ, cụ thể là thịt, sữa, đường, gạo và lúa mỳ. Chính vì Nhật Bản gặp khó khăn cho nên đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hóa giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đi vào thế bế tắc và khi đàm phán giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đi vào bế tắc thì các nước có tâm lý chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán này. Không phải vì họ phụ thuộc vào kết quả đàm phán này mà bởi vì họ muốn nhìn xem là câu chuyện Nhật Bản sẽ được xử lý như thế nào? Bởi vì nếu như Nhật Bản không phải xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu như là đã thống nhất giữa các nước TPP với nhau thì sẽ xuất hiện phản ứng lay chuyển, nhiều nước cũng sẽ đưa ra yêu cầu được ứng tuyển như là Nhật Bản. Trong khi đó thì đàm phán hàng hóa lại là trung tâm của đàm phán TPP, chúng ta không thể áp đặt một tiêu cao cho tất cả các lĩnh vực của đàm phán, riêng lĩnh vực hàng hóa lại áp đặt tiêu chuẩn thấp. Ví dụ những nước có quyền xuất khẩu lớn như Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận như vậy. Chính vì vậy khi đàm phán song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ gặp khó khăn thì họ có tâm lý chờ đợi xem câu chuyện đó sẽ được xử lý như thế nào. Diễn biến thứ hai là để kết thúc được đàm phán TPP thì chính quyền Mỹ phải đưa ra trình Quốc hội của họ một dự luật về thẩm quyền đàm phán nhanh. Khi ông Obama đưa dự luật ra Quốc hội thì đã vấp phải sự phản ứng ngay trên chính nội bộ đảng của ông. Trong bối cảnh đó thì đoàn đàm phán Hoa Kỳ sẽ buộc phải đàm phán theo một cách tiếp cận mà chúng tôi nói nôm na là “được càng nhiều càng tốt và mất càng ít càng tốt”. Chính vì vậy, các nước có tâm lý chờ xem Hoa Kỳ sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.

Phóng viên Xuân Dung: “Như vậy là các nước vẫn chưa thỏa thuận được với Nhật Bản về 5 sản phẩm nông nghiệp, cuộc đàm phán có căng thẳng lắm không thưa ông?”

Ông Trần Quốc Khánh  (Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam): “Cũng khá là căng thẳng, cụ thể là đã diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận song phương giữa Nhật Bản và các nước có liên quan cũng như giữa các nước với nhau để tìm biện pháp giải quyết câu chuyện Nhật Bản. Sau nhiều giờ bàn bạc thì các bộ trưởng đã đi đến được kết luận cuối cùng, đã tìm ra được một cách tiếp cận. Cụ thể là vẫn phải duy trì mục tiêu tự do hóa toàn diện, như đã nêu trong Tuyên bố Honolulu 2011 của các nhà lãnh đạo các nước TPP. Bên cạnh đó cần có cách tiếp cận thực tế, tôn trọng thực tiễn khó khăn của nhau. Khi xử lý được vấn đề này của Nhật Bản thì sẽ khai thông được bế tắc trong đàm phán về thương mại hàng hóa.”

“Hãy dừng việc đàm phán TPP ngay”, những khẩu hiệu có nội dung như vậy được treo ở nhiều cửa hàng nông sản thuộc Hiệp hội nông nghiệp Nhật Bản (JR). Sự lo lắng của ông Takahashi, dựa trên việc Nhật Bản có thể phải dỡ bỏ hàng rào bảo hộ thuế quan và các chính sách trợ cấp ngành nông nghiệp trong nước nếu gia nhập TPP. Kể từ đầu năm đến nay, chính phủ Nhật Bản đã cắt giảm một nửa trợ cấp cho ngành sản xuất gạo. Việc giảm trợ cấp này ảnh hưởng rất mạnh đến thu nhập của người nông dân.

