Sự can dự của Hoa Kỳ vào TPP và lưu ý đối với Việt Nam

01/01/2011    141

Trong số các nước tham gia TPP tính đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ là nước lớn nhất và do đó cũng là nước có ảnh hưởng nhất tới tiến trình, phạm vi cũng như kết quả đàm phán. Vì vậy việc tìm hiểu mục tiêu, tham vọng cũng như những vấn đề nội bộ liên quan của Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tương lai của TPP.

Ngoài ra, đối với Việt Nam mặc dù TPP tương lai sẽ là Hiệp định thương mại tự do chung giữa Việt Nam và ít nhất là 8 nước khác, Hoa Kỳ vẫn là đối tác chính và cần lưu ý nhất trong đàm phán bởi hai lý do:

-    So với các nước khác, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu);

-    Việt Nam đã có sẵn thỏa thuận thương mại tự do với Australia, New Zealand (trong AANZFTA) và Brunei, Singapore, Malaysia (trong AFTA), đang đàm phán với Peru và sẽ ký FTA với Chile, do đó nếu TPP có đi tới đích thì hiện trạng thương mại giữa Việt Nam với các nước này cũng không thay đổi đáng kể.

Vì vậy việc đàm phán TPP của Việt Nam chủ yếu là đàm phán với Hoa Kỳ. Và những cân nhắc về quan điểm và động thái của nước này là rất quan trọng để xác định phương án đàm phán và thái độ thích hợp của Việt Nam nhằm đạt được hiệu quả đàm phán tốt nhất có thể.

Liên quan đến Hoa Kỳ, có ít nhất 02 vấn đề cần đặc biệt tập trung xem xét.

-    Mục đích của Hoa Kỳ và sự cam kết của nước này đối với đàm phán TPP; và

-    Những khó khăn của Hoa Kỳ và triển vọng thực thi của TPP.
 
Về mục tiêu của Hoa Kỳ

Theo quan sát của các chuyên gia, Hoa Kỳ tham gia đàm phán TPP chủ yếu vì lợi ích kinh tế (các mục tiêu địa chính trị cũng được một số ý kiến nhắc đến, tuy nhiên không được tuyên bố hay thể hiện rõ ràng). Cụ thể, Hoa Kỳ được cho là mong muốn thúc đẩy TPP vì các mục tiêu sau đây:

-    Gia tăng lợi ích của Hoa Kỳ trong chính sách kinh tế và đối ngoại với Đông Nam Á, xây dựng tiền đề cho hội nhập kinh tế của Hoa Kỳ với Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương;

-    Mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu của Hoa Kỳ, gắn với việc thực hiện Sáng kiến Tăng cường Xuất khẩu (với mục tiêu tham vọng là tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ trong vòng 5 năm);

-    Khắc phục tình trạng Hoa Kỳ bị đứng ngoài một khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới do việc gia tăng các Hiệp định Thương mại Tự do trong khu vực này mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ

-    Chống lại những ảnh hưởng ngày càng gia tăng về thương mại của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới

-    Tiếp tục mục tiêu tự do hóa thương mại kiểu Mỹ thông qua việc ký kết và thực thi các FTA (đặc biệt trong hoàn cảnh tiến trình tự do hóa thương mại đa biên thông qua Vòng Đám phán Doha không đạt được tiến triển gì đáng kể).

Có thể thấy là Hoa Kỳ có lợi ích thực sự trong TPP, đặc biệt khi TPP có thể xem là thỏa thuận thương mại lớn duy nhất mà hiện nay Hoa Kỳ đang đàm phán, vì vậy có thể tin tưởng rằng sự tham gia TPP của Hoa Kỳ không phải là một hành động “mang tính biểu tượng” hay chỉ đơn thuần là nhằm phân tán sự chú ý của công chúng khỏi những vấn đề thương mại còn đang dang dở dưới thời Tổng thống tiền nhiệm (mà đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với Panama, Colombia và Hàn Quốc) như nhiều người lo ngại.

