Phát biểu tại lễ công bố 18 thành viên của Hội đồng cố vấn Tổng thống về xuất khẩu ở Nhà Trắng cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang triển khai "Sáng kiến xuất khẩu quốc gia," nhằm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong vòng 5 năm tới. 

Mỹ đang trên đường lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái, và hy vọng có được sự phục hồi mạnh mẽ, lâu dài, cũng như tạo nhiều việc làm hơn nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần 10% hiện nay. 

Để làm được việc này, kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu. Ông B. Obama nói: "Chính quyền Mỹ đã nỗ lực làm việc để tăng cường vị thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu trong nước, dỡ bỏ các hàng rào thương mại và thực thi các quy tắc thương mại, với mục tiêu đảm bảo rằng lợi ích từ thương mại toàn cầu được chia sẻ một cách rộng rãi." 

Theo đó, Chính quyền Tổng thống B. Obama đang tập trung vào chính sách chiến lược gia tăng xuất khẩu, coi đây là một nguồn tạo ra việc làm mới và thúc đẩy phát triển kinh tế sau khủng hoảng. Mục tiêu của Nhà trắng là đạt mức xuất khẩu trị giá ba nghìn tỷ USD vào năm 2015. 

Báo Bưu điện Washington số ra gần đây viết, hiện tại, châu Á là khu vực duy nhất trên thế giới phát triển tương đối ổn định, không bị ảnh hưởng bởi những rắc rối về nợ nần và hệ thống ngân hàng. Châu Á, với tầng lớp trung lưu gia tăng, đang dẫn đầu thế giới vượt qua cuộc suy thoái kinh tế. Các nền kinh tế của khu vực này cũng đang hội nhập nhanh hơn so với dự kiến, với nhiều dự án và các thỏa thuận thương mại mới hứa hẹn thúc đẩy tiến trình phục hồi bền vững. 

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, nhu cầu ngày càng tăng của châu Á đối với trang thiết bị, hàng may mặc, điện tử tiêu dùng và đồ gia dụng sẽ không giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp của Mỹ. Phó Chủ tịch Tập đoàn Showa Denko của Nhật Bản Masanori Kudo cho biết, nhu cầu gia tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Ðộ và Inđonexia. Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: Ðây là lần đầu châu Á dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng không chỉ dựa trên hàng hóa xuất khẩu mà còn từ chính nhu cầu mạnh mẽ trong nước và sự tăng mạnh về đầu tư. Do vậy, Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, một thị trường quan trọng đối với các quốc gia khác và là trung tâm cho các triển vọng tăng trưởng của châu Á. 

Ngược lại, châu Á lại nổi bật với tốc độ tăng trưởng hai con số của Trung Quốc, chi tiêu mạnh vào cơ sở hạ tầng ở Ấn Ðộ và ảnh hưởng gia tăng của các nền thương mại như Singapore, Indonexia, Malaixia... Sự tăng trưởng của châu Á vẫn là một tin tốt lành cho các công ty Mỹ, vì thu nhập của người dân ở các nước châu Á tăng đồng nghĩa với việc các loại hàng hóa cao cấp của Mỹ và châu Âu được tiêu thụ nhiều hơn.

Sau tuyên bố về kế hoạch xuất khẩu của Tổng thống Mỹ B. Obama, Nhà Trắng cho biết nhờ các chính sách nói trên cũng như đà phục hồi kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Mỹ trong bốn tháng đầu năm nay đã tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng khởi sắc này sẽ tiếp tục, giúp Mỹ đạt được mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm mới trong 5 năm tới.

Những hồ nghi về đà phục hồi kinh tế của châu Âu đã thúc đẩy Mỹ chú trọng hơn vào nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và các cường quốc kinh tế đang nổi khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Toronto (Canada) cuối tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Mỹ B. Obama đã thông báo thời hạn kết thúc hiệp định tự do thương mại (FTA) với Hàn Quốc, đồng thời vẫn tiếp tục thúc ép Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ - nhân tố mà Washington hy vọng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của Mỹ.

Nhà Trắng cho hay, FTA với Hàn Quốc - hiện vẫn cần sự xem xét thông qua của Quốc hội Mỹ - sẽ giúp xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng thêm khoảng 10-11 tỷ USD và tạo ra thêm 70.000 việc làm mới.

Để giúp triển khai các mục tiêu của “Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia”, chính quyền Mỹ đã quyết định thành lập Hội đồng cố vấn xuất khẩu của Tổng thống, gồm 20 thành viên.

Hiện hội đồng này đã có 18 thành viên, gồm các giám đốc điều hành doanh nghiệp, các lãnh đạo nghiệp đoàn và quan chức chính phủ. Hai thành viên còn lại sẽ sớm được bổ nhiệm trong nay mai.

Tổng thống Mỹ B. Obama nhấn mạnh: "Tôi tin rằng kinh nghiệm sâu sắc của các thành trong lĩnh vực tư nhân sẽ rất giá trị, giữa lúc chúng tôi nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường mới cho hàng hóa Mỹ, nhằm tăng gấp đôi xuất khẩu và tạo thêm nhiều việc làm vào năm 2015." 

Trong số các đời tổng thống Mỹ, ông Obama là người đầu tiên đề cập đến xuất khẩu, trong khi các tổng thống khác nói về thương mại tự do. Giám đốc điều hành thương mại toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, Tan Kah Chye nhận định: "Ðây là một sự chuyển đổi quan trọng, Mỹ vẫn là nhà sản xuất lớn đối với các sản phẩm làm thay đổi cuộc sống, nhưng Mỹ sẽ cần nhiều hơn tới các nhà sản xuất khác, chứ không chỉ Apple và Microsoft".

Trong báo cáo về xúc tiến mục tiêu đầy tham vọng tăng gấp đôi xuất khẩu vào năm 2015, ông Obama nhấn mạnh: "Kế hoạch tăng cường xuất khẩu của Mỹ sẽ giúp củng cố đà phát triển kinh tế và hỗ trợ hàng triệu việc làm, với mức lương cao cho người lao động Mỹ."

Nguồn: Báo công thương điện tử