TPP – Hiệp định thương mại của thế kỷ 21?

01/01/2011    166

Bình cũ rượu mới

Từ mùa thu năm 2008, sau khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thông báo quyết định chính thức của Tổng thống nước này về việc tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP), TPP bắt đầu trở thành một chủ đề nóng trong tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế, được nhắc đến và thảo luận ở nhiều cấp độ không chỉ bởi các bên tham gia vào đàm phán này.

Tuy vậy, trên thực tế TPP đã bắt nguồn từ rất lâu trước đó. Cụ thể, từ đầu những năm 2000, Singapore, Chile, New Zealand, Brunei đã tiến hành đàm phán một hiệp định thương mại tự do nhằm kết nối các nước ở khu vực này với nhau. Kết quả là Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) đã được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước này (vì vậy Hiệp định này còn được gọi là TPP4 hay P4). Vào thời điểm đó, P4 không gây ảnh hưởng lớn mặc dù đây là một Hiệp định thương mại thuộc thế hệ thứ ba (với mức độ cam kết tương đối mạnh trong các lĩnh vực hàng hóa, nông nghiệp, dệt may, xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, giải quyết tranh chấp và một số lĩnh vực dịch vụ).

Chỉ đến khi Hoa Kỳ chính thức bày tỏ ý định tham gia vào đàm phán mở rộng Hiệp định này, đặc biệt ở các lĩnh vực dịch vụ tài chính và kêu gọi nhiều nước khác ngoài P4 tham gia vào đàm phán mở rộng này, đàm phán này mới bắt đầu nhận được sự “quan tâm” đặc biệt của nhiều bên, bao gồm cả những nước nhận thấy lợi ích tiềm năng của việc tham gia đàm phán lẫn các nước linh cảm được những đe dọa từ Hiệp định tương lai này. Cũng từ thời điểm này, đàm phán P4 mở rộng chính thức được đặt tên lại là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) (kể từ đây nói đến TPP là nói đến đàm phán mới chứ không phải Hiệp định đã ký kết trước đây).

Sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới (Hoa Kỳ), vào một khu vực có tốc độ phát triển thương mại cũng như tự do hóa thương mại thuộc bậc nhất thế giới (châu Á – Thái Bình Dương) là nguyên nhân chính của sự thay đổi thái độ này.

Một yếu tố khác cũng rất quan trọng làm nên sự thay đổi về ý nghĩa của TPP chính là tham vọng của Hoa Kỳ, bên đàm phán “cầm trịch” của TPP, trong việc quyết tâm để TPP trở thành “Hiệp định thương mại của Thế kỷ 21” theo nghĩa đây sẽ là một hiệp định có mức độ tự do cao, ở tất cả các lĩnh vực thương mại và cả những lĩnh vực phi thương mại quan trọng.

Vậy là chiếc bình “TPP” của năm 2006 đã được mang ra để đựng “rượu” mới. Dù chưa biết chắc rượu ấy vị sẽ thế nào, nhưng tất cả đều tin rằng nó sẽ rất mạnh, có thể làm “say” những ai “tửu lượng” kém.

Hiệp định thế kỷ 21 hay là Tham vọng của Hoa Kỳ

Dù bắt đầu từ 2008, các Vòng đàm phán TPP mới chính thức được khởi động từ cuối năm 2009 (sau khi tình hình nội bộ Hoa Kỳ đã đi vào quỹ đạo mới sau những sắp xếp nhân sự nhiệm kỳ Tổng thống mới).

Tính đến tháng 11/2010, TPP đã trải qua 03 Vòng đàm phán (Vòng 1 tại Úc tháng 3/2010, Vòng 2 tại Hoa Kỳ tháng 6/2010 và Vòng 3 tại Brunei tháng 10/2010) với sự tham gia của 08 đối tác bao gồm: Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Malaysia mới tuyên bố chính thức tham gia đàm phán TPP trong tháng 10 vừa rồi, nâng tổng số thành viên đàm phán hiện tại của hiệp định này lên con số 9 nước. Trong tương lai, số lượng các Bên tham gia đàm phán còn có thể mở rộng thêm (ví dụ Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… đang cân nhắc việc tham gia TPP).

Cho đến nay các Vòng đàm phán này vẫn đang giải quyết các vấn đề chung về phạm vi và phương pháp tiếp cận các vấn đề trong TPP cũng như giải quyết những vấn đề khúc mắc liên quan đến quan hệ giữa TPP với các Hiệp định thương mại tự do song phương đã có giữa các nước TPP).

Đàm phán TPP thực chất là đàm phán với ai?

Liên quan đến Việt Nam, mặc dù TPP tương lai sẽ là Hiệp định thương mại tự do chung giữa Việt Nam và ít nhất là 8 nước khác, Hoa Kỳ vẫn là đối tác chính và cần lưu ý nhất trong đàm phán bởi hai lý do:

-         So với các nước khác, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu);

-         Việt Nam đã có sẵn thỏa thuận thương mại tự do với Australia, New Zealand (trong AANZFTA) và Brunei, Singapore, Malaysia (trong AFTA), đang đàm phán với Peru và sẽ ký FTA với Chile, do đó nếu TPP có đi tới đích thì hiện trạng thương mại giữa Việt Nam với các nước này cũng không thay đổi đáng kể.

Vì vậy việc đàm phán TPP của Việt Nam chủ yếu là đàm phán với Hoa Kỳ.

Tuy chưa có sự thống nhất nào về các vấn đề đàm phán cụ thể trong TPP, nhiều ý kiến cho rằng đã có thể suy đoán phần nào về phạm vi này khi nhìn vào tính chất của các FTA nói chung, hiện trạng P4 nói riêng cũng như tham vọng đối với TPP của Hoa Kỳ, bên đàm phán có ảnh hưởng lớn nhất đối với tiến triển đàm phán:

-    Các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreements - FTA) đòi hỏi mức độ cam kết mở cửa sâu hơn các cam kết mở cửa thương mại thông thường; các FTA thế hệ sau này có phạm vi và mức độ mở cửa mạnh hơn nữa, và TPP chắc chắn sẽ không nằm ngoài xu hướng này;

-    P4 đã có cam kết mạnh về thuế quan và nhiều vấn đề phi thuế quan như (xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, chính sách cạnh tranh…và cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường), vì vậy TPP mới chắc chắn sẽ có phạm vi lớn hơn nữa;

-    Hoa Kỳ kỳ vọng TPP là “một FTA của thế kỷ 21” với mong muốn đằng sau đó là TPP sẽ có phạm vi lớn nhất có thể, và với mức độ mở cửa rộng nhất có thể. Cụ thể, Hoa Kỳ mong muốn TPP sẽ đi xa hơn những cam kết mà nước này đã thực hiện trong các FTA ký kết gần đây nhưng chưa được Nghị viện Hoa Kỳ thông qua (đặc biệt là FTA với Colombia, Panama, Hàn Quốc).

Từ những điều này, nhiều chuyên gia đã dự báo về phạm vi và xu hướng đàm phán “đầy tham vọng” của TPP, ví dụ:

-    Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn

-    Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính

-    Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư

-    Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+)

-    Các biện pháp SPS, TBT: Siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật;

-    Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công

-    Các vấn đề lao động: đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (công đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động

-    Các vấn đề phi thương mại khác: Tăng yêu cầu về môi trường

Ủy ban tư vấn về CSTMQT