 Ông Kakuzaki Yasuji (Nông dân Nhật Bản): “Thu nhập từ trồng lúa rất thấp nếu chỉ dựa vào trồng lúa không thói thì chúng tôi không sống nổi. Hàng năm chính phủ trợ cấp cho chúng tôi 15,000Y cho mỗi 1000m2 trồng lúa. Tổng cộng mỗi năm tôi nhận được 3,6 triệu Yên. Số tiền này giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều.

Để trấn an người nông dân, chính phủ Nhật Bản đã đưa 5 loại sản phẩm nông nghiệp là gạo, lúa mỳ, sữa, thịt bò và đường vào danh sách ưu tiên trong đàm phán TPP. Điều này có nghĩa Nhật Bản sẽ duy trì thuế cao đánh vào 5 mặt hàng trên, ngay cả nếu gia nhập TPP. Mức thuế đánh vào mặt hàng gạo nhập khẩu hiện lên đến 800%. Quan điểm cứng rắn này đã gây trở ngại cho mọi cuộc đàm phán thúc đẩy hiệp định.

Giáo sư Yoshino Naoyuki (Trường đại học Keio, Nhật Bản): “Người nông dân Nhật Bản hiện đang dựa quá nhiều vào trợ cấp nông nghiệp, điều này cần phải thay đổi. Họ cần sản xuất các mặt hàng để có thể cạnh tranh được trên thị trường.

Phóng viên Đức Cường: “Việc gia nhập TPP được dự báo sẽ làm thay đổi ngành nông nghiệp Nhật Bản, và cho đến lúc này nhiều người nông dân Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng cho khả năng phải cạnh tranh khốc liệt ngay tại thị trường nội địa.”

Trong khi đó, ngành nông nghiệp tại Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều nỗi lo khi TPP ký kết. 2/3 trong gian hàng là thịt nhập khẩu, chủ yếu là thịt bò Úc, có cầu ắt có cung, có cầu nhiều ắt cung sẽ gia tăng. Hiện thịt nhập khẩu đang phổ biến đối với người tiêu dùng.

Anh Lê Mạnh Phong (Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị Ocean Mart): “Lượng tiêu thụ thịt bò Úc ở hệ thống siêu thị của chúng tôi cũng đang tăng lên dần dần. Có thể từ chỗ nhà cung cấp nhập theo flock đến nhập nguyên con để hưởng thuế suất 5%. Do đó giá bán đã giảm đi rất nhiều nên trong 6 tháng vừa rồi lượng tiêu thụ của thịt bò Úc đã tăng lên từ chỗ chỉ chiếm 30% thì đã có những thời điểm chiếm 50%.”

Việt Nam phải nhập thịt bò là điều có thể hiểu vì hiện tại nguồn cung trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đến lợn, sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. chủ yếu là chăn nuôi quy mô hộ gia đình với khoảng 7 triệu hộ. Trung bình mỗi hộ nuôi đến 10 con lợn, chưa kể giá thành sản xuất bao giờ cũng cao hơn giá bán sản phẩm từ 3-4 nghìn đồng/kg thịt hơi. Dịch bệnh thì cứ thi nhau phát sinh. Đây là nguyên nhân khiến người chăn nuôi liên tục thua lỗ, thậm chí treo chuồng.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn (Viện trưởng, Viện chính sách và Chiến lược NN&PTNT): “Thịt lợn của chúng ta chịu rất nhiều sức ép về câu chuyện thức ăn chăn nuôi vì vậy giá thành chăn nuôi cao. Tuy nhiên nước ta có tập quán chăn nuôi lợn, khả năng cải thiện chăn nuôi lợn tùy thuộc nhiều vào tín giống, thức ăn gia súc và bảo vệ.

Theo số liệu của tổng cục hải quan, năm 2013 Việt Nam nhập khẩu hơn 111 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, tăng 14,3% so với năm 2012. Trong đó lợn thịt gia cầm và phụ phẩm nhập khẩu chiếm khoảng 77%, tương đương 78 nghìn tấn. Tiếp đến là trâu bò nhập khẩu, số còn lại là thịt lợn 3,3 nghìn tấn.

Phóng viên Minh Thư: “Trên tay tôi là bắp bò loại 1 của Việt Nam có giá 309 nghìn đồng/kg. Và đây là bắp bò Úc có giá là 319 nghìn đồng/kg. Sau khi thịt Úc nhập về Việt Nam cộng 5% thuế và các khoản chi phí khác thì nó chỉ đắt hơn Việt Nam khoảng 10 nghìn đồng. Và trong thời gian sắp tới khi hiệp định TPP được ký kết, thuế nhập khẩu trở về 0% thì số lượng thịt ngoại nhập về Việt Nam có thể tăng nhiều hơn nữa và giá cả sẽ càng cạnh tranh hơn.”

Đây là một trong những tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất ở Việt Nam, họ đầu tư từ con giống tới thức ăn chăn nuôi, các trang trại gia cầm, thịt cho lợn và ngay cả chế biến đóng thành sản phẩm, có nghĩa là một chuỗi khép kín với công nghệ tiên tiến so với các nước trong khu vực. Thế nhưng ngay cả tập đoàn lớn về nông nghiệp này cũng đang lo lắng về sức ép cạnh tranh nếu TPP được ký kết.

Ông Nguyễn Như So (TGĐ Công ty CP tập đoàn Dabaco Việt Nam): “Nào thì dịch, bên cạnh ta thì Trung Quốc nền chăn nuôi cũng rất tốt rồi các nước trong khu vực cũng rất tốt. Thế nhưng người ta xuất khẩu vẫn rất tốt, còn chúng ta vẫn đang lúng túng. Vậy bây giờ ta muốn làm thế nào để được như vậy, khi tham gia một hiệp định TPP mà giá của các nước thấp thì ta vẫn phải tìm mọi con đường để có năng suất, chất lượng. Làm sao để chi phí sản xuất, giữa một cân thịt lợn và một cân thịt gà ngang bằng với các nước trong khu vực, ngang bằng với các nước trên thế giới thì như vậy họ sẽ không vào được. Nếu không làm được điều này dứt khoát sẽ phải nhường chỗ cho người ta. Điều đó là tất yếu.”

12 quốc gia tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP được chia làm 3 nhóm dựa trên trình độ chăn nuôi. Trong đó Mỹ, Úc, New Zealand là những nước phát triển nhất, có thế mạnh về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tiếp đó là Nhật, Singapore, Malaysia, còn Việt Nam nằm trong nhóm kém phát triển nhất. Chính vì vậy ngành chăn nuôi sẽ bị đe dọa mạnh bởi hội nhập khi các dòng thuế nhập khẩu được đưa về 0%.

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang (Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam): “Nơi mà rẻ nhất đáng phải quan tâm nhất là Mỹ và thịt lợn. Giá thịt lợn của Mỹ trung bình thấp hơn giá Việt Nam khoảng 40%. Nhưng nếu thuế về 0% thì như vậy là người Mỹ sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay. Vì tiền vận chuyển họ rất xa mất 20%, còn 20% nữa là chúng ta đánh thuế cao thì Mỹ không vào được.

Hiện nay các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng kém và chưa xuất khẩu được vào các thị trường lớn do vướng về quy mô và các rào cản kỹ thuật. Tuy vậy các chuyên gia cũng đánh giá TPP là động lực để ngành chăn nuôi thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào công nghệ sản xuất. Đây là xu thế tất yếu giữa các đối tác trong TPP với nhau.

