EVFTA là "cánh cửa" để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại thị Đức, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực châu Á và ASEAN ở thị trường Đức chưa có FTA với EU.

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,6 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt, may đạt 409 triệu USD; giày dép các loại đạt 518 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 613 triệu USD…

Bộ Công Thương khẳng định Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ…

Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này.

Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang Đức có các cơ hội được cắt giảm thuế quan, giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh, tiết giảm các rào cản phi thuế quan…

Các chuyên gia cho rằng EVFTA là "cánh cửa" để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại thị Đức, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực châu Á và ASEAN ở thị trường Đức chưa có FTA với EU.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Đức đạt 1,5 tỷ USD. Trong EVFTA, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan cho rất nhiều hàng hóa nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất trong nước nhập khẩu từ các quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chất lượng tốt nhất với giá thấp hơn nhiều so với trước kia.

Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là quy tắc xuất xứ. Thực tế, nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Vì vậy, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng cơ hội thuế quan từ Hiệp định này.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Đức, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần tìm hiểu cam kết thuế quan mà EU dành cho Việt Nam và tuân thủ, cập nhật thường xuyên các quy định và thủ tục nhập khẩu của EU và Đức.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng Đức để đưa ra các sản phẩm phù hợp. Đối với một thị trường khó tính như thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Nguồn: Báo Kinh tế chứng khoán