“Giọt nước tràn ly” COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh những quyết định đa dạng hóa nguồn cung và thị trường.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu của toàn cầu hóa. Các biện pháp phong tỏa hoạt động kinh tế hay những chính sách ứng phó khẩn cấp khác để ngăn chặn dịch đã khiến hoạt động thương mại bất ngờ bị gián đoạn và một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong ngắn hạn.

Mặc dù có không ít những nghi ngại về sự bền vững của toàn cầu hóa, song nhiều chuyên gia phân tích vẫn đặt niềm tin rằng xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế là tiến trình khó có thể đảo ngược, nhất là khi các nước đang hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch.

Tái cơ cấu chuỗi cung ứng, “hồi hương” các lĩnh vực thiết yếu, xây dựng khả năng chống đỡ những “cơn gió ngược” tiềm tàng được cho là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của các quốc gia trong thời gian tới.

* Định hình lại chuỗi cung ứng để tối ưu hóa lợi thế so sánh

Trong nhiều thập kỷ, cùng với tiến trình toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển thành một mạng lưới phức tạp, rộng khắp dựa trên những tính toán về chi phí cơ hội của từng quốc gia, trong đó Trung Quốc nổi lên là “công xưởng của thế giới”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đồng thời cũng là nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới.

Sự biến đổi không ngừng của môi trường kinh tế vĩ mô, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, áp lực chính trị và lợi ích kinh tế là những lý do thúc đẩy việc sắp xếp lại “bức tranh” chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa các lợi thế so sánh.

Các công ty đa quốc gia lâu nay vẫn không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, đa dạng hóa nguồn cung ứng hoặc lựa chọn giữa việc di chuyển toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất để giảm chi phí vận hành.

Và khi dịch COVID-19 bùng phát, các biện pháp phong tỏa trung tâm chế tạo và xuất khẩu tại Trung Quốc đã nhanh chóng làm “trật khớp” các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ điện tử, ô tô, điện thoại di động, hàng tiêu dùng cho tới các nguyên liệu đầu vào để sản xuất dược phẩm hay trang thiết bị y tế..

“Giọt nước tràn ly” COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh những quyết định đa dạng hóa nguồn cung và thị trường. Các quốc gia nhanh chóng cảm nhận được sự mong manh và những rủi ro xuất phát từ sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp lớn, nhất là trong những lĩnh vực có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Theo Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI), trong giai đoạn 2014-2017, chỉ có khoảng 7% các tuyến thương mại trên thế giới bị thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh xuất hiện nhiều rủi ro từ chính trị cho tới biến đổi khí hậu và nhất là đại dịch, còn các “cú sốc” thương mại toàn cầu cũng thường xuyên hơn.

Và nếu có sự di dời liên quan tới chuỗi cung ứng thì ước tính khoảng 16-26% kim ngạch xuất khẩu bị dịch chuyển trong 5 năm tới. Động thái này có thể liên quan tới việc đưa hoạt động sản xuất về trong nước, sản xuất gần hoặc tiến hành các hoạt động di dời sang các địa điểm sản xuất mới.

* Để đa dạng hóa thành công chuỗi cung ứng

Do áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược "Trung Quốc+1” để tránh thuế quan của Mỹ. Theo đó, các công ty chuyển một số nhà máy sang các quốc gia Đông Nam Á hay những nước khác. Cùng lúc, các công ty vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường đông dân nhất thế giới này và những thị trường khác ngoài Mỹ.

Ưu tiên giờ đây là tính toán lại hiệu quả kinh tế cũng như phân tán rủi ro theo khu vực, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy, rút ngắn khoảng cách theo quy mô khu vực hóa thay vì bỏ toàn bộ “trứng vào một giỏ”.

Theo nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sỹ UBS hồi tháng 6/2020, khoảng 76% các công ty Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc đã ra quyết định hoặc đang xem xét chuyển một phần hoạt động sang các nước khác để đa dạng hóa nguồn cung và thị trường tiêu thụ.

Ngay cả “người khổng lồ” công nghệ Apple cũng đang hối thúc các đối tác chính chuyển 15-30% cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà Ấn Độ được coi là một điểm đến giàu tiềm năng.

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), nhà thầu chuyên lắp ráp các điện thoại thoại thông minh cho các hãng lớn, đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng quy mô nhà máy ở Ấn Độ.

Theo báo cáo từ Counterpoint Research, thị trường điện thoại tại Ấn Độ đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, và cũng là điểm tập kết lớn thứ hai thế giới về tổng số nhà máy sản xuất điện thoại.

Về phía các chính phủ, Nhật Bản nổi lên là một nước thể hiện rõ quyết tâm đưa doanh nghiệp nước này di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, với khoản ngân sách hỗ trợ kế hoạch lên tới 243,5 tỷ yen (khoảng 2,2 tỷ USD) nằm trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp công bố hồi tháng 4/2020. Tokyo đang khuyến khích các công ty đưa hoạt động sản xuất mặt hàng có giá trị cao trở lại Nhật Bản và phân bổ việc sản xuất các sản phẩm trọng yếu khác ở khắp Đông Nam Á.

Chính phủ các nước ở khu vực Mỹ Latinh, Đông Nam Á hay Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng năng suất lao động và điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để “đón đầu” dòng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia.

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á - đang có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp trong thời gian từ nay tới năm 2024 và đẩy nhanh lộ trình giảm thuế doanh nghiệp.

