Ý kiến của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR)

02/01/2011    146

1/ Tại sao lợi ích của ngành (doanh nghiệp, người lao động) cần phải được tính đến trong quá trình đàm phán TPP?

Bán lẻ và phân phối là ngành quan trọng của nền kinh tế. Ở hầu hết các nước, ngành phân phối bán lẻ là hoạt động kinh tế lớn nhất nhì và là ngành đóng góp rất nhiều vào GDP (khoảng 20%GDP với các nước phát triển và đang phát triển, còn với Việt Nam, con số này khoảng 14%).

2/ Những ngành dịch vụ nào, loại dịch vụ cụ thể nào trong ngành có thể mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài từ đối tác TPP (đặc biệt là Hoa Kỳ) so với hiện tại? Mức mở cửa nào (lộ trình mở cửa, tỷ lệ vốn tối thiểu trong liên doanh, giới hạn của loại dịch vụ cung cấp) có thể chấp nhận được (doanh nghiệp Việt Nam có thể “chịu đựng được” trong quá trình cạnh tranh)?

Đối với dịch vụ phân phối bán lẻ, lộ trình mở cửa đã hoàn thành, cụ thể là cam kết của VN cho phép bên nước ngoài thành lập liên doanh với phần vốn góp lên tới 49% kể từ khi VN gia nhập WTO và hạn chế này được từng bước nới lỏng, đến 01/01/2009 cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (không tính các mặt hàng trong danh mục loại trừ vĩnh viễn, còn đối với một số mặt hàng nhạy cảm chỉ mở cửa thị trường sau 3 năm).

AVR và các doanh nghiệp trong ngành phân phối bán lẻ cho rằng không nên mở cửa rộng hơn nữa. Hạn chế chặt khả năng mở điểm bán lẻ của DN có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp thường có sức mạnh thị trường, dễ phát triển thành chuỗi lớn mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

3/ Những hình thức hạn chế nào (giấy phép, kiểm tra nhu cầu kinh tế…) đối với hoạt động (loại dịch vụ) và/hoặc phương thức cung cấp dịch vụ (cung cấp qua biên giới, tiêu thụ ở nước ngoài, mở chi nhánh/văn phòng đại diện/công ty con, người lao động nước ngoài) của nhà đầu tư đối tác TPP (đặc biệt là Hoa Kỳ) tại Việt Nam cần duy trì hoặc có hiệu quả trong việc hạn chế mức độ mở cửa thị trường?

(i) Cần tôn trọng và duy trì bảo lưu về diện mặt hàng mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được quyền phân phối tại Việt Nam:

Khi gia nhập WTO, ta đã bảo lưu việc dành quyền phân phối một số mặt hàng cho các nhà phân phối Việt Nam. Trước đây, khi ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), Việt Nam cũng đã từng có bảo lưu tương tự với danh mục loại trừ rộng hơn. Chiểu theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được quyền phân phối tại Việt Nam các mặt hàng loại trừ hai danh mục sau:

1. Danh mục loại trừ vĩnh viễn, bao gồm những mặt hàng mà nước ngoài sẽ không bao giờ được tham gia phân phối trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là thuốc lá, xì gà, sách, báo, tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý, đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô, xăng dầu, gạo và đường.

2. Danh mục loại trừ có thời hạn, bao gồm máy kéo, phương tiện cơ giới, ô tô con và xe máy sẽ chấm dứt vào ngày 01/01/2009 và xi măng, clinke, lốp (trừ lốp máy bay), giấy, sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón sẽ chấm dứt từ ngày 11/01/2010.  

Cần khẳng định rằng, các mặt hàng trong danh mục loại trừ đều có ý nghĩa kinh tế, an sinh, an ninh, văn hóa… quan trọng đối với nước ta. Việc không cho phép, hoặc tạm thời chưa cho phép các doanh nghiệp nước ngoài phân phối các mặt hàng này là phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế nói chung và phát triển ngành dịch vụ phân phối nói riêng. Mục tiêu chính của việc loại trừ này là dành lại một "vùng đất" nhất định cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là ở các mặt hàng có ảnh hưởng quan trọng tới quốc kế dân sinh, hoặc dành cho họ một khoảng thời gian chuẩn bị nhất định trước khi phải đối mặt với cạnh tranh từ các nhà phân phối nước ngoài.

Cho đến thời điểm này, quan điểm của Hiệp hội và các thành viên là cần duy trì bảo lưu này.

Bên cạnh đó, AVR và các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về việc các doanh nghiệp nước ngoài được phép mua cổ phần của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng trong danh sách loại trừ nói trên, chẳng hạn như dược phẩm và xăng dầu… và như vậy, rào cản “Danh mục loại trừ” có thể bị thủng từ một phía khác.

(ii) Thực hiện bảo lưu về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ:

Việc giữ được hạn chế về  mở điểm bán lẻ chính là giữ được một công cụ kiểm soát. Vì vậy rất cần thiết sử dụng công cụ này để hỗ trợ cho các nhà phân phối - bán lẻ trong nước. Nói cách khác, AVR cùng các thành viên và doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng thực thi nghiêm túc cam kết gia nhập WTO nhưng cũng mong muốn nhà nước sử dụng ENT thành một công cụ pháp lý hữu dụng, mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế và ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, về phía nội bộ, AVR cũng xin kiến nghị cần có hướng dẫn về ENT cụ thể hơn và là một khung  “ENT” ở cấp độ toàn quốc, tránh tình trạng mỗi tỉnh/thành phố hướng dẫn áp dụng ENT một kiểu, trước đó cần có những quy định cốt yếu nhất định khái niệm “cơ sở bán lẻ”, cân nhắc các tiêu chí ENT, cụ thể hóa tiêu chí “số lượng các nhà cung cấp dịch vụ”, “mật độ dân cư”, “”quy mô quản lý”.

Về phía mình, với ý thức vươn lên và chấp nhận cạnh tranh, AVR cùng các doanh nghiệp phân phối- bán lẻ cũng cho rằng có thể có xem xét, cân nhắc mở cửa trong một số trường hợp, ví dụ cho phép miễn áp dụng ENT khi bán sản phẩm đầu vào cho sản xuất hoặc bán lẻ một số sản phẩm đặc biệt…Và trong mọi trường hợp, AVR mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tham vấn với Hiệp hội và cộng đồng doanh  nghiệp trước khi quyết định.