Tin tức

Cơ hội và thách thức 'vực lại' ngành dệt may, da giày sau ‘bão’ Covid-19

25/10/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành dệt may, da giày chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trước thực trạng đó, nhiều giải pháp linh hoạt đã được đề ra nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn đọng.

Ngành dệt may, da giày lao đao trước đại dịch Covid-19

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Sự sụt giảm nhu cầu của thị trường Mỹ và Châu Âu tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (thị trường Mỹ và Châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may). Lần đầu tiên sau 25 năm, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may tăng trưởng âm, năm 2020 chỉ đạt 29,8 tỷ USD so với 32,8 tỷ USD năm 2019 (giảm 9,2%). 

Ngành da giày, gặp khó khăn đáng kể, nhất là khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại các nước là thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày như Mỹ và Châu Âu (thị trường Mỹ và Châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam). Năm 2019 xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018), năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 20 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19. Năm 2021, ngành da giày có dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu da giày vẫn tiếp tục tăng do đơn hàng xuất khẩu tăng trong các tháng đầu năm, và các lô hàng đã sản xuất từ các tháng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại tỉnh phía Nam. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3%, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 12,14 tỷ USD tăng 28,2% và xuất khẩu túi xách đạt 2,02 tỷ USD tăng 10%. Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu có nguy cơ giảm xuống trong các tháng cuối năm 2021 do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất để phòng, chống dịch.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cả 2 điểm “cung” và “cầu”. Đặc biệt, mặc dù nguồn cung có, nhu cầu của các thị trường sau dịch COVID-19 tăng, nhưng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương. 

Đặc trưng của nền sản xuất nói chung và ngành công nghiệp dệt may, da giày nói riêng là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng cả về nguyên liệu sản xuất và nhân lực lao động.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, nhiều doanh nghiệp khó tổ chức sản xuất theo “3 tại chỗ” (3T), một số doanh nghiệp tổ chức được thì lại gặp khó khăn về tập hợp nhân lực lao động. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực lao động còn tiếp tục khó khăn trong thời gian dài,  bởi hiện nay lao động đã về quê hết. Sau dịch bệnh, việc tuyển dụng lao động sẽ nhiều khó khăn.

Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giầy tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế 3T và “một cung đường, hai điểm đến”. Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giầy chỉ hoạt động với công suất 50%-70%, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. 

Đối với ngành da giầy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiếu nguyên liệu và nhân công lao động, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các đơn hàng trong các tháng cuối năm 2021. 

Một số doanh nghiệp đang cầm cự để hoạt động, dịch bệnh COVID-19 căng thẳng buộc các doanh nghiệp phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID-19,v.v...

Linh hoạt các giải pháp nhằm vực dậy ngành dệt may, da giày

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”. Về chủ trương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng. Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều thành phố lớn của cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân để mở rộng “vùng xanh”, tạo tiền đề nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ dịch bệnh là điều không thể, nên chủ trương của các thành phố là không theo đuổi Zero F0, mà chấp nhận chủ động chung sống hòa bình, an toàn với việc có F0 trong cộng đồng.

Tại nhiều huyện, thị xã "vùng xanh" theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội, không khí sản xuất tại nhiều nhà máy, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố đã tất bật trở lại. Trong khi đó, các quận, huyện ở TP.HCM đang đẩy mạnh tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 đồng thời bảo vệ các vùng xanh, thiết lập ấp/tổ dân phố an toàn, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.  

Sau một thời gian ngừng trệ sản xuất, các doanh nghiệp ở Bình Dương mong muốn nhanh chóng nối lại sản xuất sau khi tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới,” đồng thời đề nghị tỉnh đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân, người lao động. Đây cũng là những nội dung được nêu lên trong buổi đối thoại giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da trên địa bàn tỉnh, ngày 21/9.

Theo bà Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch phụ trách cung ứng khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Adidas và đại diện 23 doanh nghiệp may mặc, da giày, doanh nghiệp mong muốn được tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch. Doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine "phủ rộng" cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm và xử lý nhanh chóng khi phát hiện F0; hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất thông qua các gói hỗ trợ tài chính…

Không chỉ riêng ngành da giày, dệt may mà đối bất kỳ ngành sản xuất, chế biến nào thì kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Hiện nay, cùng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách, để đảm bảo cả 03 trụ cột  y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”, cả ba chân đều cần phải vững mới có thể phòng chống dịch lâu dài. Tại cuộc họp ngày 29/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể không chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu triệt tiêu COVID “Zero COVID” sang chủ trương “sống chung an toàn với dịch bệnh”.

Quan điểm này phù hợp với tuyên bố do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 7/9/2021 và cũng là xu hướng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dự báo của WHO, đại dịch COVID-19 có khả năng tồn tại cùng chúng ta khi SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến ở các quốc gia chưa được tiêm chủng và hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus này đang giảm dần. Một số chuyên gia y tế hàng đầu nước Mỹ như Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng và Stephane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna, đều cảnh báo rằng thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 mãi mãi, giống như bệnh cúm.

Da giày Việt Nam hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia… Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. Hiện nay, việc nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ là nhu cầu của người dân, doanh nghiệp sau một thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách do tác động bởi dịch bệnh, mà còn là một bước đi cần thiết giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021. Tuy nhiên, cơ sở cho việc nối lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất cần phải được thực hiện dựa trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh. “Mục tiêu kép” sẽ được thực hiện thành công khi cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phát huy tinh thần cao nhất để chung tay đồng hành với Chính phủ.

Nguồn: VietQ