Ông Nguyễn Trí Ngọc (PCT Tổng hội NN&PTNT Việt Nam): “Trong chăn nuôi có các vấn đề đặt ra nhưng trong chăn nuôi lợn của chúng ta hiện nay vẫn là ngành chăn nuôi chủ lực, trong đó có cả quy mô lớn của các doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng có quy mô nhỏ và vừa của các hộ nông dân. Sản xuất hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam chúng ta còn có những yếu kém. Yếu kém về trình độ sản xuất, về chất lượng sản phẩm và đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là những yêu cầu thách thức khi chúng ta hội nhập TPP.”

Theo Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, Việt Nam không thể kéo các quốc gia trong bàn đàm phán theo tiêu chuẩn thấp của mình. Chính vì thế chỉ còn một con đường duy nhất là tiến lên để bắt kịp với thế giới.

Ông Tống Xuân Chinh (Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT): “Việt Nam sẽ phải chú ý đặc biệt trong ngành chăn nuôi, cần có sự đổi mới triệt để đối với hệ thống sản xuất kinh doanh của mình. Và cách đổi mới chúng tôi sẽ thể hiện qua 5 nội dung trong đề án “tái cơ cấu ngành chăn nuôi”. Khi ký Hiệp định TPP thì vấn đề thuế sẽ không còn là vấn đề nữa vì các nước sẽ chấp nhận giảm thuế về 0 cho tất cả các mặt hàng, chấp nhận lẫn nhau thì thuế không còn là hàng rào nữa. Nhưng có một hàng rào mà Việt Nam chúng ta sẽ phải phát triển giống như các nước khi tham gia các Hiệp định, đó là phải xây dựng cac hàng rào kỹ thuật.

Dự kiến trong năm nay, Hiệp định TPP sẽ được ký kết. Thời gian không còn nhiều nên việc thay đổi, chấn chỉnh ngành chăn nuôi phải bắt đầu ngay từ bây giờ và phải hết sức quyết liệt nếu không việc mất thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi chăn nuôi đang đứng trước nhiều thách thức thì xuất khẩu thủy sản đang phấn khởi với tiềm năng mà TPP hứu hẹn khi thuế suất trở về 0%. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nhật đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nhật Bàn là quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy thị trường này sẽ còn lớn hơn khi thuế nhập khẩu vào Nhật còn 0% khi TPP được ký kết.

Ông Đặng Quốc Cường (Công ty TNHH Thông Thuận): “Bây giờ thuế suất trở về 0 cho tất cả các doanh nghiệp thì đó là một sân chơi công bằng. Anh nào chiếm lĩnh được thị trường, tiết kiệm, giảm được chi phí, hạ giá thành thì anh đó sẽ chiến thắng.”

1800 tàu câu cá ngừ đại dương sản lượng trên dưới 15000 tấn mỗi năm, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là nơi cung cấp mặt hàng cá ngừ đại dương chủ lực của cả nước. Những bến cá sầm uất hay vắng lặng, những làng biển câu cá ngừ đói hay no, quyết định những điều này không chỉ phụ thuộc vào biển có nhiều cá hay không mà ở chỗ giá thu mua cá ngừ cao hay thấp. Nhật Bản là thị trường chính của các nhà xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam thế nhưng hiện nay khi thực hiện FTA, thuế nhập khẩu đối với cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản khoảng 6,4-7,2%. Trong khi đó Thái Lan và Philipines có mức thuế 0%.

Ông Vũ Đình Đáp (Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam):“Thuế suất giảm xuống thì lợi cho mình như thế nào là người xuất khẩu hay nhà chế biến, mà hiện nay quan trọng nhất là đầu ra, đầu ra không bị chịu giá thuế vào trong sản phẩm cho nên khi mua nguyên liệu đầu vào cho hiệp hội ngư dân thì không bị chi phối bởi giá thành thuế nữa thì người ta sẽ mua với giá nguyên liệu cao lên.”