Khẳng định này là rất có ý nghĩa từ nhiều góc độ:

-    Thứ nhất, việc đàm phán TPP là thực chất đối với Hoa Kỳ - người “cầm trịch” của quá trình này là một căn cứ quan trọng để các đối tác thực hiện những nỗ lực đàm phán ở mức cao cho TPP. Việt Nam cũng yên tâm hơn khi đặt các nỗ lực vào đàm phán này mà không phải quá lo lắng nỗ lực này không mang lại hiệu quả thực tế chỉ bởi đối tác chưa sẵn sàng hoặc không thực sự muốn có những tiến triển thực chất trong kết quả đàm phán;

-    Thứ hai, những kỳ vọng về lợi ích xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mà Hoa Kỳ đặt vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mong muốn can dự của nước này vào mạng lưới FTA ở khu vực này cũng như đối trọng kinh tế với Trung Quốc tạo nên lợi thế nhất định trong đàm phán TPP cho các nước trong khu vực này, đặc biệt là những nước chưa có FTA với Hoa Kỳ như Malaysia và Việt Nam (đặc biệt trong những vấn đề mà Hoa Kỳ có thể đánh đổi như hạn chế các rào cản nội địa của phía Hoa Kỳ). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những kỳ vọng kinh tế của Hoa Kỳ cũng có thể khiến cho nước này cứng rắn hơn trong các đàm phán mở cửa của các đối tác liên quan (mặc dù từ góc độ nào đó, việc mở cửa thị trường với đối tác như Hoa Kỳ không hẳn sẽ gây ra tác động bất lợi lớn và tức thì như cách mà việc mở cửa thị trường cho Trung Quốc gây ra với các nước).

-    Thứ ba, khi chưa có Malaysia tham gia TPP, Việt Nam là một đích nhắm quan trọng của Hoa Kỳ trong đàm phán này (bởi các nước khác trong khu vực châu Á mà Hoa Kỳ đang nhắm tới hoặc là đã có FTA với Hoa Kỳ, ví dụ Singapore, hoặc là có quan hệ thương mại không đáng kể với Hoa Kỳ như Brunei). Đây có thể là lý do giải thích vì sao mà Việt Nam được nhắc đến rất nhiều trong các bài phát biểu của Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong chuyến công du của ông này tới các bang Hoa Kỳ để thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp về những lợi ích mà TPP có thể mang lại. Sẽ rất tốt nếu Việt Nam tận dụng lợi thế này để đưa ra những yêu cầu thích hợp trong đàm phán với Hoa Kỳ (đặc biệt liên quan đến các vấn đề rào cản mà nước này đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam). Tháng 10/2010, cục diện này có thay đổi đôi chút khi Malaysia, nước có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ, tham gia đàm phán TPP. Với sự hiện diện của Malaysia trong TPP, lợi thế nói trên của Việt Nam không mất đi nhưng bị san sẻ một phần cho nước này. Việt Nam có thể cân nhắc để có tiếng nói cộng hưởng cùng Malaysia về những vấn đề mà cả hai cùng quan tâm trên thị trường Hoa Kỳ, điều có thể làm nên một sức ép nhất định đối với đối tác nổi tiếng cứng rắn này.

Lưu ý đối với Việt Nam

-    Việt Nam có vị thế nhất định trong đàm phán TPP, đặc biệt với Hoa Kỳ và do đó cần biết cách để tận dụng vị thế này

-    Việt Nam có thể kết hợp với những nước có cùng vị thế và điều kiện để đưa ra các yêu cầu đàm phán phù hợp với lợi ích của mình và có thể chấp nhận được bởi các đối tác

Về những khó khăn trong nội bộ Hoa Kỳ

Trong khi quyết tâm đàm phán của Hoa Kỳ trong TPP là tương đối rõ ràng, được hậu thuẫn bởi những định hướng và mục tiêu phát triển thương mại đã được Chính quyền Obama nhấn mạnh, và do đó khả năng kết thúc đàm phán với kết quả cụ thể là tương đối cao, vẫn còn không ít ý kiến lo ngại về khả năng hiện thực hóa các cam kết TPP trên thực tế.

