Canada, Nhật Bản và những quan ngại nội địa – Lưu ý đối với Việt Nam

01/01/2011    129

Trong số các nước bày tỏ ý định xem xét gia nhập đàm phán TPP, Canada và Nhật Bản là hai nước có hành động rõ ràng nhất về vấn đề này.

Cụ thể, hai nước này đã tiến hành một số cuộc gặp với các nước thành viên TPP để trao đổi thông tin, tìm hiểu về tham vọng của quá trình đàm phán cũng như kỳ vọng của các nước thành viên khi tham gia TPP.

Tuy nhiên, một vài trong số các nước thành viên TPP không mấy hào hứng với việc mời Canada tham gia TPP, một phần lý do chủ yếu là bởi nước này vẫn giữ lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ ngành sữa.

Về phần Nhật Bản, nước này hiện đang gặp phải những khó khăn trong việc trao đổi, tham vấn và thuyết phục các nhóm lợi ích nội địa về sự tham gia TP nên chưa thể sớm có quyết định chính thức. Mặt khác, cũng như Canada, Nhật Bản dường như vẫn giữ quan điểm duy trì bảo hộ ở mức độ cao đối với ngành nông nghiệp và điều này khiến một số thành viên TPP không hẳn mặn mà với việc Nhật Bản tham gia đàm phán này.

Việc các nước này có tham gia TPP hay không và cách thức tiếp nhận của các đối tác hiện có trong TPP về sự tham gia này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đàm phán cũng như tương lai kết quả của TPP. Đối với Việt Nam, sự tham gia này đặt ra ít nhất 02 vấn đề quan trọng:

-    Việc xem xét có chấp nhận sự tham gia của các nước mới vào đàm phán TPP hay không cần được xem xét cẩn trọng từ góc độ lợi ích có liên quan của Việt Nam chứ không đơn thuần là từ thái độ chung của các đối tác trong TPP (tất nhiên thái độ này phải được tính đến trong mọi quyết định). Ví dụ đối với Canada, việc tiếp cận thị trường sữa của nước này không phải là quá quan trọng đối với Việt Nam trong khi việc khai thác những lợi thế khác từ nước này lại có ý nghĩa với chúng ta. Còn đối với Nhật Bản, quan hệ đối tác kinh tế chiến lược trong khuôn khổ VJEPA đã là tương đối thuận lợi cho Việt Nam, vì vậy câu chuyện tiếp cận bằng được thị trường nông sản nước này không phải là vấn đề đặc biệt cần nhấn mạnh của Việt Nam;

-    Việc các nước như Canada, Nhật Bản có những lưu tâm đặc biệt tới việc bảo hộ ngành nông nghiệp của nước mình là điều mà Việt Nam cũng nên học tập để bảo vệ nhóm chủ thể dễ bị tổn thương (và thực tế là đã bị ảnh hưởng tiêu cực) từ tự do hóa thương mại của mình. So với các nước khác, Việt Nam cũng chưa dành được nhiều hỗ trợ cho nhóm đối tượng đặc biệt này, vì vậy việc bảo hộ bằng việc hạn chế ở mức độ cần thiết việc mở cửa thị trường liên quan lại càng cần được nhấn mạnh hơn nữa. Ngoài ra, lựa chọn bảo hộ của các nước này cũng là điều nhắc nhở chúng ta rằng việc bảo hộ nên hướng tới những đối tượng nhạy cảm (đặc biệt là nông dân và nông thôn) chứ không thể và không nên tập trung vào những nhóm đối tượng mà năng lực cạnh tranh hạn chế chủ yếu do đã được bảo hộ quá lâu và không tự đặt mình vào sức ép cạnh tranh mới.

Lưu ý đối với Việt Nam

-    Cơ quan đàm phán tăng cường sự quan tâm bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập mở cửa (đặc biệt là nông dân, nông thôn)

-    Việt Nam có chính kiến cụ thể trong việc tiếp nhận hay không tiếp nhận thành viên mới trong đàm phán TPP

Ủy ban tư vấn về CSTMQT