TPP - trở lực từ bên trong nước Mỹ?

25/02/2014    48

Nhìn vào tờ lịch công tác của ông Michael Froman, Đại sứ, Trưởng đại diện Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, có thể thấy một tuần bận rộn đang chờ đón, trong đó phần lớn chương trình nghị sự liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ Bảy tuần trước, ông đã hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, Bộ trưởng phụ trách Kinh tế và Chính sách tài chính Akira Amari. Cuộc trao đổi được thông tin vài dòng ngắn gọn trong một thông cáo báo chí, là hai bên thu hẹp bất đồng về các vấn đề nông nghiệp, tiếp cận thị trường cũng như quy định pháp luật, đồng thời xác lập các cuộc đàm phán song phương để đẩy nhanh tiến độ.

Ông Froman cũng có buổi nói chuyện với đại diện Hội đồng Xuất khẩu sữa và Hiệp hội Sản xuất sữa của Mỹ, vốn là những tổ chức chống TPP vì lo ngại lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng. Sau đó, ông sẽ tháp tùng Tổng thống Obama đến Toluca, Mexico, trong cuộc hội đàm thượng đỉnh, mà TPP cũng sẽ là một chủ đề bàn luận.

Cuối tuần, vào thứ Bảy, ông sẽ bay đến Singapore để dự hội nghị cấp bộ trưởng về TPP. Ở đó, ông sẽ gặp lại những người đồng cấp quan trọng để cùng bàn cách tháo gỡ các nút thắt.

Ở Việt Nam, phái đoàn đàm phán do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu cũng lên đường tham dự. Trong một cuộc tọa đàm ở TPHCM gần đây, ông Khánh tỏ ý khá lạc quan khi cho rằng dẫu còn nhiều bất đồng, nhưng các bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Đáng chú ý là các thành viên đã tìm ra được một “vùng hạ cánh” cho phần lớn các vấn đề khó đang đàm phán. Theo ông Khánh, các bên đã xác định một số gói vấn đề mà nếu giải quyết được sẽ kết thúc được đàm phán. Thường thì mỗi gói đó có từ ba đến năm vấn đề, mọi người nhìn vào đó thì có thể thấy ngay cái nào có thể thương lượng, và chỉ chờ vào quyết định chính trị là có thể tiến vào đàm phán và kết thúc gói đó. Và TPP cũng có nguyên tắc Rachet, rằng thà không có một hiệp định TPP còn hơn là có một hiệp định tồi. Nói cách khác, các bên đang tham gia đàm phán đều quyết tâm chỉ có tiến, không có lùi.

Rất nhiều thông tin mới về TPP vào cuối năm ngoái, rất có thể giờ đã là “khá lạc hậu”, theo một nguồn tin. Có thể thấy, với nhận định này, thì hội nghị cấp bộ trưởng ở Singapore hy vọng có nhiều tiến bộ và đột phá từ các đoàn đàm phán.

Nhân tố chủ chốt trên bàn đàm phán là Mỹ có vẻ như đang cố gắng bằng mọi cách để có thể kết thúc được đàm phán càng sớm càng tốt. Giới thạo tin trông chờ tin tốt lành vào thời điểm tháng 4, khi Tổng thống Barack Obama công du một số nước châu Á, và nhiều người đang hy vọng TPP sẽ được ký vào thời điểm ngay sau đó. Người ít lạc quan hơn thì tin rằng đằng nào ông Obama cũng sẽ làm mọi chuyện để yên tâm bước vào kỳ bầu cử giữa kỳ, diễn ra vào tháng 11. Toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát, 1/3 ghế Thượng viện cũng như 36 ghế thống đốc bang sẽ được bầu lại.

Trong khi ông Obama và các thuộc cấp tỏ rõ quyết tâm, thì một bộ phận người Mỹ lại không như vậy. Sự chống đối TPP từ các nghiệp đoàn và giới doanh nghiệp bị ảnh hưởng lợi ích cũng gây ít nhiều cản trở, nhưng lớn nhất lại đang từ lưỡng viện quốc hội.

Tháng trước, trong Thông điệp Liên bang, ông Obama đã yêu cầu Quốc hội trao cho ông Quyền thúc đẩy thương mại (TPA).

Không chỉ đau đầu để giải quyết các vấn đề hóc búa nảy sinh trên bàn đàm phán về TPP, Nhà Trắng còn đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội trao TPA cho Tổng thống. TPA sẽ cho phép ông Obama đệ trình các hiệp định thương mại lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua mà không cho phép sửa đổi bất cứ điều khoản nào trong hiệp định này. Nếu ông Obama có TPA, các bên sẽ không phải lo khả năng các nghị sĩ Mỹ đòi sửa đổi các điều khoản trong TPP theo hướng khó đồng thuận.

Có vẻ như đây sẽ là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà đàm phán Mỹ. Hơn 150 nghị viện thuộc phe Dân chủ của Hạ viện đang phản đối việc trao cho Tổng thống thanh thượng phương bảo kiếm TPA. Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện “nói không” với TPP nếu không kèm theo các điều khoản về lao động và môi trường. Ngặt nỗi, đây là hai món mà phe Cộng hòa phản đối. Rắc rối chưa dừng ở đó khi ông Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện cũng phản đối quyền này. Hai nhân vật cấp cao của phe Dân chủ đã không nhất trí, thì phe Cộng hòa, dù có truyền thống ủng hộ mậu dịch tự do, cũng không thể. Hiến pháp Mỹ trao cho Quốc hội quyền thương thảo các hiệp định thương mại, mà TPA lại tước đi cái quyền ấy, khiến họ như bị bịt mắt bịt tai. Nay là thời điểm để họ có thể giành lại quyền này trong bối cảnh những chống đối về TPP đang không ngừng gia tăng.

Và Chính phủ Mỹ đang thương thảo TPP trong thế lưỡng nan đó, trước mặt là những rào cản trên bàn đàm phán, đằng sau là búa rìu từ chính nội bộ. Có vẻ như các thành viên đàm phán cũng phần nào cảm nhận được áp lực này, vì thế, Mỹ buộc phải trấn an. Như chuyện mới đây ông Obama đã cam kết với Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto và Thủ tướng Canada Stephen Harper rằng Mỹ sẽ thông qua TPP trong năm nay.

Giới chủ Mỹ được cho là đứng đằng sau các thỏa thuận thương mại đã tốn không ít tài lực vào các cuộc vận động cho TPP, có lẽ sẽ không đứng yên nhìn ông Obama bị làm khó dễ. Các tập đoàn dược phẩm, những hãng máy bay khổng lồ, các nhà bán lẻ hùng mạnh nhất, những hãng công nghệ lớn, những nhà thầu quy mô... được cho là hưởng lợi nhiều từ TPP. Và có lẽ ông Obama sẽ phải cần đến họ để có được TPA nhằm giành lại thế thượng phong.

 Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn