Cơ hội xuất khẩu (XK) rộng mở trong những tháng cuối năm, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang được các doanh nghiệp (DN) khai thác rất hiệu quả. Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây.

9 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đã đạt kết quả ấn tượng. Theo ông, tình hình XK những tháng cuối năm sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

9 tháng đầu năm, theo con số chính thức của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK hàng hóa đạt 206,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới (Ấn Độ giảm gần 20%, Hàn Quốc giảm 10%, Trung Quốc giảm 2,3%...). Trong quý III, tăng trưởng XK cũng cao dần theo từng tháng, cho thấy sản xuất trong nước cũng như thị trường nước ngoài tiếp tục giữ vững, ổn định.

Dự báo những tháng cuối năm, diễn biến dịch Covid-19 vẫn khó đoán định, do đó sức mua của nhiều thị trường cũng ở mức thấp nên nhu cầu nhập khẩu (NK) không cao, cạnh tranh giữa các quốc gia XK ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, các nước tập trung vấn đề nội tiêu nên thị phần, tỷ trọng hàng hóa NK giảm xuống.

Tuy nhiên, XK hàng hóa cũng có yếu tố thuận lợi. Thứ nhất, ta đã tận dụng tốt thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8. Tính đến 12/10, sau hơn 2 tháng EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 23.400 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 960 triệu USD được hưởng thuế ưu đãi. Con số này cho thấy bước tăng trưởng và tín hiệu vui do thị trường EU đưa lại.

Thứ hai, ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên sản xuất và lưu thông trong nước được giữ vững và ổn định. Khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng được nâng lên. Sự năng động của DN được cải thiện nhiều.

Thứ ba, một số nước NK đã bắt đầu có những gói kích cầu giúp tăng nhu cầu NK, tiêu dùng. Đây là cơ hội đối với hàng hóa XK của Việt Nam.

Những tháng đầu năm, nhiều mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày đã sụt giảm mạnh kim ngạch XK. Vậy để tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng này nên tập trung vào những vấn đề gì?

Sau 9 tháng, kim ngạch XK dệt may, da giày có mức tăng trưởng âm, dệt may đạt 22,6 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái; da giày giảm 8,1%. Tuy vậy, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì đây chưa phải là mức giảm quá mạnh. Thực tế, thời gian qua, dù khó khăn nhưng các DN ngành hàng này đã năng động, tìm ra nhiều sản phẩm mới để duy trì kết quả XK. Sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành nhằm hỗ trợ DN vượt khó khăn đã phát huy tác dụng. Đặc biệt, khó khăn của dịch Covid-19 cũng là động lực thúc đẩy DN các ngành hàng này tái cơ cấu sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng, bản thân mỗi DN trong ngành cần tập trung tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, các FTA mà Việt Nam ký kết, nhất là EVFTA cũng có những ưu đãi lớn về thuế. Do đó, các DN dệt may, da giày và các ngành hàng khác cần tập trung khai thác tốt các ưu đãi từ EU và các thị trường có FTA khác mà Việt Nam ký kết và tham gia.

Cũng do tác động của Covid-19 nên hình thức giao thương trực tuyến đang rất phát triển. DN cần đẩy mạnh giao lưu, giao thương trực tuyến với các đối tác để tăng cường giao dịch, ký kết hợp đồng. Thời gian qua, các DN đã rất năng động và làm tốt việc này, nhưng vẫn chưa đủ, tương lai cần đẩy mạnh hơn, không chỉ trong thời điểm dịch bệnh mà cả trong hoàn cảnh thông thường.

Trong 3 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy XK, thưa ông?

Đầu tiên, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN tận dụng tốt thị trường. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành đàm phán 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực. Cho nên, trước mắt, ta phải lấy thị trường để định hướng cho sản xuất và sản xuất theo tín hiệu thị trường, tận dụng tốt các thị trường có FTA, nhằm tăng cơ hội miễn, giảm thuế, nâng sức cạnh tranh hàng hóa. Ngoài ra, tăng cường thâm nhập các thị trường mới, chưa có FTA nhưng có nhiều mặt hàng chưa bị giới hạn bởi số lượng NK và chưa bị ảnh hưởng hàng rào kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong XNK sao cho tiếp cận thị trường nhanh nhất.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, thông tin rất quan trọng. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về thị trường, mặt hàng cho DN. Thực tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao chúng tôi tính toán cụ thể dung lượng của từng thị trường, thị hiếu với từng mặt hàng, từng đối thủ cạnh tranh, giúp DN có thông tin thiết thực nhất, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường với các đối thủ cạnh tranh.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương