Dưới tác động của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp dệt may ghi nhận sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, trong khi số khác lại đạt sự bứt phá ấn tượng nhờ may mắn nằm ngoài vùng dịch.

Doanh nghiệp vùng dịch khó khăn

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) là một trong những doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng nặng nề khi toàn bộ nhà máy đều nằm ở khu vực bùng phát dịch Covid-19 tại phía Nam.

Báo cáo tài chính quý 3/2021 của TCM ghi nhận doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020, ở mức 783 tỷ đồng; lãi gộp theo đó cũng giảm 57%, chỉ đạt 76 tỷ đồng.

Thêm vào đó, các chi phí của TCM đồng loạt tăng cao. Trong đó, chi phí tài chính tăng 7%, chi phí bán hàng tăng 24% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15%. Kết quả, TCM lỗ 2,5 tỷ đồng trong quý 3/2021, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 85 tỷ đồng.

Trong thông tin công bố trước đó, TCM cho biết công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7/2021 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, trong khi chi phí hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" cao.

Điểm tích cực là hiện TCM đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022. Để sản xuất kịp tiến độ giao hàng, công ty đang phải nỗ lực đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2.

Công ty CP Garmex Sài Gòn (GMC) cũng nếm “trái đắng” thua lỗ trong quý 3/2021 khi có 2 trong tổng số 3 nhà máy nằm ở vùng dịch tại TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cụ thể, doanh thu thuần của GMC giảm 54% trong quý 3/2021, chỉ đạt 204 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, sự sụt giảm này là do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đơn hàng nhận được từ khách hàng giảm. Trong quý 3/2021, TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nên tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, khiến cho doanh thu sản xuất và doanh thu bán hàng giảm. Kết quả, GMC lỗ ròng 6,8 tỷ đồng trong quý 3/2021.

Bứt phá nhờ duy trì sản xuất

Trái ngược với các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp dệt may khác may mắn có nhà máy nằm ngoài vùng dịch lại ghi nhận sự bứt phá ấn tượng khi hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.

Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có địa bàn hoạt động ở tỉnh Thái Nguyên, nơi ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh thu quý 3/2021 của TNG đạt 1.710 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận lại ghi nhận tăng trưởng hơn 31%, đạt 85 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT của TNG, ngay từ đầu năm, công ty đã định hướng được việc tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19 sang Việt Nam nên TNG đã tập trung vào dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn. Bên cạnh đó, công ty cũng áp dụng triệt để các giải pháp quản trị tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) đạt được gần 4.000 tỷ đồng doanh thu trong quý 3/2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, giá vốn lại chỉ tăng 17% - thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng tới hơn 87%. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VGT đạt được 316 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc VGT, mức tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ sự đóng góp của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, đặc biệt là lĩnh vực sợi. Sau giai đoạn 2019-2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại và dịch bệnh, thị trường sợi đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Các đơn vị sợi trong tập đoàn đều có kết quả kinh doanh tốt, đóng góp đáng kể vào kết quả tích cực chung toàn tập đoàn.

Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, trong quý 3/2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh của một số đơn vị may ở khu vực này có những diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, hiện tập đoàn vẫn đang kiểm soát tốt tình hình chung, có thể khó khăn và thuận lợi theo từng doanh nghiệp, song kết quả chung của tập đoàn vẫn đạt mức tốt.

Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) là một trường hợp đặc biệt khi nhà máy cũng nằm trong vùng dịch nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3/2021 của STK tăng trưởng tới 43%, đạt gần 469 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 62 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020.

Lý giải về kết quả ấn tượng này, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc STK cho biết, trong quý 3/2021, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến năng suất khai thác máy móc thiết bị của công ty cũng như việc bán hàng bị chậm lại. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn tốt hơn cùng kỳ năm trước nhờ công ty linh hoạt ưu tiên sản xuất và bán các mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao hơn, giúp biên lợi nhuận cao hơn và đạt kế hoạch quý, mặc dù doanh thu chưa đạt kế hoạch.

Nguồn: Báo Công Thương