Công nghiệp chế biến, chế tạo – Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020

01/08/2021    581

Thời gian: 2021

Đơn vị thực hiện: Tổng cục Thống kê

Công nghiệp hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, trong đó xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được ưu tiên hàng đầu.

Những thành tựu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã tạo nền tảng to lớn cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng, thay thế cho ngành nông nghiệp đang ngày càng giảm tỷ trọng trong tổng sản phẩm trong nước, giúp nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ tụt hậu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù điều kiện phát triển trong từng thời kỳ khác nhau nhưng nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã có sự phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và thể hiện vai trò quan trọng tạo nền tảng phát triển kinh tế. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với quy mô lớn, phong phú về chủng loại, đa dạng về cơ cấu đã được hình thành, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng trong GDP của toàn bộ nền kinh tế; sản phẩm chế biến, chế tạo đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới; năng lực của doanh nghiệp chế biến, chế tạo không ngừng nâng cao. Trong một số ngành, trình độ của công nghiệp chế biến, chế tạo đã dần tiệm cận với tiến bộ khoa học – công nghệ trên thế giới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước có yêu cầu chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn mang nặng tính chất gia công, lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, chưa chiếm lĩnh được những vị trí vững chắc trong chuỗi gia công toàn cầu và còn thiếu nền tảng để phát triển một cách độc lập. Ngoài ra, công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đáp ứng được việc cung cấp những thiết bị, công cụ sản xuất tiên tiến, các sản phẩm hiện đại để có thể làm tiền đề đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế lớn mạnh và bền vững.

Để cung cấp thông tin phục vụ quá trình hoạch định chính sách của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Tổng cục Thống kê thực hiện chuyên đề “Công nghiệp chế biến, chế tạo – Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Chuyên đề đi sâu vào tìm hiểu, phân tích thực trạng cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển, từ đó đề xuất những giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm phát huy vai trò động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp này trong thời gian tới.

Bản mềm Ấn phẩm được đính kèm dưới đây: