Giải quyết tranh chấp số DS184

14/05/2013    763

Hoa Kỳ - Các biện pháp chống bán phá giá áp dụng đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Nhật Bản

Nguyên đơn

Nhật Bản

Bị đơn:

 

Các Các bên thứ ba:

Hoa Kỳ

 

Braxin; Canada; Chi lê; EC; Hàn Quốc

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)

Hiệp định thành lập WTO: Điều XVI; Hiệp định ADA (Điều VI của GATT 1994): Phụ lục I, Phụ lục II, Điều 3, 4, 6, 2, 9, 10, 18; GATT 1994: Điều VI, X

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn

18/11/1999

Ngày lưu hành Báo cáo của Ban Hội thẩm

28/02/2001

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm

24/07/2001

Ngày lưu hành Báo cáo trọng tài theo Điều 21.3(c)

19/02/2002

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn

Ngày 18/11/1999, Nhật Bản yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến vụ kiện chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đã tiến hành đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (Certain Hot Rolled Steel Products) nhập khẩu từ Nhật Bản, cụ thể là về:

-       Các kết luận sơ bộ và cuối cùng của DOC và ITC ban hành lần lượt vào các ngày 25, 30/11/1998; 12/02/1999; 23/06/1999: theo Nhật Bản, các kết luận trên là không chính xác và dựa trên quy trình, thủ tục không hợp pháp của Đạo luật thuế 1930 và các quy định liên quan khác của Hoa Kỳ.

-       Một số điều khoản cụ thể của Đạo luật thuế 1930 và các quy định liên quan: Nhật Bản cho rằng Hoa Kỳ đã vi phạm các Điều VI và X của GATT 1994 và các Điều 2, 3, 6 (bao gồm cả Phụ lục  II), Điều 9 và 10 của Hiệp định ADA.

Giai đoạn Hội thẩm

Thành lập Ban Hội thẩm

Tham vấn không thành công, do đó ngày 11/02/2000, Nhật Bản chính thức kiện lên WTO bằng cách yêu cầu thành lập Ban Hôi thẩm giải quyết tranh chấp vụ việc này. Tại cuộc họp ngày 24/02/2000, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, theo yêu cầu lần thứ hai của Nhật Bản, Ban Hội thẩm đã được thành lập sau đó tại cuộc họp của DSB ngày 20/03/2000.

Braxin, Canada, Chi lê, EC và Hàn Quốc yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Ngày 09/05/2000, do hai bên không thể thống nhất được về thành phần của Ban Hội thẩm, Nhật Bản đã yêu cầu Tổng Giám đốc WTO quyết định các thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 24/05/2000, Ban Hội thẩm được hình thành.

Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm

Ngày 28/02/2009, Ban Hội thẩm ban hành Báo cáo giải quyết tranh chấp tới tất cả các nước thành viên WTO, trong đó kết luận:

-       Hoa Kỳ đã vi phạm Điều 6.8 và Phụ lục II của Hiệp định ADA khi áp dụng “các thông tin sẵn có” đối với Tập đoàn thép Kawasaki (KSC), Tập đoàn thép Nippon (NSC) và Tập đoàn NKK;

-       Chương 735(c)(5)(A) của Đạo luật Thuế quan 1930 sửa đổi, trong đó quy định DOC chỉ loại trừ các biên độ phá giá được tính toán dựa hoàn toàn trên những thông tin sẵn có để xác định mức thuế cho tất cả các nhà xuất khẩu khác, là không phù hợp với Điều 9.4 của Hiệp định ADA, và do đó cũng không phù hợp với các nghĩa vụ quy định tại Điều 18.4 của Hiệp định ADA và Điều XVI:4 của Hiệp định Marrakesh do đã không điều chỉnh các điều khoản nói trên cho phù hợp với các nghĩa vụ theo Hiệp định ADA; và      

-       Hoa Kỳ đã vi phạm Điều 2.1 của Hiệp định ADA do loại trừ một số giao dịch với các đối tác có quan hệ phụ thuộc tại thị trường nội địa trong việc tính toán giá trị thông thường trên cơ sở các cuộc kiểm tra về điều kiện “quan hệ phụ thuộc”(“arm’s length” test). Ngoài ra, trên cơ sở những kết luận đó, Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng việc thay thế các giao dịch có quan hệ phụ thuộc bởi các giao dịch không có quan hệ phụ thuộc là vi phạm Điều 2.1 của Hiệp định ADA

-       Về những nội dung khác trong đơn kiện của Nhật Bản chưa được trình bày ở trên, Ban Hội thẩm kết luận:

(i) những nội dung này không thuộc điều khoản tham chiếu của Ban Hội thẩm (bao gồm “thông lệ chung” liên quan đến việc sử dụng những thông tin sẵn có bất lợi; “thông lệ chung” liên quan đến việc loại trừ một số giao dịch nội địa khi tính giá thông thường) hoặc

(ii) trên cơ sở những kết luận tương tự đã được đưa ra, Ban Hội thẩm nhận thấy không cần thiết phải đưa ra các kết luận cho những vấn đề còn lại.

