Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…, đồng thời là trung tâm xuất khẩu lớn tại châu Á.

Xuất khẩu máy tính, điện thoại, thép… tăng vọt

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4, kéo dài nhiều tháng tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam không cản trở việc Việt Nam duy trì vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%…

Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2021 dù giảm 0,8% so với tháng 8/2021 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều nhà máy phía Nam dừng sản xuất, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành hàng xuất khẩu nhiều chục tỷ USD như da giày, dệt may, điện tử, máy móc thiết bị… vẫn duy trì mức tăng trưởng dương nhờ nỗ lực sản xuất và hoàn thành đơn hàng.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong tháng 8/2021 giảm 16% so với tháng 7 và giảm gần 2,7% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, tình hình chưa mấy cải thiện khi xuất khẩu chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm trên 9% so với tháng 8 và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, lũy kế 9 tháng, dệt may xuất khẩu hơn 28 tỷ USD, trong đó, mã hàng dệt - may mặc tăng 5,8%, vải tăng 32,4%, xơ sợi tăng 60,2%.

Tại miền Bắc, một doanh nghiệp lớn là Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) đã linh hoạt ứng biến để giảm thiểu nhiều nhất khó khăn trước tác động của dịch bệnh. “Doanh thu sản xuất gia công (CM) 9 tháng đạt gần 15 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lẽ, mức tăng trưởng sẽ lớn hơn nếu dịch Covid-19 không kéo đơn giá gia công sụt giảm, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng”, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Hugaco thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng của doanh nghiệp.

Ngành thép được đánh giá là bội thu đơn hàng, đưa doanh thu xuất khẩu sắt thép trong 3 tháng gần đây vượt trên 1 tỷ USD/tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu của ngành này đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% (tương ứng mức tăng thêm 4,582 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Là ngành hàng xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất của cả nước, 9 tháng qua, điện thoại, linh kiện đã ghi nhận con số ấn tượng 41,326 tỷ USD về doanh thu từ xuất khẩu, tăng 12,4% so với cùng kỳ (tương đương mức tăng thêm 4,546 tỷ USD).

Tại cuộc gặp tuần trước với lãnh đạo ngành công thương, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, Samsung Việt Nam đã nỗ lực cùng các công ty cung ứng khắc phục khó khăn để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng của mình. “Sự ổn định của các doanh nghiệp cung ứng trong nước đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu nói chung và Samsung Việt Nam nói riêng”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã làm gián đoạn kế hoạch mở rộng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức 2 con số trong 9 tháng năm 2021. “Ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn, nền kinh tế phải đóng cửa vì Covid-19, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cung ứng nhiều hàng hóa cho các thị trường lớn, trong đó có Mỹ”, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), ông Adam Sitkoff cho hay.

Nhanh nhạy Tận dụng  các FTA

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, doanh nghiệp nhiều ngành hàng lớn đã khai thác tốt thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan. Nếu năm 2020, cả nước có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD, thì 9 tháng đầu năm 2021, số lượng mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã lên tới con số 31, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kinh tế thế giới đang phục hồi, độ phủ vắc-xin tăng tại nhiều quốc gia, các tỉnh và thành phố phía Nam mở cửa các nhà máy, thu hút lượng lao động trở lại làm việc gia tăng… sẽ là động lực để hoạt động sản xuất, xuất khẩu phục hồi trong những tháng cuối năm và năm tới. “Các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội thị trường trong các tháng cuối năm để bù đắp hao hụt về xuất khẩu trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch”, ông Hải nói.

CEO HSBC, ông Tim Evans cho rằng, ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại sau khi tiêm vắc-xin trên diện rộng, cùng với nhu cầu tăng mạnh của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản của Việt Nam. Vượt qua những trở ngại, Việt Nam đã tự tạo ra một vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu những năm gần đây, đồng thời tận dụng nhanh nhạy cơ hội xuất khẩu thông qua một loạt FTA đã đi vào thực thi.

Nguồn: Báo Đầu tư