Còn nhiều việc phải làm cho thương mại EU-Việt Nam

04/11/2013    101

Việt Nam sẽ phải quan tâm đến vấn đề môi trường như thế nào trong tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU). Tổng vụ trưởng Tổng vụ Môi trường của Ủy ban châu Âu, ông Karl Falkenberg đã trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về các vần đề liên quan đến EU và Việt Nam nhân chuyến làm việc tại Hà Nội gần đây.

Trong các phiên đàm phán FTA, phía EU luôn nhấn mạnh Việt Nam phải tuân thủ môi trường chặt chẽ hơn. Ông có thể nói thêm gì về điều này?

 - Ông Karl Falkenberg: Từ thị trường của EU, chúng tôi luôn mong chờ những sản phẩm an toàn, thân thiện và có chất lượng cao. Trong quá trình đó, chúng tôi hy vọng xây dựng được nền tảng để Việt Nam có thể phát triển bền vững.

Chẳng hạn, với một vấn đề rất là nhỏ là sản phẩm mật ong. Vài năm trước, Việt Nam đã xuất khẩu được mật ong sang EU, nhưng do kiểm soát chất lượng không tốt nên mật ong bị nhiễm khuẩn, có một số dư lượng kháng sinh và bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU. Gần đây, sau những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thì mật ong lại được tái xuất khẩu sang thị trường EU.

Chúng tôi có một quy trình chứng nhận, xác nhận liên quan đến vệ sinh dịch tễ rất chặt chẽ và như vậy, thông qua quá trình thương mại với EU sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam để đáp ứng được yêu cầu của một thị trường tiềm năng và khắt khe như EU, để từ đó xây dựng được một nền tảng về mặt năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam để tiếp tục xuất khẩu.

Một trong những mục tiêu chính của FTA là nhằm gỡ bỏ hay giảm thiểu những hàng rào về mặt thuế quan. Chúng tôi sẽ dành ưu tiên cho những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường. Như vậy, để thực hiện được FTA cần nỗ lực trong nước rất nhiều, nhất là việc nâng cao nhận thức và làm cho doanh nghiệp hiểu được yêu cầu của một thị trường xuất khẩu là EU, nó liên quan đến cả các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và phải hiểu EU mong chờ những gì để biết cách đáp ứng và có thể xuất khẩu đi EU.

Một điểm nữa mà tôi nghĩ rằng sẽ đóng góp tích cực cho Việt Nam, đó là FTA này nếu được ký, sẽ có hẳn một chương liên quan đến năng lượng tái tạo. Chúng tôi thấy rằng, Việt Nam là một đất nước rất tiềm năng về gió, mặt trời, địa sinh học, địa nhiệt và chúng tôi cũng có mục tiêu để giúp đỡ Việt Nam thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sạch, giúp Việt Nam có thể chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo để đóng góp vào sự phát triển biền vững.

Về những vấn đề cụ thể liên quan môi trường, ông có lời khuyên gì với phía Việt Nam?

- Sẽ là khó để một người nước ngoài nói là một quốc gia phải ưu tiên những gì để theo đuổi một nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, nếu tôi là một nhà lãnh đạo Việt Nam, tôi sẽ dành ưu tiên cho những ngành có lợi thế xuất khẩu. Cụ thể hơn, tôi sẽ quan tâm hơn đến việc tham gia đàm phán và nỗ lực để kết thúc công ước quốc tế Flets liên quan đến thương mại hóa các sản phẩm từ gỗ. Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu các sản phẩm nội thất từ gỗ. Một ưu tiên thứ hai là các mặt hàng nông sản chính như cà phê. Rất tiếc là gần đây, chúng tôi nhận thấy chất lượng cà phê của Việt Nam có vấn đề. Chẳng hạn một số lô hàng qua kiểm nghiệm bị phát hiện là bị nhiễm khuẩn và có dư lượng về hóa chất, thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép. Như vậy, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín cũng như xuất khẩu của cà phê Việt Nam đến các nước EU.

Liên quan đến đảm bảo xuất khẩu hàng nông sản nói chung của Việt Nam, có ý kiến nêu ra là Việt Nam cần xây dựng một cơ quan đầu mối quốc gia kiểm soát những vấn đề dịch tễ cũng như chất lượng hàng xuất khẩu. Mỹ và EU đã có một cơ quan đầu mối duy nhất như vậy để kiểm soát chất lượng hàng nông sản. Đáng tiếc là tại Việt Nam, chức năng quản lý này lại bị phân tán ở nhiều bộ ngành khác nhau.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách thu hút hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, sạch và dành ưu tiên cho việc tăng cường các mối liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giữa công nghiệp và nông nghiệp. Như vậy, tôi chỉ đưa ra một số ý kiến với góc độ một chuyên gia từ bên ngoài, còn Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam mới biết rõ nhất đâu là những lĩnh vực, đối tượng phải ưu tiên.

