Ý kiến của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

02/01/2011    142

1/ Tại sao lợi ích của ngành (doanh nghiệp, người lao động) cần phải được tính đến trong quá trình đàm phán TPP?

Dệt may là ngành quan trọng, đặc biệt trong việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 9,13 tỷ USD, năm 2009 đạt 9,065 tỷ USD (do tác động của khủng hoảng). Năm 2010 dự kiến đạt 11 tỷ USD. Với số liệu này, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của VN trong 3 năm qua.

- Kim ngạch nhập khẩu 2008: 7,078 tỉ USD, năm 2009: 6,572 tỉ và 11 tháng 2010 đạt 7,867 tỉ USD.

- Lao động: 2 triệu, trong đó lao động công nghiệp1,1 triệu người.

2/ Đối tác TPP (đặc biệt là Hoa Kỳ) cắt giảm thuế quan đối với những dòng sản phẩm nào (theo mã HS) thì có lợi cho doanh nghiệp của ngành?

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành dệt may, chiếm 55-56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành (cụ thể, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 5,171 tỉ USD, 2009 đạt 4,995 tỉ và 2010 dự kiến đạt 5,8-6,0 tỉ USD, tăng trưởng XK năm nay dự kiến đạt 22% so với 2009).

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là sản phẩm may mặc như dệt kim (T-shirt/polo shirts), quần, jackets, sơmi, váy . Hiện những mặt hàng này vẫn phải chịu thuế suất MFN tương đối cao ở thị trường Hoa Kỳ. Trong tương lai khả năng được hưởng GSP ở thị trường này cũng không lớn. Vì vậy, nếu trong đàm phán TPP có thể đề nghị Hoa Kỳ giảm thuế xuống bằng 0 cho các mặt hàng này thì cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn.

Có thể chấp nhận Hoa Kỳ giữ mức thuế suất hiện tại đối với các dòng thuế của ngành không/ít tiềm năng xuất khẩu sang Hoa Kỳ (những sản phẩm dệt hoặc may mặc không được liệt kê ở trên).

3/ Những rào cản thương mại (quy định kỹ thuật TBT, vệ sinh dịch tễ SPS, thủ tục hải quan…) nào mà đối tác TPP (đặc biệt là Hoa Kỳ) đã, đang hoặc sẽ áp dụng gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cần phải được giảm bớt hoặc hủy bỏ?

Những rào cản thương mại đang gây khó khăn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ hiện nay tập trung ở các hình thức:

-    Các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm đối với các sản phẩm dệt may;

-    Các nguy cơ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp

Đây là những rào cản nguy hiểm đối với hàng dệt may Việt Nam hiện tại và trong tương lai (do Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ và Hội đồng các tổ chức dệt Hoa kỳ NCTO đang ngày càng gây nhiều áp lực ở Hoa Kỳ để tăng cường các rào cản đối với hàng dệt may nói chung và từ Việt Nam nói riêng).

Vì vậy, Cơ quan đàm phán cần lưu ý tập trung vào các nội dung:

-    Thuyết phục Hoa Kỳ chấp nhận hoặc có lộ trình chấp nhận sớm quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam;

-    Thuyết phục Hoa Kỳ chấp nhận các hình thức nới lỏng hoặc tạo điều kiện về các quy định kỹ thuật, điều tra phòng vệ đối với Việt Nam.

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong đàm phán TPP liên quan đến dệt may: quy tắc xuất xứ. Thực tế, khoảng 70% vải, phụ liệu cho may mặc Việt Nam hiện đang lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (các nước hiện không phải đối tác TPP). Do vậy, nếu TPP áp dụng quy chế xuất xứ ngặt nghèo (như yarn forward) – chỉ tính chấp nhận xuất xứ Việt Nam đối với sản phẩm có nguyên liệu xuất xứ từ các đối tác TPP, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho Việt Nam, do tỷ lệ sản phẩm may mặc đáp ứng yêu cầu trên chỉ khoảng 30%. Vì vậy Cơ quan đàm phán cần tính đến thực tế này để có phương án đàm phán thích hợp về xuất xứ nói chung và xuất xứ đối với hàng dệt may nói riêng để quy tắc xuất xứ không làm vô hiệu hóa lợi thế mà việc cắt giảm thuế quan ở Hoa Kỳ có thể mang lại cho dệt may Việt Nam). Cụ thể, cần thuyết phục được Hoa kỳ chấp nhận quy chế xuất xứ có lợi cho Việt Nam, nếu không được thì phải đàm phán để có được lộ trình từ 8-10 năm (với quota vải từ nước thứ 3).

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho thực thi, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực in, nhuộm, hoàn tất để thu hút các nhà sản xuất trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào sản xuất vải, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngặt nghèo về xuất xứ.

4/ Việt Nam có thể cắt giảm thuế quan đối với những dòng sản phẩm nào (theo mã HS) thì có lợi hoặc không gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp của ngành? Dòng sản phẩm nào có thể cắt giảm ngay? Dòng sản phẩm nào cần lộ trình dài hơn (và lộ trình là bao nhiêu năm)?

Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với cả thiết bị dệt may và nguyên liệu bông do trong nước không sản xuất được. Ngoài ra do chi phí sản xuất trong nước thấp, sản phẩm may mặc VN có khả năng cạnh tranh cao hơn các sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ và nhiều đối tác TPP. Do vậy việc giảm thuế nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng gì lớn đối với sản xuất và thị trường trong nước.