Cụ thể, người ta quan ngại rằng ảnh hưởng của những nhóm lợi ích phản đối TPP và kết quả bầu cử giữa kỳ tháng 11 vừa rồi ở Hoa Kỳ (với việc Đảng Cộng hòa thắng đa số tại Hạ Viện) có thể khiến cho khả năng TPP được thông qua sau khi đàm phán kết thúc mong manh hơn. Những ý kiến này nghi ngờ rằng đàm phán TPP sẽ rơi vào cái bẫy “chờ thông qua” (“pending”) như đang thấy đối với các kết quả đàm phán FTA với Panama, Colombia và Hàn Quốc dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Nói một cách khác, quyết tâm của riêng chính quyền Obama là chưa đủ để có thể hiện thực hóa TPP. Và những khó khăn của Hoa Kỳ liên quan đến khả năng thông qua TPP rất có thể sẽ khiến cho nỗ lực đàm phán của các nước đối tác trở thành vô nghĩa, hoặc chính xác hơn là kéo dài vô thời hạn thời điểm cam kết trong TPP có hiệu lực thực tế.

Về vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng sự tồn tại những ý kiến khác nhau về lợi ích của TPP ở Hoa Kỳ là bình thường, cũng giống như trong tất cả các trường hợp FTA khác. Luôn luôn có những nhóm phản đối tự do hóa thương mại, với cáo buộc rằng tiến trình này sẽ khiến cho cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Hoa Kỳ khó khăn hơn, và vì thế có thể khiến nguy cơ phá sản, mất việc làm tăng lên. Chủ nghĩa “nghi ngờ” này luôn tồn tại ở Hoa Kỳ, và đặc biệt có phần gia tăng trong giai đoạn khủng hoảng.

Liên quan đến đàm phán TPP, nhiều ngành sản xuất của Hoa Kỳ ủng hộ việc chính quyền tham gia đàm phán này với hy vọng khai thác nhiều hơn những lợi ích ở thị trường các nước TPP trong các ngành sản xuất quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm nông nghiệp (nhưng không bao gồm ngành sữa), các sản phẩm công nghiệp, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, các ngành công nghệ cao, điện tử, các lĩnh vực dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ y tế, bảo hiểm, đầu tư, ngân hàng…). Bên cạnh đó, như trong bất kỳ các trường hợp khác, các nhóm theo xu hướng bảo hộ như các tổ chức công đoàn, ngành sữa và ngành dệt may Mỹ vẫn tỏ thái độ nghi ngờ về những lợi ích mà TPP có thể mang lại và do đó không mặn mà, thậm chí phản đối việc chính quyền nước này dành nguồn lực để đàm phán TPP. Trong tương quan lực lượng thì số ủng hộ TPP vẫn là áp đảo, vì vậy ít có lý do để lo lắng rằng áp lực của nhóm phản đối có thể dẫn đến khả năng Nghị viện bị thuyết phục rộng rãi đến mức không thông qua TPP.

Nỗ lực gần đây của Phó Đại diện thương mại Hoa Kỳ khi thực hiện chuyến công du tới các bang để thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp về các lợi ích của TPP thực chất là nhằm thuyết phục làn sóng nghi ngại đang gia tăng ở Mỹ về ích lợi của tự do thương mại. Làm điều này, họ cũng muốn thể hiện hình ảnh một Đại diện thương mại rất thấu hiểu những khó khăn của người lao động trung bình trong xã hội Mỹ và rất nhạy cảm với những quan ngại của giới này về tự do thương mại. Nỗ lực này của USTR, vì vậy, mang màu sắc chính trị (lôi kéo công chúng) hơn là vì lo ngại TPP sẽ bị phản đối dữ dội tới mức không thể tiến hành được.

Tuy nhiên, khác với sự lo sợ làn sóng phản đối từ công chúng trong nội bộ Hoa Kỳ, mối quan ngại về việc TPP sẽ không được thông qua dù đàm phán xong xuôi xuất phát từ việc Đảng Cộng hòa (đảng đối lập với chính quyền của Đảng Dân chủ hiện nay) chiến thắng tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống Obama lại cần phải xem xét thấu đáo hơn nhiều. Cụ thể, do TPP dự kiến sẽ không thể thông qua theo thủ tục “rút gọn” (fast-track) với sự tham gia hạn chế của Nghị viện; TPP sẽ phải được Nghị viện xem xét đầy đủ và thông qua thì mới có thể trở thành hiện thực. Vì vậy sự ủng hộ của Nghị viện có ý nghĩa quyết định đối với tương lai TPP, một sự ủng hộ tương đối khó khăn trong điều kiện Nghị viện và Chính quyền thuộc 2 chính đảng đối lập nhau.

Ý kiến lạc quan cho rằng Phe Cộng hòa trong Nghị viện vốn luôn ủng hộ các sáng kiến tự do thương mại nói chung và TPP nói riêng (thậm chí trong quá khứ TPP còn là chủ đề nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Đảng Cộng hòa dưới thời Tổng thống Bush). Và định hướng của một Đảng về một vấn đề cụ thể đã được xác định trước đó thì không dễ thay đổi (trừ khi có những biến động lớn). Trong quá khứ, Tổng thống Bill Clinton (đảng Dân chủ) cũng đã từng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các nghị sỹ Đảng Cộng hòa khi thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Do đó nhóm ý kiến này lạc quan rằng chiến thắng của Đảng Cộng hòa thực tế là động lực mạnh hơn để TPP có thể được thông qua.

Tuy nhiên nhóm ý kiến thận trọng hơn lại cho rằng vẫn tồn tại khả năng phe Cộng hòa trong Hạ viện có thể gây khó dễ cho Chính quyền Obama bằng việc không thông qua TPP (mà không phải vì vấn đề bản chất của Hiệp định này). Ngoài ra, nếu các FTAs đã ký kết và hiện vẫn đang “nằm chờ” trên bàn các nghị sỹ hiện nay (với Panama, Colombia và Hàn Quốc) không được thông qua thì việc thông qua TPP được dự báo là sẽ khó khăn.

Bên cạnh những yếu tố chính trị, trong tương lai việc thông qua TPP hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc TPP mang lại lợi ích như thế nào cho Hoa Kỳ (điều chỉ có thể xác định được đầy đủ khi đã nội dung đàm phán TPP đã hoàn tất). Và vì thế rất khó có thể dự đoán cụ thể về khả năng Nghị viện Hoa Kỳ thông qua TPP tại thời điểm này.

Sự bất định này có thể những tác động không nhỏ tới đàm phán TPP mà các nước TPP, trong đó có Việt Nam, phải lưu ý:

-    Thứ nhất, cần cân nhắc vấn đề này để xác định lộ trình đàm phán TPP thích hợp, tránh trường hợp đàm phán dở dang kéo dài hoặc rơi vào chờ đợi chỉ vì tình hình chính trị ở Hoa Kỳ không thuận lợi hoặc không thích hợp (ví dụ nếu không đàm phán nhanh, ít nhất là về những vấn đề cơ bản, bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 có thể sẽ làm đình đốn quá trình đàm phán, và sau đó nữa thì khó có thể nói về tương lai TPP);

-    Thứ hai, có thể phải xem xét khả năng tiến hành vận động giới chính trị và công chúng Hoa Kỳ trong việc thông qua TPP nói chung cũng như sự ủng hộ của họ trong từng giai đoạn đàm phán nói riêng nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là TPP có hiệu lực trên thực tế – đây không phải là việc dễ làm nếu không có sự đồng lòng từ các nước TPP (trong khi đó lại có khá nhiều nước đã có FTA với Hoa Kỳ và do đó nhu cầu không đặc biệt lớn).

Lưu ý đối với Việt Nam

-    Cần tăng tốc đàm phán TPP (ít nhất là về những nội dung cốt lõi) để tận dụng được cơ hội kết thúc đàm phán TPP (và thông qua, nếu có thể) trong thời gian sớm nhất;

-    Nghiên cứu khả năng cùng các đối tác tiến hành vận động hành lang tại Hoa Kỳ để tăng khả năng TPP được thông qua sau khi hoàn thành đàm phán


Ủy ban tư vấn về CSTMQT