Ông Vương Vĩnh Hiệp (Công ty TNHH Long Sinh): “Thị trường TPP rất sòng phẳng, anh nào có hàng hóa chất lượng tốt thì khả năng cạnh tranh được đón chào, thì vấn đề chúng ta hiện nay chuẩn bị là chất lượng sản phẩm hàng hóa của chúng ta như thế nào, nguồn gốc xuất xứ hiện này chúng ta không kiểm soát được, từ hàng đánh bắt đến những cách cấm, cả nuôi trồng thủy sản những cách cấm kháng sinh, chúng ta không kiểm soát hết được. Hiện nay không có doanh nghiệp nào dám vỗ ngực là hàng chúng tôi được kiểm soát từ đầu đến cuối, từ nguồn gốc ban đầu. Kiểm soát từ ban đầu bao gồm rất nhiều khâu, từ đánh bắt, nuôi trồng rồi bảo quản, chế biến, những khâu đó chưa một doanh nghiệp nào làm được tất cả hệ thống đó để mà đánh giá đảm bảo chất lượng.”

Công ty này giành thời gian, nhân lực và quản lý thích đáng để đầu tư xây dựng đúng quy trình kiểm soát chất lượng. Những tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác như Nhật Bản, những doanh nghiệp thực hiện. Đây như là sự chuẩn bị, đón đầu những cơ hội của TPP.

Phóng viên Xuân Dung: “Thưa ông các nước phát triển có thể xóa bỏ cái hàng rào về thuế nhưng họ lại dựng ra những hàng rào khác ví dụ như về vệ sinh môi trường hay an toàn vệ sinh thực phẩm. Để có thể ngăn chặn hoặc giảm bớt hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường của họ. Với vấn đề này theo ông Chính phủ nên có biện pháp như thế nào để có thể giảm bớt được tình trạng này.

Ông Trần Quốc Khánh  (Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam): “Khi người tiêu dùng có thu nhập cao và có nhận thức rất cao để bảo vệ môi trường thì tự thân họ sẽ tìm đến các sản phẩm an toàn cho sức khỏe của họ. Cho dù chính phủ có thể không đưa ra bất kỳ một tiêu chuẩn nào thì họ cũng tự động tránh xa các sản phẩm mà theo họ là không an toàn và theo họ là đã được sản xuất theo phương thức hủy hoại môi trường. Doanh nghiệp của chúng ta nên lưu ý vấn đề này để làm sao sản xuất ra những sản phẩm an toàn về mặt chất lượng cũng như theo một phương thức thân thiện với môi trường vì chỉ bằng cách đó chúng ta mới chiếm được tinh cảm của người tiêu dùng có thu nhập cao ở các nước phát triển. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới tăng xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng hoàn toàn đồng ý là một số chính phủ của các nước đã phát triển, có những lúc họ đặt ra những tiêu chuẩn về rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, cao quá mức cần thiết. Thì trong những trường hợp đó, chính phủ có thể giúp bằng cách thông qua đàm phán, đưa ra những bộ quy tắc yêu cầu chính phủ các nước đã phát triển ban hành các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì phải có căn cứ khoa học, phải dựa trên đánh giá rủi ro của chính sản phẩm đó. Và trong đàm phán TPP hiện nay chúng tôi cũng đang đàm phán với một quy tắc như vậy, hạn chế bớt sự tùy tiện của chính phủ các nước đã phát triển. Và chúng tôi hy vọng rằng với bộ quy tắc đó, chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu tương lai.”

Phóng viên Xuân Dung: “Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.”

Cách đây 7 năm, khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người lo lắng nông nghiệp sẽ là ngành dễ bị tổn thương nhất do chúng ta không có nhiều mức độ bảo vệ hay trợ cấp cho ngành nông nghiệp. Nhưng thực tế sau 7 năm gia nhập WTO, xuất khẩu nông sản năm vừa qua của Việt Nam đã đạt trên 27 tỷ đô là Mỹ, gấp đôi so với năm 2007. Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, gia nhập TPP, nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước chuyển biến sâu và toàn diện hơn. Khác với WTO, TPP sẽ cho phép thành viên mới được đàm phán với từng đối tác thay vì phải chấp nhận các quy tắc được thiết lập bởi các thành viên cũ. Ngoài ra với mục tiêu cắt giảm 90% thuế xuất khẩu, nhập khẩu giữa các nước cũng tạo ra cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư và hợp tác trong nông nghiệp.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn (Viện trưởng, Viện chính sách và chiến lược NN&PTNT): “TPP không chỉ là chúng ta mở cửa thị trường của mình mà các nước tham gia đều mở của thị trường sâu rộng. Có những thị trường rất tiềm năng như Mỹ, hiện nay chúng ta đã liên kết rất là tốt hay là thị trường Nhật Bản, thị trường vẫn đóng kín với thế giới xưa nay. Tôi nghĩ là một loạt các cơ hội sẽ mở ra cho chúng ta, song song với những thách thức. Tôi nghĩ chúng ta vẫn áp dụng kiểu chơi của Việt Nam, tức là chúng ta thực sự áp dụng cơ chế thị trường, cái gì chúng ta không có lợi thế chúng ta chấp nhận nhập khẩu, cái gì không có lợi thế chúng ta công nhận cạnh tranh.”

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2013 40% thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước TPP, Hoa Kỳ chiếm hơn 20%, Nhật Bản hơn 17% nhưng giá trị thủy sản của Việt Nam lại thấp do chủ yếu xuất phát từ quy mô nhỏ nên trình độ cán bộ hiểu biết luật pháp quốc tế không nhiều, dễ bị thị trường quốc tế ép giá. Cùng với đó là công nghệ sản xuất lạc hậu nên không đạt được tối đa khi tham gia thị trường, Do đó khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với nước ngoài để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng (PCT Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam): “Những doanh nghiệp của các nước TPP rất có thể sẽ tìm thấy ở Việt Nam lợi nhuận trong việc nâng cấp chế biến sẵn có bằng cách đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và tận dụng lực lượng lao động chế biến lành nghề ở Việt Nam để tăng sản xuất của họ. Tôi nghĩ đó là cơ hội lớn cho họ và cho Việt Nam. Tuy nhiên tôi cũng phải nói một điều, lợi thế chúng ta trong tương lai sẽ là chế biến những sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm cao.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn (Viện trưởng, Viện chính sách và chiến lược NN&PTNT): “Một trong những cách đối phó thách thức mà hiện nay các nước đang áp dụng là bàn bạc với những nước có lợi thế mà đối lập với mình, bù đắp với mình tổ chức liên doanh, liên kết. Tức là tôi tổ chức hàng hóa trên đất của anh thì sau đó dù tôi có nhập lại hàng hóa vào thị trường của tôi thì vẫn là hàng hóa của anh. Hai bên đều có lợi. Đây cũng là xu thế mà tôi thấy đang xuất hiện ở Việt Nam, các thị trường đang mở cửa rộng như Nhật Bản, Mỹ và một loạt các nước khác. Tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt, không chỉ cho đầu tư tiền bạc mà còn là khoa học công nghệ, còn là quản lý và nhất là thị trường.”

Với TPP, các ngành hàng Việt Nam đều ít nhiều thách thức ví như ngành chăn nuôi, gỗ, nông nghiệp. Những ngành phải đối diện với thách thức lớn hay những ngành cơ hội và thách thức ngang bằng như thủy sản, dệt may thì đều cần sự chủ động, nỗ lực rất nhiều từ phía doanh nghiệp. Từ nay đến khi TPP kết thúc đàm phán, và tính thời điểm chờ 12 nước thành viên TPP phê chuẩn (thông thường kéo dài từ 12 đến 18 tháng), khoảng thời gian này vẫn còn đủ để các doanh nghiệp Việt Nam huy động nguồn lực, gia tăng đầu tư vào các khâu có tính quyết định trong việc phát triển lâu dài, bền vững.