Giai đoạn Phúc thẩm

Ngày 25/04/2001, Hoa Kỳ thông báo quyết định kháng cáo ra Cơ quan Phúc thẩm về một số vấn đề pháp luật và giải thích pháp lý trong Báo cáo của Ban Hội thẩm.

Ngày 24/07/2001, Cơ quan Phúc thẩm hoàn thành công việc và ban hành Báo cáo tới tất cả các quốc gia thành viên WTO trong đó ủng hộ tất cả các kết luận của Ban Hội thẩm trừ một số vấn đề sau:

-       Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm liên quan đến việc Hoa Kỳ vi phạm Điều 2.1 của  Hiêp định ADA khi tính toán giá thông thường sử dụng các giao dịch của các công ty phụ thuộc của một nhà xuất khẩu bị điều tra cho các giao dịch độc lập.

-       Cơ quan Phúc thẩm thấy rằng không có đủ bằng chứng thực tế để chứng minh cho phân tích của Nhật Bản rằng Hoa Kỳ vi phạm Điều 2.4 của Hiệp định ADA vì đã so sánh không công bằng khi sử dụng các giao dịch phụ thuộc khi tính toán giá thông thường.

-       Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm rằng Hoa Kỳ đã vi phạm Hiệp định ADA khi áp dụng điều khoản sản xuất tự cung tự cấp trong việc xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất thép cuộn cán nóng của Hoa Kỳ;

-        Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ kết luận của Ban Hội thẩm rằng ITC đã chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hàng hoá nhập khẩu bán phá giá và thiết hại đáng kể đổi với ngành sản xuất nội địa, theo quy định tại Điều 3.5 của Hiệp định ADA, nhưng cũng nhận thấy rằng không có đầy đủ các chứng cứ ghi chép thực tế để chứng minh cho phân tích của Nhật Bản liên quan đến khiếu nại về mối quan hệ nhân quả này.

Ngày 23/08/2001, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo đã được sửa đổi của Ban Hội thẩm.

Thực thi

Ngày 20/11/2001, Nhật Bản yêu cầu cần xác định khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB thông qua trọng tài theo Điều 21.3(c) DSU. Do trì hoãn trong việc bổ nhiệm trọng tài viên, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thống nhất gia hạn thời gian ra quyết định trọng tài theo quy định của điều khoản trên. Theo đó, quyết định trọng tài sẽ được đưa ra chậm nhất vào ngày 19/02/2002.

Ngày 19/02/2002, trọng tài ban hành quyết định, trong đó kết luận khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 15 tháng, bắt đầu từ ngày 23/08/2001 và kết thúc vào ngày 23/11/2002.

Ngày 01/10/2002, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ đã trình bày báo cáo tiến độ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB, theo đó họ đã bắt đầu tiến hành các bước cần thiết. Cụ thể DOC đã ra đề xuất thay đổi cách thức kiểm tra “mối quan hệ phụ thuộc (arm’s length)” cho phù hợp với các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Hoa Kỳ khẳng định sẽ áp dụng hình thức kiểm tra mới cho các sản phẩm thép cuộn cán nóng là đối tượng trong vụ kiện này và cả các sản phẩm bị điều tra chống phá giá trong thời gian tới. Ngoài ra, đối với các vấn đề pháp lý bị kiện, Hoa Kỳ cho biết Chính phủ Hoa Kỳ đang tham vấn với Quốc hội nước này để xác định các biện pháp cần thực hiện nhằm giải quyết vụ kiện này.

Nhật Bản bày tỏ quan ngại rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không thực hiện đúng hạn các nghĩa vụ của mình vì mặc dù nước này báo cáo rằng Bộ thương mại và Quốc hội của họ đang tiến hành các bước nhằm tuân thủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB nhưng lại không hề đề cập đến ITC – cơ quan này vẫn đang tiếp tục áp dụng các điều luật vi phạm quy định của WTO. Do đó, Nhật Bản yêu cầu Hoa Kỳ phải nhanh chóng điều chỉnh các biện pháp của mình cho phù hợp với các khuyến nghị và phán quyết của DSB và thông báo rằng họ sẽ giám sát toàn bộ các động thái của Hoa Kỳ trong việc này. Bên cạnh đó, EC cũng thúc giục Hoa Kỳ nhanh chóng thực thi các nghĩa vụ của mình.

Ngày 11/11/2009, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ tiếp tục đệ trình báo cáo tiến độ thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB với nội dung tương tự tại cuộc họp của DSB trước đó. Nhật Bản một lần nữa bày tỏ quan ngại về tiến độ thực thi của Hoa Kỳ và thông báo rằng thời hạn để Hoa Kỳ thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB sẽ kết thúc vào ngày 23/11/2002. Do đó, Nhật Bản thúc giục Hoa Kỳ nhanh chóng điều chỉnh các biện pháp của mình cho phù hợp với quy định của WTO, nếu không Nhật Bản có quyền đình chỉ các nhượng bộ hoặc các nghĩa vụ khác theo Điều  22.2 của DSU khi hết thời hạn kể trên.