Tổng thống Joko Widodo nói: "Nếu các quốc gia khác đang yêu cầu 1 triệu USD chi phí đất đai, chúng tôi có thể cung cấp với chi phí 500.000 USD". Tuy rằng việc phân hóa và bố trí lại hoạt động sản xuất sẽ chưa thể diễn ra ngay, nhưng các trung tâm công nghiệp và chế tạo mới sẽ dần nổi lên.

Đối với những quốc gia mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu, nhu cầu giảm do ảnh hưởng của đại dịch cũng là động lực thúc đẩy các chính sách xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, mở rộng quan hệ đối tác để hỗ trợ dòng chảy hàng hóa và đầu tư.

Những nỗ lực này được ưu tiên đẩy mạnh thông qua hình thức hợp tác với chính phủ các nước, như vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

* Tự chủ - giải pháp toàn diện để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng?

Những tranh cãi xung quanh việc đảm bảo an ninh nguồn cung đang khiến các quốc gia tỏ ra ngần ngại hay có thái độ dè chừng khi tìm kiếm những lợi ích từ toàn cầu hóa, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng các thiết bị di động và truyền thông.

Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua các quan ngại của giới chức phương Tây về công nghệ mạng di động 5G của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc). “Chủ quyền” dường như đang là lý do thôi thúc các nước khuyến nghị các công ty công nghệ di dời dữ liệu về khuôn khổ biên giới quốc gia.

Thực tế này đã thúc đẩy sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ vào tiến trình cải tổ mạng lưới cung ứng theo hướng kiểm soát để dự phòng cho các cú sốc có thể làm gián đoạn nguồn cung những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và dược phẩm.

Dù có cách tiếp cận về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khác nhau, song nhìn chung các kết luận đều cho rằng các thành phần của chuỗi cung ứng nên được đưa về trong biên giới quốc gia hoặc sang các quốc gia được coi là “đồng minh” hay đối tác tin cậy của nước đó.

Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trào lưu “chia tách” để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công khai kêu gọi đồng thời xúc tiến việc bàn thảo các chính sách ưu đãi thuế và lãi suất cho vay để khuyến khích các công ty nước này “hồi hương” nhằm “trả lại” việc làm cho người dân Mỹ.

Chính vì vậy, nội địa hóa chuỗi cung ứng được cho là xu hướng chuyển đối cấu trúc có tính chi phối nhất trong một thế giới hậu COVID-19, theo khảo sát của ngân hàng Bank of America (BofA).

Ở cấp độ ngành, các công ty thuộc nhóm công nghệ cao như kỹ thuật, tự động hóa và robot, sản xuất thiết bị điện và hàng điện tử, phần mềm ứng dụng và các sản phẩm thiết yếu như dược phẩm, thiết bị y tế và bảo hộ sẽ dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất này.

Về dài hạn, nhiều quốc gia sẽ thúc đẩy sản xuất tại chính nước sở tại bằng cách cải tiến công nghệ, tăng tốc độ tự động hóa các hoạt động cần thâm dụng lao động. Chẳng hạn, Singapore đã phân bổ 19 tỷ USD cho Kế hoạch Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp 2020, và đặt khoản chi này lên vị trí hàng đầu trong ngân sách 2020.

Đối với vấn đề an ninh lương thực, hiện nay, trên thế giới, 70% sản lượng gạo và 70% sản lượng ngô của thế giới chỉ do 5 nước sản xuất, 80% sản lượng đậu tương do ba nước sản xuất.

Do đó, ưu tiên trong dài hạn là triển khai các chính sách thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước, tăng năng suất và dự trữ chiến lược để đảm bảo khả năng “tự cung tự cấp”. Đồng thời, có các chiến dịch khuyến khích tiêu thụ nông sản địa phương và giảm phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.

Mặc dù trên thực tế, đại dịch COVID-19 đang khiến các quốc gia “hướng nội” và tìm kiếm các giải pháp mang tính địa phương, song việc di dời cắt đứt hẳn chuỗi cung ứng với Trung Quốc không phải là chuyện một sớm một chiều.

Bởi chỉ riêng trong lĩnh vực dược phẩm, Trung Quốc hiện là nơi bào chế hơn 80% các hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm thế giới. Ngoài ra, theo khảo sát BofA, việc chuyển tất cả các hoạt động chế tạo liên quan đến hàng hóa xuất khẩu không phục vụ cho tiêu dùng của Trung Quốc ra khỏi nước này có thể khiến các công ty tốn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm.

Giới chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã tấn công một thế giới vốn đã nhiều bất ổn, khi mà bản năng cạnh tranh vượt qua những suy nghĩ cùng hợp tác. Tuy nhiên, bài học trong Chiến tranh Thế giới thứ hai cho thấy việc đóng cửa nền kinh tế, cắt giảm thương mại, dựng lên hàng rào bảo hộ là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế các nước suy giảm.

Thế giới ngày nay thậm chí còn đan xen và phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc hơn so với hơn một thập niên trước. Do đó, để những lợi ích từ toàn cầu hóa có thể đóng góp cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thì việc củng cố các liên kết dựa trên những ưu đãi từ các hiệp định thương mại quốc tế, tăng cường thương mại điện tử và logistics để đảm bảo sự thông suốt của các dòng thương mại và đầu tư xuyên quốc gia là những giải pháp cần thiết.

Cùng với đó, một cách tiếp cận toàn diện hơn, sự cân bằng chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu để tạo đòn bẩy cho những thế mạnh của mình được coi là những động lực mới cho sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19./.

Nguồn: Bnews