Việt Nam và TPP - Những suy tính thiệt hơn

01/01/2011    150

Ngày 13/11/2010, nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo chính thức quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) với tư cách là thành viên chính thức của đàm phán này.

Đây là quyết định được Việt Nam đưa ra khá muộn, sau hơn một năm tham gia đàm phán TPP với vai trò thành viên liên kết duy nhất, sau nhiều lời kêu gọi của các thành viên đàm phán TPP (đặc biệt là Hoa Kỳ) và tất nhiên, sau nhiều cân nhắc trong nước của các nhà chính trị, các chuyên gia và cả ý kiến của khối doanh nghiệp. Sự thận trọng này được giải thích bởi những phức tạp khó lường và ảnh hưởng lớn mà TPP có thể có đối với nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta sẽ được gì?

Ký kết một FTA đồng nghĩa với việc chấp thuận mở rộng thị trường của mình cho hàng hóa dịch vụ nước ngoài cũng như xác lập quyền tiếp cận ưu tiên của hàng hóa dịch vụ nước mình tại thị trường đối tác.

Với cách hiểu thông thường này, lợi ích trong TPP của Việt Nam chủ yếu nằm ở khả năng hàng hóa dịch vụ của chúng ta sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác thông qua việc đối tác cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện đối với đầu tư dịch vụ.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế dịch vụ của Việt Nam hầu như chưa thể “xuất khẩu” hay “bành trướng” đi đâu trừ một số đầu tư ban đầu ở Lào hay Campuchia. Vì thế lợi ích từ TPP được rút gọn ở việc hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được hưởng các mức thuế suất ưu đãi (0-5%) ở các thị trường đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc chúng ta có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ với mức thuế suất bằng 0 hoặc thấp như vậy sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng hết sức sáng sủa cho nhiều ngành hàng của chúng ta, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu.

Ví dụ lợi ích thuế quan từ TPP:

-    TPP có thể sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ với mức thuế suất 0% so với mức thuế trên 7% hiện nay và như vậy mức kim ngạch sang thị trường này sẽ không dừng lại ở mức 5,2 tỷ đô như năm 2009.

-    Kim ngạch ngành da giầy sẽ không phải chỉ là trên 1,3 tỷ đô năm 2009 nếu TPP đạt mức thuế suất là 0% thay vì trên 12% như hiện nay.

Bên cạnh những lợi ích xuất khẩu, Việt Nam có thể “có lời” từ TPP ngay cả ở thị trường nội địa, nơi vốn được xem là “chỉ chịu thiệt” từ các FTA nói chung.
“Khoản lời” này nằm ở những lợi ích gián tiếp mà những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Hoa Kỳ và các nước đối tác TPP. Đó là một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng, những công nghệ và phương thức quản lý mới cho đối tác Việt Nam và một sức ép để cải tổ và để tiến bộ hơn cho các đơn vị dịch vụ nội địa.

Lợi ích cũng có thể đến từ những thay đổi thể chế hay cải cách để đáp ứng những đòi hỏi về pháp luật và cạnh tranh từ TPP. Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Những lợi ích nói trên rõ ràng là không nhỏ và vì vậy cũng không khó giải thích tại sao nhiều chuyên gia cho rằng tham gia TPP thực sự là một cơ hội “không thể bỏ lỡ” cho Việt Nam.

Hào hứng là vậy nhưng có lẽ cũng cần điềm tĩnh hơn để đánh giá thực chất vấn đề và có cách thức để thực sự không bỏ lỡ cơ hội.

Thực tế, cơ hội tăng mạnh xuất khẩu không phải cho tất cả khi mà ví dụ đối với Hoa Kỳ, hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ (hai lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này) thực tế đã đang được hưởng mức thuế suất bằng 0, vì vậy có TPP hay không cũng không quan trọng. Cũng như vậy, dù rằng tương lai không hẳn chắc chắn nhưng một số mặt hàng có thể được Hoa Kỳ xem xét cho hưởng GSP “miễn phí” nếu chúng ta có nỗ lực vận động tốt mà không cần TPP với những cái giá phải trả có thể lớn hơn nhiều (với việc buộc phải mở cửa thị trường nội địa cũng như những ràng buộc khác).

Đối với những mặt hàng khác, trong khi cơ hội tăng xuất khẩu với giá cạnh tranh là có thật và rất lớn (ví dụ dệt may, da giầy), những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay kiện phòng vệ thương mại với quy chế nền kinh tế phi thị trường mà Hoa Kỳ thực hiện rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan. Cũng như vậy những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP.

Vậy là các vấn đề rào cản kỹ thuật TBT, vệ sinh dịch tễ SPS, nguồn gốc xuất xứ hay nền kinh tế phi thị trường là những vấn đề tiên quyết phải đàm phán theo hướng có lợi cho Việt Nam nếu chúng ta muốn thực sự nhận được những lợi ích từ việc giảm thuế quan trong TPP.

Những cam kết liên quan đến các rào cản cần đạt được trong TPP

-    Cam kết hạn chế việc ban hành mới các hàng rào TBT/SPS hoặc Thắt chặt quy trình ban hành để hạn chế những rào cản mới

-    Công nhận quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam

-    Sử dụng quy tắc xuất xứ thích hợp

Mất gì từ TPP?

Như đã đề cập, tham gia FTA nói chung và TPP nói riêng, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác. Nếu Việt Nam có “mất” gì khi tham gia TPP thì là mất ở điểm này chủ yếu.

Việt Nam hiện vẫn còn là thị trường tương đối đóng với nhiều nhóm mặt hàng còn giữ mức thuế MFN khá cao (và với lộ trình mở cửa dài hơi). Vì thế việc phải cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ các nước đối tác TPP có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước này gia tăng nhanh chóng. Hệ quả tất yếu là thị phần của các nhà sản xuất Việt Nam tại sân nhà sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Thu hẹp sản xuất là một nguy cơ không quá xa đối với không ít doanh nghiệp. Đây là thực tế đã từng xảy ra khi chúng ta thực hiện các FTA đã ký mà đặc biệt là ACFTA với Trung Quốc. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân và nông thôn.

Tương tự, trong lĩnh vực dịch vụ, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ) sẽ khiến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh không cân sức.
Cũng có ý kiến lạc quan cho rằng trong trường hợp cụ thể của TPP, cái “mất” này có thể không phải là quá nghiêm trọng nếu quan điểm sau của một số ngành hàng là đúng: rằng hàng hóa hay dịch vụ Hoa Kỳ có phân khúc và khách hàng khác với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, vì vậy với họ cạnh tranh sẽ không quá nguy hiểm, và rằng ở một số lĩnh vực, thị phần nội địa có thể sẽ được phân chia lại, nhưng là giữa các đối thủ Hoa Kỳ với những đối thủ nước ngoài khác trên thị trường Việt Nam là chủ yếu chứ không phải là với các doanh nghiệp Việt Nam. Với các đối tác khác, hệ quả có thể cũng không lớn do ta đã và đang thực hiện mở cửa với họ theo các FTA đã có.

Bên cạnh những mối nguy từ việc mở cửa thị trường nội địa, điều mà nhiều chuyên gia lo ngại từ TPP còn là những cam kết khác về những vấn đề như bảo hộ cao hơn đối với quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi cao trong bảo vệ môi trường, những nguyên tắc về lao động…Đây là những vấn đề phi thương mại nhưng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại nếu yêu cầu cam kết quá cao so với khả năng đáp ứng của Việt Nam. Điều này hoặc là khiến doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều chi phí hơn để thực thi (ví dụ vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) hoặc là sẽ làm vô hiệu hóa những lợi thế có được từ những cam kết cắt giảm thuế của đối tác.

Nguy cơ này, tuy nhiên cũng cần được nhìn nhận khách quan hơn. Cụ thể, cũng có ý kiến cho rằng việc gia tăng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay các tiêu chuẩn về TBT, SPS từ phía Việt Nam khi thực hiện TPP có thể là một công cụ tốt để làm yên lòng các nhà đầu tư từ các nước đối tác TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ. Khả năng gia tăng đầu tư nước ngoài (từ các đối tác TPP) vào Việt Nam cũng từ đó mà tăng lên.

Có lẽ việc cân đong thiệt hơn của một FTA không dễ dàng và cũng khó có thể có một đáp án như nhau với mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp. Đối với TPP, điều này còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán cuối cùng, vào hành động của các doanh nghiệp trong việc vận động phương án đàm phán thích hợp cũng như chiến lược cạnh tranh cho sau này.

Từ sau ngày 13/11 vừa rồi, Việt Nam đã trở thành một bên đàm phán chính thức của TPP. Con đường vậy là đã mở, và hy vọng với người mở đường và cả cộng đồng sẽ nỗ lực để con đường này dẫn tới một triển vọng tương lai tươi sáng hơn…

Ủy ban tư vấn về CSTMQT