Ngày 22/11/2002, Hoa Kỳ đề nghị DSB gia hạn khoảng thời gian hợp lý để thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB đến hết ngày 31/03/2003, hoặc ngày kết thúc kỳ họp Quốc hội sắp tới, tuỳ thuộc vào thời điểm nào sớm hơn. Hoa Kỳ cho rằng việc gia hạn này sẽ thúc đẩy mục tiêu chính của hệ thống giải quyết tranh chấp, góp phần tìm ra giải pháp thoả đáng cho cả hai bên.

Ngày 28/11/2009, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ thông báo họ đã thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB liên quan đến việc tính toán biên độ phá giá trong kết luận cuối cùng của DOC trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng của Nhật Bản. Về các vấn đề liên quan đến luật pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cho biết Chính phủ Hoa Kỳ đang tiếp tục làm việc và xin ý kiến của Quốc hội nước này để giải quyết vụ kiện trên tinh thần thỏa mãn cả hai bên. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đang tiến hành tham vấn với Nhật Bản nhằm thỏa thuận gia hạn khoảng thời gian hợp lý đến hết ngày 31/12/2003 hoặc ngày kết thúc kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, tuỳ theo thời gian nào sớm hơn. Nhật Bản bày tỏ thất vọng về việc Hoa Kỳ không thể thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB trong khoảng thời gian hợp lý và cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến uy tín của cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhật Bản cũng cho hay họ có thể gia hạn cho Hoa Kỳ nhưng vẫn hy vọng Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh các biện pháp của mình trong thời gian sớm nhất. Nhật Bản cũng bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp hợp lý chống lại Hoa Kỳ trong trường hợp Hoa Kỳ không thực thi đầy đủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Tại cuộc họp ngày 05/12/2009, DSB đã đồng ý gia hạn khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB trong vụ kiện này.

Đến cuộc họp ngày 27/01/2003, Hoa Kỳ tiếp tục đệ trình báo cáo tiến độ trong đó không có gì thay đổi so với báo cáo lần trước đó. Nhật Bản một lần nữa bày tỏ sự thất vọng đối với Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ tập trung mọi nỗ lực làm việc với Quốc hội mới nhằm thực thi nhanh chóng các khuyến nghị và phán quyết của DSB.

Tại cuộc họp ngày 02/10/2003, Hoa Kỳ tiếp tục đệ trình bày báo cáo tiến độ thực hiện và thông báo rằng, đối với các khuyến nghị và phán quyết liên quan đến Đạo luật Chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tham vấn và làm việc với Quốc hội nhằm tìm ra giải pháp. Cụ thể Chính phủ Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy việc thông qua một số sửa đổi cụ thể của luật thuế chống bán phá giá theo đúng các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Tuy nhiên, Nhật Bản cho rằng cả báo cáo và tuyên bố của Hoa Kỳ không đưa ra được một diễn giải cụ thể nào về kế hoạch thực thi các khuyến nghị và phán quyết. Nhật Bản đề nghị Hoa Kỳ nhanh chóng thực hiện các nghĩa vụ này trước khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội lần thứ 108, và cần tiếp tục tham vấn với Nhật Bản một cách tích cực và chi tiết về cách thức và thời gian dự kiến thực hiện các khuyến nghị và phán quyết.

Ngày 07/10/2009, tại cuộc họp của DSB, Hoa Kỳ khẳng định Chính phủ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một số sửa đổi cụ thể của luật thuế chống bán phá giá theo các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Nhật Bản cho biết thời gian gia hạn cho Hoa Kỳ sắp hết mà Hoa Kỳ vẫn chưa có thay đổi gì về luật pháp trong khi Quốc hội Hoa Kỳ cũng sắp hết nhiệm kỳ. Nhật Bản đề nghị Hoa Kỳ cần tham vấn với Nhật Bản về cách thức thực thi các khuyến nghị và phán quyết .

Ngày 21/11/2003, Hoa Kỳ thông báo với Chủ tịch DSB về đề xuất gia hạn khoảng thời gian hợp lý để thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB đến ngày 31/07/2004 và cho biết họ cũng đang tham vấn với Nhật Bản về vấn đề này. Tại cuộc họp ngày 10/12/2003, DSB đã đồng ý với đề xuất trên của Hoa Kỳ.

Ngày 30/07/2004, sau một năm gia hạn, Hoa Kỳ lại thông báo với Chủ tịch DSB về đề xuất kéo dài khoảng thời gian hợp lý để thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB thêm 1 năm nữa tức là đến ngày 31/07/2005 và cho biết họ đã tham vấn với Nhật Bản về vấn đề này. Tại cuộc họp ngày 31/08/2004, DSB đã đồng ý với đề xuất trên của Hoa Kỳ.

Ngày 07/07/2005, các bên thông báo với DSB về một thoả thuận, theo đó Nhật Bản giữ nguyên các quyền được DSB cho phép đình chỉ các nhượng bộ hoặc nghĩa vụ khác theo điều 22.6 của DSU vào bất cứ thời điểm nào trong tương lai và Hoa Kỳ sẽ không được cản trở đối với các quyền này của Nhật Bản nếu nó được thực hiện trong khoảng thời gian quy định như trong Điều 22.6 của DSU.