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á có tốc độ phát triển nhanh, có nhiều người thoát nghèo và như vậy, làm tăng nhu cầu trong nước. Rõ ràng đang phát sinh nhu cầu cấp thiết, yêu cầu Việt Nam sử dụng hiệu quả hơn nữa những nguồn lực mà mình có như đất, nước, không khí, khoáng sản... Việt Nam ứng xử như thế nào với rác thải. Tại Việt Nam, có thông lệ là xử lý chất thải theo cách truyền thống là thu gom rồi chôn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một cách khác là phân loại rác thải ngay từ khi thu gom, cái nào chúng ta tái chế được thì tái chế, cái nào sử dụng được thì sử dụng. Ngay cả việc đốt, thì chúng ta cũng phải lấy ngay cái nguồn năng lượng đó để phát điện.

Ông có thể tiết lộ một vài điểm liên quan đến các vòng đàm phán FTA?

- Tôi có thể nói là rất tích cực. Hiện đã có 4 vòng đàm phán chính thức liên quan đến FTA bên cạnh những phiên thảo luận không chính thức giữa 2 bên. Trong quá trình đó, chúng tôi đều nhận thấy sự quan tâm rất cao của Việt Nam đối với những vấn đề mà chúng tôi vừa nêu lên. Tất nhiên, trong một cuộc đàm phán về thương mại, chúng tôi không chỉ xác định về hướng muốn đi, mà còn phải là giải quyết các chi tiết trên đường nữa. Còn rất nhiều việc phải làm cho cả EU và Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi cũng đưa ra một mục tiêu khá tham vọng đó là sẽ nỗ lực để kết thúc FTA vào cuối năm 2014.

Vấn đề đảm bảo môi trường rất phức tạp nếu đi vào chi tiết. Trong trường hợp FTA EU và Việt Nam được ký kết, với chương về môi trường được bảo lưu lại để Việt Nam cải thiện dần, thì trong quá trình đó EU có sử dụng ngay các hàng rào để ngăn chặn các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, nếu phát hiện có vấn đề môi trường hay không?

- Câu trả lời của tôi là có, dù trong các FTA chúng tôi quan tâm đến trình độ phát triển của các đối tác của mình. Với Việt Nam, chúng tôi sẽ có sự linh hoạt trong những vấn đề đó khi thực hiện, áp dụng các điều khoản trong FTA. Thế nhưng có những nguyên tắc trong thương mại quốc tế là chúng ta phải tôn trọng và đối xử công bằng giữa các quốc gia với nhau. Chẳng hạn, về vấn đề thực phẩm, vệ sinh dịch tễ chúng tôi không thể ưu tiên cho Việt Nam hơn các sản phẩm từ Trung Quốc hay Mỹ. Thứ nhất, chúng tôi phải tôn trọng những nguyên tắc trong thương mại quốc tế. Thứ hai, chúng tôi phải bảo vệ người tiêu dùng EU, chúng tôi muốn nhập khẩu những sản phẩm tốt nhất cho người dân của chúng tôi.

Có thể có một lô hàng nào đó mang tính nhỏ lẻ vi phạm, nhưng về dài hạn, nó tác động nghiêm trọng đối với thương mại của Việt Nam. Đó là nó sẽ hình thành suy nghĩ với người tiêu dùng châu Âu rằng những sản phẩm của Việt Nam không an toàn. Như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến sức mua, uy tín của hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Hãy đặt vấn đề là người tiêu dùng châu Âu thấy hoa quả của Việt Nam bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản của Việt Nam bị nhiễm chất bảo quản, và bị cấm thì chắc chắn lần sau họ sẽ không quay lại với những loại hoa quả, hay cá tôm đó. Họ sẽ chọn mua những sản phẩm của các nước khác an toàn hơn. Như vậy, tôi nghĩ điều quan trọng đối với Việt Nam là cần phải kiểm soát để đảm bảo rằng hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt nhất có thể. Hơn nữa, điều này không chỉ giúp xuất khẩu, mà còn phục vụ người dân trong nước nữa.

Theo một thống kê của Chính phủ Việt Nam, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại 12-14 triệu đô la Mỹ chỉ cho 2 sản phẩm cá tra, cá ba sa không được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật trong giai đoạn 2002-2010 do gặp các rào cản thương mại. Con số đó là rất lớn nếu tính cả giai đoạn. Ông bình luận gì?

- Thiệt hại này có thể là do chống bán phá giá. Trong thương mại quốc tế chúng ta quan tâm đến 2 góc độ. Thứ nhất là chi phí và giá thành. Phải đảm bảo rằng một sản phẩm khi xuất khẩu sang một thị trường khác thì không bị bán dưới giá thành, và khi bị phát hiện bán dưới giá thành sẽ bị áp các rào cản thương mại về chống bán phá giá. Góc độ thứ hai liên quan đến vệ sinh dịch tễ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dung. Vì thế mới có những rào cản kỹ thuật.

Để đáp ứng tất cả các quy định của các sân chơi thương mại, điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu rõ các quy định trong thương mại quốc tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cần phải xây dựng những chiến dịch nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin cho các bộ ngành. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hiểu được vai trò của họ trong sân chơi quốc tế này. Từ phía EU với vai trò đối tác của Việt Nam, chúng tôi luôn minh bạch tất cả các quy định này, những yêu cầu, quy định liên quan đến phòng vệ thương mại, hay vệ sinh dịch tễ, chúng tôi đều công bố rộng rãi thông qua các website và các phương tiện truyền thông khác.

Xin cảm ơn ông!

 Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn